- Trong khi việc đào tạo tiến sỹ (TS) tại Việt Nam đang có những dư luận trái chiều, Trường Đại học Y Hà Nội (ĐH Y HN) có chủ trương quy định công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc của tất cả các chương trình đào tạo Tiến sỹ (TS) tại trường.

Nếu quy định này được ban hành, đây sẽ là quy định "mang tính lịch sử" đối với việc đào tạo TS tại Việt Nam.

VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y HN về chủ trương này.

{keywords}
PGS. TS Nguyễn Đức Hinh cho biết trường ĐH Y HN sẽ ban hành quy định yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế mới được tốt nghiệp.

Phóng viên: Thưa PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, được biết Trường ĐH Y HN đang có chủ trương ban hành quy định yêu cầu các nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế như điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp. Xin ông cho biết tại sao ĐH Y HN lại quyết định đưa ra quy định này?

PGS. TS Nguyễn Đức Hinh: Chủ trương này đã được chúng tôi đề cập đến từ vài năm nay. Nội dung là trong quá trình học tập nghiên cứu của mình, yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh phải có bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Mục đích là nâng cao trình độ đào tạo, đúng nghĩa với đào tạo tiến sỹ. Với quyết định này, chúng tôi mong muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của việc nghiên cứu khoa học của trường.

Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng để hướng tới xây dựng trường Y Hà Nội thành đại học nghiên cứu. Ai cũng biết hai tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học là bài báo được đăng trong các tạp chí quốc tế uy tín và phát minh có đăng ký bản quyền sáng chế.

- Là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam ban hành quy định này, liệu có gặp khó khăn khi thực hiện không, thưa ông?

- Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, khó nhất là vượt qua chính mình. Bản thân tôi phải đương đầu với vô số câu hỏi của những đồng nghiệp và người học vì đơn giản công bố quốc tế là một thách thức không chỉ đối với người học mà đối với chính ngay cả người thầy. Ai cũng nói với tôi: “Khi áp dụng qui định này sợ không có ai theo học nghiên cứu sinh” và nhiều câu hỏi, thắc mắc khác.

- Vậy còn những thuận lợi?

Chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi: Đội ngũ giảng viên của trường rất xuất sắc, đặc biệt là những giảng viên trẻ được đào tạo cơ bản. Chúng tôi đã triển khai thành công một số chương trình đào tạo có tính hội nhập cao như Chương trình tiên tiến đào tạo điều dưỡng. Sắp tới chúng tôi triển khai chương trình quốc tế đào tạo thạc sỹ y tế công công. Hiện đã có gần hai mươi học viên quốc tế gửi hồ sơ xin học với chúng tôi.

- Những giải pháp mà trường dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian tới để triển khai quy định này?

- Chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các biện pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cũng như công bố quốc tế của các cán bộ, giảng viên trong trường. Chẳng hạn như trao giải thường Đặng Văn Ngữ hàng năm cho gảng viên có công bố quốc tế tốt nhất, xây dựng nhóm nòng cốt hỗ trợ công bố quốc tế, bố trí kinh phí cho nghiên cứu cao hơn trước mặc dù còn rất khiêm tốn so với nhu cầu…

- Thực tế, yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế mới được bảo vệ không phải là mới trên thế giới. Ở Việt Nam tới nay mới bắt đầu áp dụng có phải đã muộn?

- Đúng là trên thế giới rất nhiều quốc gia đều áp dụng quy định yêu cầu các nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi bảo vệ. Nhiều giảng viên của trường chúng tôi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đều phải có nhiều bài báo công bố quốc tế trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Hiện nay chúng ta mới bắt đầu ban hành quy định này thì muộn là điều không còn bàn cãi. Tuy nhiên, muộn cũng phải làm nếu chúng ta muốn hội nhập và nâng tầm.

- Nếu quy định yêu cầu người học TS phải có công bố quốc tế được áp dụng rộng rãi, chúng ta sẽ chấm dứt được thực trạng “lò đào tạo tiến sỹ”, tiến sỹ nhưng không làm công tác nghiên cứu khoa học?

- Tôi cho rằng, đào tạo TS chỉ dành cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học thực thụ, luôn gắn với phát minh, mang đến tri thức mới cho nhân loại. Tuy nhiên, thực hiện điều này là rất khó, vô cùng khó!

Xin cảm ơn ông!

Hà Phương (thực hiện)