{keywords}
 

Thầy Phan Trắc Thúc Định, giáo viên dạy Văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội): “Đề thi khá hay, phổ điểm sẽ không thấp”

Đề thi có tính phân hóa cao, gần gũi mà không mòn cũ. Đề bám sát cấu trúc chung của Bộ đã định hướng, vừa kiểm tra được được kiến thức kĩ năng mà vẫn giữ được đặc trưng bộ môn.

Câu đọc hiểu là một đoạn văn bản thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Đây là một ngữ liệu mới với học sinh nhưng các dạng câu hỏi như thể loại; ý nghĩa hình ảnh thơ; hiệu quả biện pháp tu từ; suy nghĩ của học sinh về 1 vấn đề “hành trình theo đuổi khát vọng”... Các dạng câu hỏi này học sinh đều được làm quen và ôn luyện kĩ.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” khá thực tiễn với cuộc sống. Câu hỏi đề thi như vậy sẽ tạo được hứng thú cho học sinh cảm nhận và đưa ra quan điểm của bản thân từ góc nhìn chân thực, mang tính cụ thể, không giáo điều, máy móc.

Câu nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống “ý chí” con người; nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, trách nhiệm suy nghĩ của giới trẻ.

Câu nghị luận văn học hướng đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đề cung cấp đoạn văn bản rõ ràng với các ý hỏi khá mạch lạc cụ thể và là câu hỏi có tính phân hóa rất rõ. Đoạn văn được lựa chọn được lựa chọn khá hay; câu hỏi cũng rất thú vị hấp dẫn.

Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng Đọc hiểu; viết đoạn Nghị luận xã hội; kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú".

Thầy Nguyễn Hữu Dương, Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM): "Dễ làm nhưng không dễ giành điểm cao"

Về cấu trúc, đề thi giống như các năm trước nên không gây bất ngờ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài.

Về nội dung, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội phù hợp trình độ chung của học sinh.

Phần Đọc hiểu các câu hỏi gần gũi quen thuộc với học trò nhưng không phải dễ, đặc biệt từ câu 2 trở đi. Câu số 4 vận dụng ở mức độ thấp để biết nhưng trả lời cũng không dễ dàng. Tựu trung lại phần đọc hiểu gần gũi quen thuộc không quá khó để học sinh không làm được nhưng không dễ dàng để giành điểm tuyệt đối. Đây là một sự phân hóa khá cao.

Phần làm văn câu hỏi về nghị luận xã hội không xa lạ. Cuộc sống sẽ không thiếu những ví dụ để các em nói về sức mạnh ý chí nhưng để học sinh làm được yêu cầu tốt không dễ vì nếu không có kiến thức thì không biết gì, còn có kiến thức thì dễ rơi vào tình trạng viết dài, sa đà vào viết dễ thành bài văn hơn đoạn văn. Học trò không bó tay với câu hỏi này nhưng để đạt kết quả tốt thì phải cố gắng và đây là tính phân hóa.

Câu nghị luận văn học có thể hơi bất ngờ nhưng không khó vì nằm trong phạm vi bài học. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao không dễ vì trong chương trình học sinh học một phần trích dài còn đề chỉ ra một đoạn trích đầu tác phẩm. Học sinh dễ rơi vào tình thế nói lan man hoặc cũng có thể không biết gì để nói. Mặt khác đề văn có hai yêu cầu cảm nhận học sinh về hình ảnh sông Hương và cách nhìn có tính chất phát hiện nên học trò dễ rơi vào việc làm thiếu ý.

 

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội): “Học sinh không thể học máy móc”

Về kiến thức tổng thể, đề đảm bảo được tính sáng tạo và khoa học. Trong một đề học sinh được “gặp” đủ các thể loại. Ở phần đọc hiểu, độ mở của đề đều có ở các câu hỏi với các mức độ khác nhau.

Câu 4 của phần này cũng là một câu rất mở, vì cái khó của câu 4 là nói chuyện lớn lao trong một dung lượng nhỏ. Học sinh có thể viết cả trang về khát vọng mà không đạt yêu cầu nếu không có được những ý thuyết phục. Trong khi đó chỉ cần viết khoảng 7-8 dòng lại có thể đạt điểm tối đa 1,0 điểm cho câu này. Bời vì nói về khát vọng từ những ai không thật hiểur khát vọng là gì, và không có khát vọng thực thì sẽ rất nhạt. Câu này dễ sa đà vào sáo rỗng.

