Gặp khó trong việc tuyển sinh đầu vào, nhiều cơ sở đào tạo nghề tại Đà Nẵng không có sinh viên, buộc phải đóng cửa, hoặc phải khai tử một số chuyên ngành và đào tạo theo hướng cầm cự.

{keywords}
Ảnh minh họa: VTC

Trường CĐ Nghề Đà Nẵng là một trong những cơ sở dạy nghề trọng điểm quốc gia với khả năng đào tạo hơn 3.000 SV. Tuy nhiên, năm 2012, trường chỉ đào tạo 2.438 SV, đến năm 2015 chỉ còn 1.325 SV. Trong vòng 5 năm, số lượng SV giảm xuống một nửa. Trường dành riêng 1.000 chỉ tiêu cho thí sinh địa phương, nhưng con số thực tế tuyển sinh được chỉ khoảng 40%.

Năm 2015, trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi chỉ có khoảng 550 SV trong khi khả năng đào tạo của trường...gấp 6 lần (hơn 3.000 SV). Theo thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, tình trạng giảm sút lượng tuyển sinh đầu vào bắt đầu từ năm 2012 và càng ngày càng tụt dốc nghiêm trọng. Là một trong những cơ sở có đầu vào tương đối cao, nhưng hằng năm, trường CĐ Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) cũng chỉ có khoảng 1.700 SV theo học, đáp ứng 85% khả năng đào tạo của trường.

Năm nay, trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã đóng cửa 4 ngành: Văn thư hành chính, Quản trị cơ sở dữ liệu, Điện tử công nghiệp, Điện tử dân dụng (hệ trung cấp). Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi cũng khai tử các ngành: Tài chính ngân hàng, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị kinh doanh và sắp tới đây là Kế toán.

Để hút thí sinh, các trường thi nhau tung đủ chiêu. Các năm trước, trường CĐ Nghề Đà Nẵng miễn giảm học phí cho đối tượng ưu tiên, năm nay trường tính đến việc hỗ trợ sinh hoạt phí. Theo thầy Nguyễn Bê, Hiệu trưởng nhà trường, năm trước, trường chi gần 350 triệu đồng cho công tác tuyển sinh, năm nay đã tăng gấp đôi.

Ở trường CĐ Nghề số 5, nhiều năm nay, nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp để thu hút hồ sơ dự tuyển. “Không chỉ vậy, các thầy cô còn vừa dạy, vừa “dỗ”, vừa “dụ” để giữ SV, nếu không thì các em bỏ học. Có những thời điểm, 15% SV của trường bỏ học vào cuối khóa”, Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, hiệu trưởng trường CĐ Nghề số 5, bộc bạch.

Chương trình quá cũ

Hiện, các trường nghề đào tạo theo chương trình của Bộ LĐ-TB&XH với 3.750 tiết, phân bổ đều từ 2,5 - 3 năm. Tính ra mỗi ngày học từ 7 - 8 tiết, tức là SV phải ở trường học cả ngày. Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng nói: “Số giờ lên lớp liên tục khiến SV không có thời gian tự học, tiêu hóa bài giảng. Chương trình dạy học lý thuyết khá cũ, không tạo được hứng thú cho SV, cũng không bắt kịp xu hướng đào tạo. Ngoài ra, SV không đủ thời gian cũng như không có điều kiện thực hành. Cơ sở vật chất để thực hành tại nhiều trường còn kém, gửi SV thực hành tới các doanh nghiệp thì chỉ nhận được cái lắc đầu”.

Theo thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi: “Không dạy theo quy định của Bộ thì bị tuýt còi, nhưng dạy thì SV lại chán nản vì có những modun kiến thức quá cũ. Chúng tôi vẫn trao đổi thẳng thắn với các đoàn kiểm tra của Bộ cần thay đổi thì mới thu hút được SV, và mới đảm bảo SV ra trường có việc làm”.

Hợp tác đào tạo quốc tế để “lấy thu bù chi”

Từ năm 2014, trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi bắt đầu tuyển sinh hệ đào tạo nghề hợp tác quốc tế với 4 chuyên ngành chính: Điều dưỡng, Du lịch (nghề đầu bếp và buồng phòng), Tự động hóa và Xây dựng. Sắp tới đây, trường xúc tiến hợp tác với Pháp và Tây Ban Nha trong đào tạo nghề. Đây là giải pháp giúp trường giải quyết khó khăn về tuyển sinh. Bởi đào tạo 200 SV theo hệ hợp tác quốc tế tương đương với hiệu quả kinh tế của đào tạo 1.500 SV theo chương trình hiện nay.

(Theo Thanh Trần - Giang Thanh/ Tiền Phong)