LTS: Trân trọng giới thiệu đến độc giả VietNamNet nội dung phần 2 Tọa đàm Học nghề Chương trình 9+ với sự tham gia của các khách mời:

-        Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

-        Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp

-        Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. 

>> Xem lại Phần 1 Tọa đàm

{keywords}
Từ trái qua phải: Ông Khuất Huy Bằng, nhà báo Phạm Huyền, ông Đỗ Văn Giang, bà Phạm Thị Lan Phương

Thủ tục rất "mở"

Nhà báo Phạm Huyền: Trong phần trước, những ưu thế cũng như tính ưu việt của chương trình 9+ đã phần nào được các vị khách mời làm rõ. Tiếp theo đây, mời hai vị hiệu trưởng chia sẻ thêm về điều kiện đầu vào, hồ sơ và cách thức đăng ký đối với chương trình đào tạo 9+ tại trường thầy cô. 

Bà Phạm Thị Lan Phương: Đối tượng đầu vào phải tốt nghiệp THCS, còn thủ tục đăng ký rất đơn giản theo hướng dẫn quy định của Bộ LĐ-TBXH cũng như Tổng cục giáo dục nghề nghiệp. Các em cũng có thể đăng ký online qua trang web của nhà trường.

Ông Khuất Huy Bằng: Căn cứ vào thông tư 07/2019 và thông tư 05/2017, đối với đối tượng học sinh muốn học trung cấp thì tiêu chí đầu tiên là phải học xong lớp 9 hoặc học xong cấp 3. Các em căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để lựa chọn đăng ký theo học ngành nghề nào mình đam mê, yêu thích. 

Mẫu hồ sơ đã được đưa lên website của trường, hướng dẫn rất cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể đăng ký. Qua website nhà trường cũng tư vấn trực tiếp cho các em để các em lựa chọn đúng ngành nghề mình thích cũng như xã hội đang cần. 

{keywords}
Ông Đỗ Văn Giang

Ông Đỗ Văn Giang: Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm hai điều. Một là chúng tôi ở cơ quan quản lý nhà nước rất hiểu sự băn khoăn của trường về đối tượng học sinh THCS khi đến giờ phút này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về khối lượng kiến thức văn hóa.

Như tôi đã đề cập, theo Luật Giáo dục mới, Bộ GD&ĐT phải ra được thông tư mới quy định để hướng dẫn, tạo cơ sở nền tảng cho việc phân luồng đảm bảo theo Chỉ thị số 10 cũng như Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh THCS và THPT. 

Đó là một nút thắt nhưng các phụ huynh có con đang hướng tới Chương trình 9+ cứ yên tâm, chắc chắn nó sẽ được xử lý để các em có thể học liên thông. 

Thứ hai về điều kiện thì như hai thầy cô cũng đã trả lời, đối tượng được quy định rất rõ theo các thông tư dưới Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Cùng với đó là công văn 668 hướng dẫn rất chi tiết, rất cụ thể về cách thức tổ chức tuyển sinh, rồi các sở ở các tỉnh phối hợp với các trường THPT, THCS thế nào để tổ chức các hội chợ việc làm tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, để cho toàn xã hội hiểu nhiều hơn về đối tượng này và quá trình hoàn toàn là "mở", không có thủ tục hành chính. Đặc biệt Tổng cục dạy nghề có phần mềm tuyển sinh hiện tại đang vận hành mà các trường có thể áp vào.

Có thể nói về mặt thủ tục là rất mở, có rất nhiều hình thức kể cả online, trang web của các trường, trang web của Tổng cục, hay hình thức đến trực tiếp các trường THPT, THCS, rồi các sở hay thông qua bưu điện. Nhu cầu học hành của các em đều được đáp ứng. Và tôi khuyên các em hãy lựa chọn theo đúng vùng miền, đúng ngành nghề mà mình thích để hướng tới có một tương lai rất vững chắc khi có nghề trong tay. 

Nhà báo Phạm Huyền: Các thầy cô có thể chia sẻ cụ thể hơn về khung chương trình của trường mình, cách thức đào tạo, thời gian đào tạo…? 

Bà Phạm Thị Lan Phương: Theo khung chương trình đào tạo hiện nay nếu như các em tốt nghiệp THCS muốn không học văn hóa mà chỉ cần đạt một số môn văn hóa nhất định theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các em sẽ học từ 1-1,5 năm lấy bằng trung cấp. Còn các em tốt nghiệp THCS mà muốn học có bằng tốt nghiệp THPT cũng như tốt nghiệp trung cấp nghề thì phải học thời gian 3 năm và sẽ có một bằng tốt nghiệp THPT, một bằng trung cấp nghề.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, em nào muốn tham gia thị trường lao động ngay thì có thể đi làm ngay và có thu nhập rất cao, thậm chí lên đến 8-10 triệu/ tháng. Đó là thực tế mà trường chúng tôi theo dõi đầu ra hàng năm ghi nhận được. Còn một số em có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng thì các em sẽ học luôn chương trình thêm 1 năm nữa là có bằng cao đẳng. 

Ông Khuất Huy Bằng: Khung chương trình đào tạo đối tượng 9+ này là theo quy định. Chương trình văn hóa thì tùy theo từng lĩnh vực sẽ có số lượng tiết cụ thể, nằm trong khoảng 1020 – 1260 tiết. Thí dụ các khối kĩ thuật thì các em chỉ học các môn học như toán, lý, hóa; khối y tế sẽ học những môn phù hợp khác. Nghĩa là những môn học văn hóa này là nhằm phục vụ cho học nghề và đảm bảo lượng kiến thức này các em mới có thể liên thông lên trình độ cao hơn được. 