Câu 1 phần nghị luận xã hội học sinh còn cần có những liên hệ thực tế để thấy được sức mạnh và ý chí của con người trong cuộc sống.

Học sinh khi học mà có thói quen suy luận bài học cuộc sống từ nội dung văn học sẽ dễ dàng làm thành công yêu cầu liên hệ của đề. Học sinh có thể liên hệ ứng chiếu với hành trình rèn luyện của một con người trong đời sống, cần phải có sức mạnh và ý chí vượt qua gian truân thử thách, để trưởng thành, hoàn thiện và thành công.

Trong phần nghị luận văn học, ngữ liệu khai thác không ở thế yêu cầu so sánh hai ngữ liệu như đề minh họa nên có phần đỡ khó hơn. Thí sinh là học sinh học ở mức độ trung bình sẽ không bị thử thách nhiều về khả năng ghi nhớ, vì đã được đề cung cấp sẵn và đủ để có thể dựa vào đó viết được những dòng cảm nhận của mình. Tuy nhiên đó là yêu cầu ở mức đơn giản.

Về mặt nội dung, học có thể lần lượt phân tích các chi tiết trong đoạn trích. Đề không khó nhưng cũng không thể nói là dễ. Đề đạt được tính phân hóa rõ ràng. Vì học sinh chỉ học máy móc mà không có kỹ năng suy luận và liên hệ về nghệ thuật cũng như liên hệ với cuộc sống thì cũng khó có thể đạt điểm khá, giỏi.

Về mặt nghệ thuật, học sinh cần chỉ ra được những nét đặc sắc nghệ thuật của thể loại bút ký, phong cách tài hoa với những liên tưởng, tưởng tượng độc đáo của nhà văn. Đặc biệt là nghệ thuật nhân hóa nhuần nhuyễn và thống nhất để có thể thấy được hành trình dòng sông được ẩn dụ cho hành trình cuộc đời.

So sánh với đề thi năm trước, có thể thấy rõ đề vừa sức với học sinh hơn, khoa học và khơi gợi sáng tạo rất rõ. Tuy nhiên, với nhiều học sinh không say mê học môn Ngữ văn thì sẽ luôn thấy ngại thể loại bút ký, vốn hiếm gặp trong chương trình Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông. 

Với học sinh Hà Nội, việc đạt yêu cầu là chắc chắn. Với những học sinh học ban D, là những em cả 3 năm theo học chú trọng các môn khoa học xã hội và có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học khối có sử dụng điểm môn Ngữ văn, thì phổ điểm khoảng từ 6.0 – 7.0.

Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn: “Diễn đạt của đề thi cần chính xác hơn trong câu lệnh”

Những ngữ liệu cho phần Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.

Ở phần Đọc hiểu, có thể thấy yêu cầu kiểm tra về kiến thức Tiếng Việt vẫn được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu.

Câu 1 phần Làm văn có một vấn đề cần quan tâm là sự diễn đạt cần chính xác hơn trong câu lệnh. Sẽ hoàn toàn chính xác với yêu cầu của một đoạn văn nếu câu lệnh được thay đổi theo cách: “…viết một đoạn văn về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống”. Với yêu cầu đó, vấn đề nghị luận sẽ không phải là “sức mạnh ý chí của con người” mà là “ý chí của con người”; và giới hạn vấn đề nghị luận trong đoạn văn sẽ là “sức mạnh” của ý chí con người – khía cạnh nghị luận này tương đương với ý nghĩa, vai trò…mà học sinh đã rất quen thuộc trong quá trình ôn luyện viết đoạn văn.

Câu Nghị luận văn học có ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ phong phú của học trò.

Yêu cầu nghị luận được thể hiện trong 2 ý của câu lệnh: Ý thứ nhất là cảm nhận về hình tượng sông Hương là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài bút kí. Ý thứ hai, “nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được góc nhìn mang tính chất mới mẻ, độc đáo của nhà văn về dòng sông Hương của xứ Huế. Và do đó, nếu diễn đạt trong câu lệnh là “góc nhìn mới về sông Hương” có lẽ sẽ chính xác hơn là cách nhìn mang tính “phát hiện”.

 

Nhóm phóng viên ghi

"Đề văn chưa phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh"

"Đề văn chưa phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh"

Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay được ra với cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình lớp 12. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cũ kĩ, cách hỏi chưa có sự sáng tạo.