Đây là một trong những vấn đề được đề cập tới tại hội nghị huấn nghiệp vụ tổ chức kỳ THPT quốc gia và công tác tuyển sinh sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 diễn ra tuần qua ở TP.HCM.

Tinh thần "5 rõ"

Để "lấp" những lỗ hổng và ngăn chặn gian lận thi cử diễn ra như năm 2018, Bộ GD-ĐT đã có nhiều điểu chỉnh về mặt kỹ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Sau khi tiếp thu đầy đủ và rút kinh nghiệm sâu sắc về kết quả tổ chức kỳ thi năm 2018, Bộ đã thảo luận, xây dựng quy chế, hàng rào kỹ thuật, cố gắng làm thế nào để giảm tối đa những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong k‎ỳ thi. Văn bản ban hành quy chế thi THPT quốc gia sẽ theo tinh thần 5 rõ bao gồm: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ sản phẩm".

{keywords}
 

Ông Phùng Quán, chuyên viên tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu Bộ GD- ĐT làm tốt các giải pháp đã đề ra, siết chặt tất cả các khâu tổ chức thì phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, từ khâu làm đề, coi thi đến bảo quản bài thi và chấm điểm. Như vậy, kết quả sẽ khách quan, giảm tới mức tối đa tình trạng gian lận thi cử và tạo được niềm tin cho xã hội.

"Mọi giải pháp kỹ thuật hay công nghệ cuối cùng đều do con người làm ra. Những con người cơ hội, tiêu cực sẽ luôn tìm những kẽ hở của quy trình để tìm cách thực hiện tiêu cực không ít thì nhiều. Do đó, kỳ thi có trong sạch hay không thì yếu tố con người quan trọng nhất" - ông Quán nhấn mạnh.

Theo ông Quán, với sự thay đổi kỹ thuật như đã công bố, việc lựa chọn người tham gia các khâu tổ chức của kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ đóng vai trò then chốt giải quyết vấn đề có còn gian lận hay không.

Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng gian lận đang bị phanh phui và từng bước làm rõ hơn sẽ giúp cho cơ quan quản lý rút ra bài học xương máu trong quản lý tổ chức thi cử ở Việt Nam. Đặc biệt, việc xử lý nghiêm, công khai, minh bạch sẽ có tác dụng răn đe rất lớn đối với bất kể ai đang rắp tâm gian lận, mua bán điểm. 

"Tuy nhiên, dù quy chế có chặt đến đâu đi nữa, yếu tố con người tham gia trong quá trình tổ chức giám sát kỳ thi vẫn mang yếu tố rủi ro nhất định. Khi Nhà nước có chính sách, những kẻ gian lận sẽ có đối sách, vì thế vẫn phải thận trọng giám sát từng khâu công việc và nên có nhiều bên giám sát. Giao việc chấm cho các trường ĐH là một thay đổi tốt, song cũng không loại trừ hết tiêu cực ở chính ngay trường ĐH nào đó và hành vi gian lận có thể hoàn hảo tinh vi hơn" - ông Vinh băn khoăn.

Về vấn đề này ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định năm 2018 là "gian lận công nghệ". Khi nguyên nhân là công nghệ, lại do con người tạo ra, thì dù có tinh vi đến đâu cũng sẽ bị phát hiện.

"Còn năm 2019, với những giải pháp công nghệ mà Bộ GD-ĐT đưa ra, khi sửa lỗi bài thi sẽ không biết được số báo danh và tên thí sinh, khi sửa sai số báo danh, mã đề thi thì không thấy được phần bài làm. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế việc can thiệp của người chấm. Bên cạnh đó, mỗi khâu sau khi hoàn thành không thể quay lại được (nếu không có sự đồng ý của Bộ GD-ĐT) nên sẽ khách quan va đáng tin cậy hơn".

Hổng đâu trám đấy, gian lận sẽ tinh vi hơn

Bên cạnh các ý kiến lạc quan, thì sau hội nghị, Trưởng Phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng một Sở GD-ĐT phía Nam lại nhận định, hiện nay quan điểm Bộ GD-ĐT là "hở đâu trám đấy" nên sẽ không ngăn chặn được mà gian lận sẽ còn tinh vi hơn. Mặt khác, chính thái độ của Bộ và các Sở hiện nay chưa thật sự giải quyết tận gốc gian lận.