Còn đối với chương trình nghề thì căn cứ vào kế hoạch đào tạo của nhà trường. Hiện nay Bộ LĐ-TBXH giao cho các trường tự chủ về vấn đề xây dựng chương trình đảm bảo các tiêu chí theo quy định, tiếp cận hiệu quả với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Cách đào tạo trong trường chúng tôi là hình thức “cầm tay chỉ việc” để các em có thể làm tốt được công việc sau khi ra trường. 

{keywords}
Bà Phạm Thị Lan Phương

Nhà báo Phạm Huyền: Nhân đây cũng xin hỏi dịch Covid-19 có ảnh hưởng gì đến khung chương trình cũng như thời gian đào tạo vừa qua của trường không, thưa thầy?

Ông Khuất Huy Bằng: 2-3 tháng vừa qua đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường đã rà soát chỉnh sửa chương trình kết hợp giữa học online và học truyền thống để đảm bảo được tiến độ ra trường đúng thời gian quy định. 

Nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn 

Nhà báo Phạm Huyền: Câu hỏi tiếp theo là tại trường các thầy cô có chính sách khuyến khích học tập nào với các em không, chẳng hạn các chương trình học bổng hoặc hỗ trợ về học phí? 

Ông Khuất Huy Bằng: Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội rất quan tâm đến các chế độ để khuyến khích học sinh. Từng tháng từng kỳ trường sẽ tổ chức các chương trình đánh giá kết quả học tập và có hình thức khen thưởng để làm sao khích lệ các em học tốt nhất cả về kiến thức cũng như ý thức đạo đức. Bởi vì đào tạo một người lao động là phải hoàn thiện cả về đạo đức lẫn kiến thức kỹ năng nghề, nếu chỉ có vế đầu thì người lao động cũng không thể hoàn thiện.

Chế độ học bổng nhà trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ LĐ-TBXH. Hàng năm trường trích hàng trăm triệu đồng để thực hiện khen thưởng học sinh. Bản thân đối tượng học sinh này đã được Nhà nước miễn học phí theo Nghị định 86 và các em học hết lớp 9 (hết cấp 2) học tiếp lên trung cấp trong vòng 1,5 – 2 năm học trung cấp đó các em được miễn hoàn toàn học phí. 

Có thể nói đây là một chính sách rất tốt của Nhà nước để phân luồng học sinh sau khi hết cấp 2 lựa chọn một ngã rẽ khác. Ngã rẽ này chưa thành “đường mòn” nhưng tôi nghĩ nó sẽ là một con đường tốt để đi, dần dần phụ huynh, học sinh sẽ hiểu được và thực hiện cho tốt. 

Chỉ có điều là thời điểm hiện tại lượng học sinh sinh viên ra trường chưa nhiều để có thể thể hiện kết quả quá trình đào tạo, vì vậy mà chưa có nhiều minh chứng rõ ràng về hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ 1-2 năm nữa khi nhìn vào lượng học sinh ra trường đông dần lên, với mức lương từ 8-10 triệu đồng, lại rút ngắn được thời gian học tập, kinh tế ổn định thì chắc chắn số lượng người theo học sẽ tăng lên rất nhiều. Và lúc đó chúng ta còn phải sử dụng biện pháp xét tuyển, thi tuyển để đưa vào các trường, chứ không phải cứ đăng ký là vào học được. 

{keywords}
Ông Khuất Huy Bằng

Nhà báo Phạm Huyền: Còn trường cô Phương thì sao, thưa cô? 

Bà Phạm Thị Lan Phương: Đối tượng của Chương trình 9+ nằm trong diện học sinh chính quy của nhà trường, do đó các em được hưởng mọi chế độ chính sách về học bổng cũng như những gói hỗ trợ từ doanh nghiệp nhằm khuyến khích các em học tập tốt, rèn luyện tốt cả về ý thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Như thầy Bằng đã chia sẻ, các em được hỗ trợ theo Nghị định 86, không phải mất học phí. Do đó các em được học nghề hiệu quả lại tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí. 

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng là với sự năng động của các cơ sở đào tạo và đặc biệt là với sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, tôi nghĩ tới đây sẽ có rất nhiều sáng kiến về thu hút học sinh, chẳng hạn các chương trình học bổng hấp dẫn. 

Một băn khoăn khác xin nhờ ông Giang giải đáp. Học sinh tốt nghiệp THCS tham gia Chương trình 9+ sẽ vừa phải học văn hóa vừa học nghề thì liệu có “nặng” không, và làm thế nào để đảm bảo được chất lượng đào tạo của cả hai? 

Ông Đỗ Văn Giang: Tôi không nghĩ đây là một rào cản lớn. Đứng ngoài nhìn vào thì có thể nghĩ là “nặng”, nhưng thực tế những mô hình mà tôi đã nhắc đến như  KOSEN của Nhật Bản hoặc “đào tạo kép” của Đức cũng là hình thức vừa học vừa làm ở doanh nghiệp và họ đã thành công. Cho nên vấn đề là các kế hoạch của các nhà trường như thế nào để bố trí cho phù hợp. Và tôi khẳng định các em sẽ học tập rất say mê. 

Bản thân tôi cũng có mấy chục năm làm giáo viên tại trường nghề trước khi giữ cương vị quản lý nhà nước, và tôi nhận thấy điều này không phải là rào cản. Phụ huynh đừng lo lắng, các em còn nhỏ, còn tràn đầy háo hức, muốn khám phá bản thân, trong khi các trường tổ chức rất nhiều hoạt động còn thầy cô lại rất tâm huyết, sẽ thu hút được các em vào và học với thời lượng vừa đủ theo quy định.

VietNamNet thực hiện

(Còn tiếp)

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề

Trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp.