Học sinh cả nước đang gấp rút đăng ký xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT quốc gia, đang thực hiện điều chỉnh nguyện vọng để chọn trường phù hợp. Cũng thời điểm này hàng nghìn thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ đang làm thủ tục nhập học. Với những người làm công tác tuyển sinh ở trường đại học, luôn có những câu chuyện thú vị.

Phụ trách tuyển sinh một trường ĐH ở TP.HCM kể, mỗi mùa tuyển sinh ông chứng kiến nhiều trường hợp, câu chuyện đặc biệt. Những trường hợp đặc biệt này luôn đọng lại trong tâm trí ông như những kỷ niệm đẹp, nhắc nhở ông phải làm việc tốt hơn.

{keywords}
Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi. Ảnh: Phạm Hải
 

Ông kể, cách đây 4 năm, khi bắt đầu được giao nhiệm vụ phụ trách tuyển sinh cho trường cũng là lúc nở rộ phương thức xét tuyển đại học từ kết quả điểm học bạ. Với học sinh thành phố, được tiếp cận thông tin tốt nên nắm rất vững việc chuẩn bị hồ sơ xét tuyển như thế nào. Học sinh ở vùng sâu, vùng xa nắm thông tin không vững nên nhiều thí sinh rất mông lung.

"Năm đó trường chúng tôi bắt đầu tuyển sinh bằng học bạ nên thông báo rộng rãi. Ngày nhận hồ sơ có một chị phụ huynh ở Đức Trọng, Lâm Đồng đưa con xuống nộp hồ sơ. Hai mẹ con chị tới trường sớm lắm, cứ rón rén như đi xin cái gì đó.

Mấy hôm nhận hồ sơ, tôi thường lên trường trước 6 giờ sáng để chuẩn bị. Tới nơi tôi đã thấy mẹ con chị ngồi ở ghế đá mang theo mấy con vịt và mít. Thấy hai mẹ con vất vưởng tôi lại hỏi thì chị hơi ái ngại" - ông kể.

Theo ông, chắc hai mẹ con phụ huynh trước khi đi đã nghe cảnh bảo xuống thành phố dễ bị lừa nên rất dè chừng. Khi bảo vệ nhà trường đến hướng dẫn và chỉ tất cả hồ sơ nộp vào trường đều do ông duyệt thì hai chị phụ huynh vẫn bán tin bán nghi

"Sau đó tôi đã tư vấn cặn kẽ cho hai mẹ con các hình thức xét tuyển, lúc này có vẻ họ đã bớt nghi ngờ tôi hơn. Cũng có thể lúc đó tôi mặc áo thun và đi dép lê, không ra dáng cán bộ viên chức nên họ nghi ngờ. Thông thường mấy ngày này do tính chất công việc hay di chuyển nên tôi hay chọn trang phục thoải mái để thuận tiện"- ông nói.

Vị phụ trách tuyển sinh kể tiếp, đến giờ nhận hồ sơ, hai mẹ vị phụ huynh vào hỏi thăm kỹ đội ngũ tư vấn để làm hồ sơ xét tuyển cho con. Lúc đó, thấy ông cũng vào phòng và nhắc nhở các nhân viên nên họ đã tin tưởng hơn. Thấy ông chị phụ huynh gọi và hỏi to.

"Do bận việc nên tôi yêu cầu các nhân viên trong phòng hướng dẫn mẹ con họ. Nhưng điều lạ lùng là khi tôi làm việc đến hơn 12h trưa và ra đi ăn cơm thấy mẹ con chị vẫn ngồi ở ghế đá. Tôi tưởng hai mẹ con chị chưa xong hồ sơ nên hỏi xem cần hỗ trợ gì thì chị bảo đợi tôi để gửi biếu 2 con vịt xiêm và trái mít.

