Trong những ngày đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đầu tiên, số thí sinh đến làm thủ tục trực tiếp tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khá đông.  Sau 4 ngày, trường đã nhận được hơn 3.000 hồ sơ.

“Buồn vì không biết thích nghề gì”

Thí sinh Nguyễn Ngọc Lan đang cân nhắc nguyện vọng 2 vào trường. Nguyện vọng 1 của em là vào khoa Ngữ văn, em đang tính toán xem nguyện vọng 2 vào khoa Lịch sử hay Chính trị

“Em thật sự chưa biết nên đăng ký vào khoa nào nữa. Em thi khối C nên khi đăng ký xét tuyển vào sư phạm thì mọi người đều khuyên vào khoa Ngữ văn. Ở phổ thông em học tốt môn này nên em nghĩ có thể theo học được. Còn lại các khoa khác em thấy bình thường, nhưng vẫn muốn đăng ký đủ cả hai nguyện vọng để cho chắc chắn”.

Ngọc Lan tiết lộ em còn đăng ký xét tuyển vào Khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), và đây mới là khoa em thật sự thích học.

Thí sinh Phạm Quang Thắng đến từ Đồng Nai thì đăng ký xét tuyển vào Khoa Sư phạm Toán. Vốn là học sinh trường chuyên, Thắng cho biết việc trở thành giáo viên là một trong những định hướng của em. “Em thấy mình cũng hợp với nghề sư phạm, cả nhà em không ai theo nghề này nhưng bố mẹ cũng ủng hộ”.

Thắng cho biết vì có ý định theo nghề nên em cũng đọc về những thay đổi sắp tới trong giáo dục. “Em biết là học xong ra trường, nếu có việc làm ngay thì lứa cử nhân chúng em sẽ dạy theo chương trình – SGK mới. Em mong rằng nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, chuẩn bị cho chúng em đủ kiến thức và kỹ năng để ra trường có thể làm việc được ngay”.

Còn thí sinh Nguyễn Thùy Dương đến từ Quận Tân Phú nộp hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết dù nộp hồ sơ vào ngành sư phạm nhưng bản thân Dương lại không thích ngành sư phạm. 

Dương cho biết em lựa chọn nộp ngành thấp nhất vào trường sư phạm vì điểm của em cũng không cao. “Nhưng khả năng đỗ rất có thể xảy ra”.

Chia sẻ về ngành yêu thích của mình Dương cho biết “Em thấy cũng buồn vì bản thân chẳng biết thích gì. Em cũng học rất nhiều chỗ, quen nhiều bạn, thấy đa phần các bạn của em cũng vậy. Khi hỏi các bạn thích gì các bạn cũng không biết thích gì. Chỉ những bạn quyết tâm thật sự học rất nghiêm túc. Còn lại học ít nghiêm túc”.

{keywords}
Thí sinh nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Theo Dương, ngoài nộp hồ sơ vào sư phạm, em cũng nộp ở một trường khác. “Đỗ trường nào em học trường đó. Nếu đỗ cả hai, em sẽ cân nhắc”.

“Tôi rất sợ thí sinh không yêu nghề”

Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết đây là một trong những trường rất được thí sinh quan tâm.

“Lượng thí sinh đăng kí dự thi vào trường trước đây khá lớn. Hai năm nay thay đổi phương thức thi, thì số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển tương đối khả quan”.

Ông Hồng nhận định rằng vì điểm chuẩn vào trường sư phạm cao, nên khả năng thí sinh nộp hồ sơ vào trường vì có mức điểm phù hợp ít xảy ra.

“Tôi cho rằng đa phần các em đăng ký vào trường vì tình yêu nghề. Là hiệu trưởng, tôi rất sợ thí sinh vào sự phạm nhưng không yêu nghề. Ngành giáo dục không thể bền vững nếu người làm nghề không thật sự yêu nghề mà vì những lý do khác” – ông Hồng bày tỏ.

Trước câu hỏi nhà trường đã có giải pháp nào để lựa chọn những thí sinh không chỉ có điểm cao mà còn yêu nghề, gắn bó với nghề sư phạm, ông Hồng cho biết biện pháp thực tế chưa làm được nhưng tư duy về việc này thì đã có.

“Khi đi tư vấn, tôi thẳng thắn khuyên các em rằng nếu chọn nghề sư phạm, các em phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ, yêu học sinh. Nếu các em không yêu nghề mà vẫn theo học, các em hại chính bản thân thì ít vì lựa chọn sai ngành nghề, nhưng lớn hơn là các em hại cả một thế hệ”.

Ông Hồng cũng mong muốn những thí sinh chọn nghề sư phạm phải cân nhắc kĩ vì các em có có quyền quyết định tương lai, công việc của mình. “Công việc của một nhà giáo rất vất cả. Có thể thu nhập thấp, ít thời gian, vất vả, áp lực nên các em cần cân nhắc kỹ. Dù vậy, “nghề giáo” luôn là một nghề thực sự đáng quý theo đúng nghĩa”.

“Thế hệ chúng tôi khi chọn nghề ít có điều kiện tìm hiểu nhiều như bây giờ. Chúng tôi cũng ít nhiều phải chịu tác động của điều kiện ngoại cảnh. Nhưng dù vậy, chúng tôi rất yêu nghề. Ngày nay các em có nhiều điều kiện nhận biết về “quyền” của các em nhiều hơn, vì vậy, các en phải sáng suốt, lựa chọn”.

Về việc nhà trường có “cảnh báo” nào cho sinh viên về tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, ông Hồng cho rằng, vấn đề thất nghiệp không thực sự “khủng khiếp” như mọi người vẫn nghĩ.

“Vì những sinh viên học sư phạm học giỏi, yêu nghề thực sự ra trường vẫn có việc làm đúng nghĩa, có chỗ làm phù hợp và tử tế” – ông Hồng khẳng định.

Lê Huyền – Ngân Anh