- Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đó là tinh thần được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra từ buổi họp kéo dài 3 giờ giữa Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 24/6.

Đề xuất “tính đúng, tính đủ học phí, thuê hiệu trưởng

Là vùng đất học có tên tuổi, nhưng giáo dục Hà Tĩnh hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ông Đặng Quốc Khánh - vị tân chủ tịch trẻ nhất nước - trong năm 2015, tỉnh này thuộc tốp 5 tỉnh có số tiêu chí thi đua dẫn đầu nhiều nhất, 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia cao nhất, có học sinh đoạt giải quốc tế.. Tuy thế, chất lượng toàn diện chưa đồng đều; đội ngũ quản lý, nhà giáo còn bất cập; cơ sở vật chất xuống cấp...

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, Hà Tỉnh là nơi đầu tiên đưa việc dạy nghề vào cùng với bổ túc, cũng là nơi thể nghiệm mô hình “trường học mới” theo cách riêng của mình, nơi linh hoạt tổ chức tập huấn giáo viên theo thực tiễn của địa phương, và còn nhiều hình thức chủ động khác.

{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (giữa) tại buổi làm việc chiều 24/6

Tuy nhiên, đứng trước nhiều đòi hỏi của xã hội hiện nay, giáo dục đang bị “trói” bởi nhưng quy định hiện hành như định mức về giáo viên, quy định về học phí.

“Phải tính hết vào chi phí học tập mới gọi là học phí, chứ mức 10.000 – 20.000 đồng hiện chỉ là “phí tượng trưng”. Tại sao trong y tế có cac phòng khám tự nguyện, mà trường học lại không được treo biển “lớp học tự nguyện”?” - ông Dũng đặt vấn đề.

Với tinh thần “phá rào để thoát ra”, ông Dũng cũng nêu kiến nghị về các tính toán định mức giáo viên cho phù hợp; đề xuất cơ chế thi tuyển hoặc thuê hiệu trưởng để quản lý các trường công lập.

Đại diện Trường Cao đẳng nghề Việt Đức cho rằng việc mở trường đại học hiện nay quá nhiều, “bà con thấy đi học đại học bây giờ là dễ dễ quá, đề nghị Bộ trưởng cho dừng lại đi”. Thay vào đó, đặc biệt đẩy mạnh đến phân luồng hướng nghiệp.

Với phong thái nhanh, mạnh và dứt khoát, ông Đoàn Đình Anh Trưởng ban Văn hoá - Xã hội của tỉnh đề xuất gỡ cho được hai vấn đề về nhân lực và cơ chế tài chính cho giáo dục.

Sau khi phân tích bất cập giữa các quy định định biên giáo viên với chức năng bổ sung giáo viên, giữa các văn bản của Bộ Nội vụ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Anh đề xuất “để bên dưới được hanh thông, thì phía trên là các Bộ trực thuộc Chính phủ khi làm văn bản phải có sự thống nhất”.

Nhấn mạnh tới đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục, ông Anh kiến nghị cần có quan điểm mới hơn với quy định “ngoài học phí người học không nộp theo bất cứ khoản gì” . Theo đó, tính đúng tính đủ để ra khung học phí, từ đó tính tiếp phần nào của ngân sách, phần nào cần huy động từ các nguồn lực khác.

Phát biểu khá kỹ lưỡng với 6 đầu việc, Bí thư tỉnh uỷ Lê Đình Sơn vừa nêu những “bài toán đang cần lời giải” của giáo dục đào tạo Hà Tĩnh, vừa đề xuất những cách làm nhằm cải thiện chất lượng giáo dục của địa phương này.

Theo ông Sơn, mặc dù đã có quy hoạch nguồn nhân lực, nhưng cách tổ chức hàng năm, quy hoạch tổng thể không phù hợp. Như ở khu kinh tế Vũng Áng, nhân lực người Hà Tĩnh chiếm tới 62% lao động phổ thông, còn nhân lực chất lượng cao vẫn là người ngoài nước, ngoài tỉnh.

Ở trường ĐH Hà Tĩnh, cơ cấu đào tạo như hiện tại thì sinh viên rất khó tìm việc làm. Một vấn đề nữa, đội ngũ giáo viên chủ lực của trường vẫn là sư phạm, kế toán, nếu chuyển sang dạy cơ khí, luyện kim, cơ khí thì thay đổi thế nào.

Ông Sơn cũng nói, “anh em Hà Tĩnh” đang trăn trở tìm hướng quy hoạch giáo dục đào tạo từ mầm non đến đại học hiện nay để đổi mới căn bản toàn diện. Trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực sát nhập các trường tiểu học, THCS nhưng mới chỉ “sáp nhập các trường các xã thuận lợi lại với nha, còn chuyện nâng cao chất lượng thì chưa được bao nhiêu”. Một hướng mở mà Hà Tĩnh đề xuất là mở các trường phổ thông liên cấp.