"Tại hội nghị vừa qua, đáng ra Bộ phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phải đề cập đến tiêu cực ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang để các tỉnh rút kinh nghiệm thì lại chỉ bàn về Quy chế" - ông nói.

Vị này cho rằng, trong khi điều cốt lõi nhất là đạo đức con người thì Bộ chỉ nói về giải pháp kỹ thuật.

"Tôi nói như vậy vì hiện nay giải quyết việc ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chưa tới nơi tới chốn. Như việc công khai danh tính chấm điểm thẩm định là trả lại đúng năng lực thực tế, chứ không thể nói là sợ tổn thương. Không làm như vậy, tiêu cực sẽ không thể triệt tiêu. Mặt khác, qua hội nghị, nói thật là chúng tôi không có ý chí để làm nghiêm túc kỳ thi 2019. Các đơn vị chỉ phát biểu những vấn đề vặt vãnh như chế độ, mối quan hệ giữa Sở và đại học mà không đi vào cốt lõi làm sao để kỳ thi gọn nhẹ, minh bạch" - ông nói.

Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nhìn nhận với những cải tiến về khâu kỹ thuật, kỳ thi 2019 chắc chắn sẽ giảm thiểu tiêu cực. Còn để nói "hết hẳn" là chủ quan, bởi trước quan điểm của một số người về bằng cấp, việc làm thì khả năng tiêu cực vẫn có thể xảy ra.

Nhưng ông Sơn cho rằng lời cảnh tỉnh từ việc xử lí kỷ luật năm nay sẽ là cảnh báo trong khâu chọn lựa nhân sự tham gia kỳ thi. "Chắc chắn tiêu cực "kinh hoàng" như năm 2018 là sẽ không có, nhưng khó giải quyết hết khả năng gian lận trong các kỳ thi" - ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, qua những vụ việc như sử dụng camera, tai nghe ở Trung Quốc, rồi ngay cả trong công tác tuyển sinh ở Mỹ vẫn có gian lận, cộng với các thiết bị tinh xảo đang được nhập về ngày càng nhiều, thì gian lận chắc chắn sẽ ngày càng tinh vi hơn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM: "Tôi khẳng định tiêu cực gian lận thi cử sẽ còn diễn ra ở năm 2019 nếu khâu thanh tra giám sát vẫn buông lỏng, và cách xử lý sai phạm tiêu cực năm 2018 không đến nơi đến chốn.

Cần nhớ rằng trước khi phát hiện các tiêu cực động trời ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình (và còn có thể có một số nơi chưa phát hiện), lãnh đạo tại địa phương đều đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra nghiêm túc, trung thực. Thậm chí, khi vụ việc bắt đầu vỡ lở, lãnh đạo ngành địa phương còn cho rằng kết quả thi tốt đẹp là do nỗ lực của học sinh.

Trước đó, khi có thông tin nghi vấn về gian lận điểm thi, dù có đến 3 lần thanh tra, kiểm tra, chấm thẩm định nhưng vẫn không phát hiện bất thường trong kết quả thi ở Hoà Bình, thật là khôi hài. Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau kỳ thi chưa được thực hiện nghiêm túc.

Khi thí sinh gian lận, mang theo tài liệu quay cóp trong phòng thi thì đã bị đình chỉ, và đó chỉ là vi phạm riêng lẻ. Nhưng các vụ gian lận sửa điểm thi ở Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La đều là tội phạm có tổ chức, lẽ ra phải bị trừng trị nghiêm minh, nhưng đến nay dư luận chưa thấy được điều này".

Lê Huyền

Bộ Giáo dục: Công khai thí sinh được điểm khống có thể  tác động cực đoan

Bộ Giáo dục: Công khai thí sinh được điểm khống có thể tác động cực đoan

Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết việc công bố danh sách thí sinh được nâng điểm trong gian lận thi THPT quốc gia sẽ được cơ quan điều tra cân nhắc.