-Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại buổi họp báo diễn ra lúc 17h chiều nay (4/7) sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Giảm "ảo", cải thiện phổ điểm

Thứ trưởng Ga cho biết, khác với năm trước, các cụm thi năm nay được tổ chức ở tất 63 tỉnh, thành. Kỳ thi được chuẩn bị kỹ lưỡng từ các các khâu phần mềm đến tập huấn cán bộ nên thuận lợi, ít sai sót.

"So với các năm từ 2014 trở về trước, có gần 2 triệu thí hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ ở 3 đợt thi và khoảng 20% thí sinh tốt nghiệp THPT không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo" - ông Ga nhìn nhận.

Ở kỳ thi này, tỉ lệ học sinh dự thi rất cao, đạt gần 99%. Môn Toán: 99,11%, môn Ngoại ngữ: 96%, Ngữ văn: 99,03 %, Vật lý: 98,7%, Địa lý: 98,65%, Hóa học: 98,47%, Lịch sử: 96,38%. Số học sinh bỏ thi chủ yếu là thí sinh tự do.

Bộ GD-ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thiết lập ma trận đề thi để thực hiện mục đích “hai trong một”. Đề thi được phân loại dễ, trung bình, khó, và rất khó với mục đích kiểm tra được tất cả các kỹ năng của học sinh từ nhận biết, hiểu đến khả năng vận dụng và vận dụng cao.

 "Điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh được thuận lợi nhất là các trường tốp trên" - Thứ trưởng Ga dự đoán.

20/7 phải chấm thi xong

Về việc chấm thi, Thứ trưởng Ga khẳng định sẽ không có hội đồng nào được để qua ngày 20/7. Các cụm có số lượng thí sinh đông thì phải bố trí đội ngũ chấm thi để đảm bảo kế hoạch.

"Bộ đã chỉ đạo các hội đồng tập huấn kỹ các cán bộ chấm thi do việc chấm thi năm nay có nhiều điểm đổi mới so với năm trước. Năm ngoái làm tròn 0,25. Còn năm nay chỉ làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Ngoài ra, việc chấm thi phải đảm bảo chấm 2 vòng độc lập".

120 cụm thi công bố kết quả

Sau khi các trường và địa phương chấm xong thì gửi kết quả lên Bộ để nhập vào hệ thống quản lý THPT quốc gia. Bộ sẽ đối sánh giữa kết quả thi lưu tại hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia và gửi lại để các cụm thi công bố.

{keywords}
Thí sinh trước giờ thi môn Ngữ văn ngày 2/7. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

"Như vậy, với việc 120 hội đồng thi công bố kết quả sẽ phân tải, giúp thí sinh tra cứu kết quả thi dễ dàng hơn, khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạng. Bộ cũng đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông ưu tiên đường truyền trong thời gian đầu công bố điểm thi để tránh tình trạng nghẽn mạng như năm ngoái" - Thứ trưởng Ga khẳng định.

Đã xây dựng xong phần mềm xét tuyển đại học

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT cho biết, căn cứ trên tình hình thực tiễn, năm nay, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chuẩn bị cho việc xét tuyển diễn ra thuận lợi.

Hiện tại, phần mềm xét tuyển đại học đã được xây dựng xong và sẵn sàng vận hành.

(xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Đưa phương án đổi mới kỳ thi vào đầu năm học tới

Trả lời VietNamNet về việc tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, nhưng năm trở lại đây, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ trưởng Giáo dục: "Tiếp tục đổi mới để kỳ thi nhẹ nhàng hơn"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy khi đi kiểm tra công tác thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT An Phước (tỉnh Ninh Thuận) chiều 3/7.

Từ 4 đợt thi trước đây, giờ chỉ còn 1 kỳ thi và dùng kết quả để vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH. Từ 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì năm 2015, năm nay đã nhân rộng tới mọi tỉnh, thành phố trong cả nước.

"Kết quả năm nay là phép thử đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy chúng ta có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương" - Thứ trưởng Ga khẳng định.

Thứ trưởng Ga cũng cho biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. "Các thông tin xã hội và báo chí phản ánh đều được Bộ ghi nhận và đưa ra phương án sớm nhất".

 "Đầu năm học tới, Bộ sẽ đưa ra phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới để kỳ thi diễn ra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng nhất, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh" - Thứ trưởng Ga khẳng định.

Trước đó, tại buổi giao ban thi đua của 5 thành phố trực thuộc trung ương diễn ra tại Hải Phòng ngày 25/6, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đại diện nêu đề xuất với Bộ GD-ĐT nên xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp; quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị bằng tốt nghiệp.

Ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn là chính xác

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết về vấn đề tranh cãi trong đề thi Ngữ văn: Ngữ liệu đề thi năm nay đáp ứng được yêu cầu đề thi và đảm bảo độ chính xác. Phần Đọc hiểu chỉ đưa ra ngữ liệu để đưa ra các câu hỏi kiểm tra kiến thức của học sinh.

Cuốn sách Bộ dùng làm dữ liệu là cuốn sách Thơ Việt Nam 1945-1985 là tai liệu gốc và có thể dễ dàng tìm thấy ở các thư viện. Vì vậy, đảm bảo độ tin cậy.

Còn việc tranh cãi trong văn chương là rất thú vị và bình thường. Nhiều tranh cãi cho tới nay vẫn chưa có hồi kết.

  • Lê Văn - Thanh Hùng