Chị bảo không biết cách xét tuyển như thế nào nên hai mẹ con mang tất cả giấy tờ liên quan tới trường, không ngờ gặp được thầy cô nhiệt tình và giúp đỡ nên phải chờ gửi quà cho bằng được. Tôi nói mãi chị vẫn không chịu đem về và cứ nói quý hóa lắm mới gặp được gặp thầy cô nhiệt tình nên gửi quà cám ơn và mong con chị ấy được học ở trường. Thế là tôi đành nhận và tối đó mấy anh em lại say túy lúy"- ông kể vui.

Vị phụ trách tuyển sinh tâm sự, khi nghe chị phụ huynh trò chuyện ông thấy rất thương. May mắn, con chị có điểm học khá cao nên trúng tuyển vào ngành cơ khí của trường. Sau này em học sinh nhập học, xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường đã thực hiện miễn phí ký túc xá. Phòng tuyển sinh cũng kiếm việc làm thêm cho em, đồng thời cho em học thêm môn tiếng Anh giảm giá.

"Về phần người mẹ, cứ đầu năm con tới trường là chị gửi con quà tới, khi thì buồng chuối, khi thì mít, khi thì bơ. Năm nay con chị đã ra trường và xin được việc. Chúng tôi cũng rất thoải mái"- ông nói.

Một trường hợp khác cũng được vị phụ trách tuyển sinh kể lại, năm ngoái một phụ huynh ở Bình Phước, có con nộp hồ sơ vào trường không rõ quy định đã xuống canh me điểm chuẩn trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng.

"Vị phụ huynh này chọn cho con học ngành Công nghệ hóa học. Khi ông đến, các nhân viên tư vấn của trường đã tư vấn cho ông cứ đăng ký bình thường vì phần mềm xét chứ trường không làm. Dù đã khuyên nhưng ông vẫn không chịu và cứ ngồi đợi điểm huẩn để tham khảo và chọn nguyện vọng.

Ông ấy bảo đọc trên báo và thấy năm 2015, mọi người thay đổi nguyện vọng như chơi chứng khoán. Vì vậy ông phải tới trường xem điểm chuẩn như thế nào và báo cho con thay đổi. Ông thuê nhà nghỉ ở gần trường và ngày nào cũng vào ngồi chờ. Chúng tôi khuyên như thế nào cũng không làm ông thay đổi. Tới ngày cuối đổi nguyện vọng, ông ngồi lấy giấy viết ra và ghi nhận thông tin (thực ra chả có thông tin gì). Chủ yếu là ông xem có đông người đến nộp hồ sơ học bạ không, rồi người đến hỏi về cách đăng ký đổi nguyện vọng để từ đó dự đoán điểm cho con mình"- vị này kể tiếp

Theo vị phụ trách tuyển sinh, dù những người có trách nhiệm đã phân tích rất kỹ nhưng vị phụ huynh kia vẫn không chịu về. Ông không tin là nguyện vọng có thứ tự khác nhau nhưng vẫn công bằng trong xét tuyển. Ổng phân tích rằng trong xét nguyện vọng nếu không phân biệt thứ tự như thế thì làm sao làm được. Không thể nào chọn ra được thí sinh trúng tuyển nếu không lấy trước NV1 sau đó mới tới NV2 và NV3.

"Chúng tôi phân tích mãi về cách làm của thuật toán "sàng lọc" thí sinh và nhấn mạnh ý đó là thuật toán để máy tính xử lý nên không khó khăn lắm với mô hình đệ quy như thế, nhưng ông vẫn không chịu. Ông còn khẳng định rằng nhà có con và cháu thi lớp 10 và ổng chọn đều đúng cả. Nhưng sau đó không chờ được ngày trường công bố điểm chuẩn nên ông cũng ra về"

Vị phụ trách tuyển sinh cho hay, đó là những câu chuyện vừa ý nghĩa nhưng cũng dở khóc dở cười mùa tuyển sinh. Ông chỉ mong những ngày này thí sinh và phụ huynh đọc kỹ thông tin, tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Lê Huyền

Cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

- Từ 22/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Thời gian điều chỉnh từ nay tới 31/7.