“Tôi nêu ra đây những cái mới để mọi người thảo luận xem có được không?”, ông Sơn dẫn dụ về hai câu chuyện căn cơ nhất: cơ chế tài chính cho giáo dục và nhân sự.

Theo đó, Hà Tĩnh đang xem xét chuyện thi tuyển hay thuê hiệu trưởng để quản lý các trường cho hiệu quả. Về chuyện thừa 1.000 giáo viên trong khi chất lượng vẫn còn bất cập, ông Sơn cho rằng “thà chịu đau một chút để có đội ngũ phù hợp hiện nay”.

Sau khi nêu một ví dụ về một ngôi trường có cách quản lý kiểu doanh nghiệp, dù học phí cao nhưng học sinh vẫn đăng ký học nhiều, ông Sơn đề cập tới chuyện thoái vốn trong giáo dục, ông Sơn hỏi: “Ta bán trường cho một doanh nghiệp có được không?". Theo ông, việc tạo cơ chế cạnh tranh, hướng tới cách quản lý, vận hành như doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả lớn trong giáo dục.

{keywords}

“Chịu trả giá để có chất lượng giáo dục tốt”

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non quan niệm “lạm thu chẳng qua là thu hợp lý nhưng chưa có hành lang pháp lý. Đề giải quyết cơ chế tài chính trong giáo dục, cần giải được 3 mấu chốt: trường ngoài công lập, tự chủ và cơ chế đối tác công tư”.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, “những vấn đề mà anh Dũng đặt ra không khác gì những điều thìtôi đã nghe từ năm 2009. Cái mắc mớ ở đây là Hà Tĩnh chưa mạnh dạn xác định rõ định hướng”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc đổi mới mà dựa vào quy chế thì sẽ luẩn quẩn, chấp vá.

"Cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào các vấn đề, mạnh dạn đổi mới, khắc phục hạn chế, yếu kém để tiến tới sự phát triển vững chắc và thực chất hơn. Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - ông Nhạ nói.

“Không mở rộng đào tạo thạc sĩ quá nhiều”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến như vậy khi phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Hà Tĩnh sáng 24/6.

Cụ thể, Trường ĐH Hà Tĩnh cần rà soát, sắp xếp lại các ngành, chuyên ngành đào tạo, cương quyết cắt giảm các ngành dư thừa, không gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhà trường cần quan tâm tới các ngành mới như kinh tế biển, quản lý môi trường… để giải quyết các vấn đề "nóng" của tỉnh Đồng thời, liên kết với các trường đại học trong khu vực để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ đào tạo của nước bạn. Ông cũng khuyến cáo hông nên đào tạo thạc sĩ quá nhiều và không nhất thiết thu hút các trường đại học lớn của Việt Nam vào đây.

Về chuyện phân luồng, quan điểm của Bộ là đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở để học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Việc quản lý giáo dục nghề nghiệp cần thống nhất trong cả nước, thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo hiệu quả cao hơn.

“Các vấn đề mà Hà Tĩnh đặt ra, ở các ngành khác làm lâu rồi, nhưng ở giáo dục không ai dám làm. Bởi vậy, ai mạnh dạn đổ mới, tôi hoan nghênh và “chia lửa” với các đồng chí” - ông Nhạ nói.

Về đề nghị “tính đúng, tính đủ” học phí, ông Nhạ quan niệm “ta không nói là phí tính tất cả vào giá như Bộ Y tế. Trong Nghị định 49 đã có quy định “giá học phí phù hợp với chất lượng”, tức là đã có chủ trương, Hà Tĩnh tìm cách thể hiện trong ngành giáo dục như thế nào mà thôi”.

Trước hiện tượng thừa số lượng giáo viên nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng, Bộ trưởng Nhạ xác định , trong một số trường công lập sẽ không cấp biên chế nữa mà thực hiện theo cơ chế hợp đồng. Số đang biên chế tới đây sẽ áp dựng chuẩn giáo viên để phân loại, có lộ trình không đáp ứng được thì tình gọn. Cần tuyển mới những người tốt chất lượng, tạo ra cạnh tranh, tránh tình trạng "đã vào là vào mãi”.

Bắt nhanh vào thực tiễn để giải quyết, không ngại va chạm, làm sao để “cái giá phải trả đỡ đắt” để có chất lượng giáo dục tốt... là những điều Bộ trưởng Nhạ đã “chia lửa” với Hà Tĩnh chiều 24/6.

Hạ Anh