LTS: Mời độc giả theo dõi Phần 3 Tọa đàm “Cơ hội du học tại chỗ từ giáo dục nghề nghiệp” do Báo VietNamNet phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TBXH tổ chức với sự tham gia của các khách mời:

-         Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

-         PGS.TS. Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tư vấn về Giáo dục nghề nghiệp

-         Ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2

>> Xem lại Phần 1 Tọa đàm

>> Xem lại Phần 2 Tọa đàm

{keywords}
 

“Mưa dầm thấm đất”

Nhà báo Phạm Huyền: Trong các phần trước, chúng ta đã thảo luận là với đào tạo chất lượng cao thì sự tham gia sâu của doanh nghiệp là một mấu chốt của thành công. Nhưng liệu các doanh nghiệp có nhiệt tình để đồng hành cùng các trường không, thưa các ông?

Ông Đỗ Văn Giang: Quan điểm chỉ đạo của Bộ LĐ-TBXH và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực tế các trường đều coi đó là một điểm mấu chốt. Tuy nhiên để đảm bảo 100% các trường đã tự chủ để tìm đến doanh nghiệp, để đưa ra những yêu cầu của mình rồi thỏa thuận với nhau, thì tôi vẫn nghĩ đó là một vấn đề cần phải thay đổi dần dần chứ không thể ngay một lúc được.

Mặc dù chúng tôi đã liên tục cố gắng, năm nào cũng có kế hoạch với các doanh nghiệp, năm nào cũng tổ chức hội thảo, năm nào cũng tuyên truyền. Thế nhưng về tính sẵn sàng của doanh nghiệp, theo quan điểm của chúng tôi, kể cả cá nhân tôi là các trường phải tự tìm tới doanh nghiệp và có thỏa thuận với doanh nghiệp về tất cả mọi vấn đề.

Ông Nguyễn Khánh Cường: Tôi xin bổ sung ý này một chút. Để phối hợp đào tạo với doanh nghiệp thì đội ngũ cán bộ tại doanh nghiệp phải được đào tạo. Đấy là điều kiện tiên quyết để khi học sinh xuống doanh nghiệp không phải các em đi về đi thực tập hay đi thăm, mà phải làm và tạo ra sản phẩm. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp hàng năm đều có những khóa đặt hàng cho chúng tôi, để đào tạo cho cán bộ dạy nghề tại doanh nghiệp.

Những chương trình của trường chúng tôi bắt buộc phải có những đội ngũ cán bộ đó. Đấy là điều kiện tiên quyết, họ không những giảng dạy, họ còn có thể thảo luận chương trình, những module trong chương trình của nhà trường có phù hợp với công nghệ của họ không. Và như vậy họ sẽ cùng với nhà trường thiết kế ra một chương trình để khi sinh viên về doanh nghiệp là làm việc ở đó và làm ra sản phẩm. Đấy là điểm khác biệt, điểm mạnh của chương trình chúng ta bàn hôm nay là “Du học nghề tại chỗ”.

Nhà báo Phạm Huyền: Trên thực tế thì việc hợp tác như vậy với doanh nghiệp có khó không?

Ông Nguyễn Khánh Cường: Ban đầu là khó, ban đầu họ chưa hiểu được, ban đầu họ nghĩ "Ô tội gì, các trường cứ đào tạo ra thì tôi nhận vào, tại sao tôi lại phải tham gia, phải chia sẻ nhân lực đang làm việc, sao phải để sinh viên lấy vật tư của họ để làm thực tập?"

Nhưng đã có gần như là một chiến dịch truyền thông mà tổ chức GIZ hỗ trợ rất nhiều. Đó là tổ chức những chương trình hội thảo để giải thích cho doanh nghiệp hiểu là nếu họ tham gia vào thì có thể đào tạo đội ngũ không phải chỉ phù hợp với yêu cầu của họ, mà còn có thể đào tạo được ngay từng vị trí họ cần. Thứ hai, nếu được tuyển dụng, những người lao động đó sẽ hiểu được văn hóa của doanh nghiệp trước cả khi gia nhập. Như vậy họ sẽ trung thành hơn với doanh nghiệp.

“Mưa dầm thấm đất”, số doanh nghiệp tham gia vào mô hình này với chúng tôi đã dần dần tăng lên.

PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Thực ra đây là một vấn đề rất khó, xuất phát từ truyền thống, văn hóa của các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Cho nên việc này nói thực là hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng phải tự lo cho chính mình, trong khi đáng lẽ Nhà nước phải đảm nhận là chính về vấn đề truyền thông, vấn đề nâng cao nhận thức.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thế này, ngày nào đó nếu tỷ lệ đào tạo tại doanh nghiệp tăng lên nữa thì lúc đấy doanh nghiệp sẽ thấy rằng mình cũng không bị thiệt. Như kinh nghiệm của Đức đào tạo nghề của họ thời gian là hơn 3 năm trong đó 2/3 là ở doanh nghiệp thì mới đến năm thứ 2,5 họ đã thu hồi được chi phí đầu tư cho các em học sinh.  

Thế nên tôi nghĩ rằng ban đầu là sẽ khó nhưng rồi dần dần sẽ đến lúc doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích bên cạnh trách nhiệm xã hội của mình để tham gia vào giáo dục nghề nghiệp. Bản thân tôi đã tham gia rất nhiều và hiện cũng đang tham gia xây dựng chương trình đào tạo người đào tạo doanh nghiệp và nhận thấy thực tế là rất khó nhưng không khó đến mức không làm được. Đấy là con đường tất cả các nước công nghiệp phát triển đã đi, không có lý do gì Việt Nam không đi con đường ấy.

Đầu ra và uy tín của tấm bằng

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta có một dự án là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thưa ông Giang, dự án này có những hỗ trợ đặc biệt nào về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề? Bởi trong đào tạo chất lượng cao thì chắc chắn chi phí này rất cao.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Giang. Ảnh: Thúy Nga

Ông Đỗ Văn Giang: Dự án về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thực ra đã có từ lâu, sau đó được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và an toàn lao động sẽ kết thúc vào năm 2021.

Trong quá trình vận hành từ 2016 đến nay, tất cả những đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị... cho các trường được ưu tiên đầu tư trọng điểm để thành trường chất lượng cao vào năm 2020 thì chúng tôi đã xác định rất rõ ràng về lộ trình. Tức là nguồn vốn được đưa về và cũng cân nhắc tính toán đến các trường, đến các vùng miền. Nhưng quan trọng cuối cùng là đến từng nghề, bởi như tôi cũng phân tích ban nãy, trường ông Cường có 10 nghề mà Nhà nước không thể có đủ tiền đầu tư cho cả 10 đầy đủ luôn các điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị hoặc giáo viên. Vấn đề phải bằng nhiều nguồn khác nhau rồi tính tự chủ nhà trường.

Tuy nhiên bản thân tôi thì mong muốn Nhà nước đầu tư được nhiều hơn, để các trường được đầy đủ luôn thì tất cả vận hành đồng bộ hơn. Nhưng vì đất nước còn nghèo mà giáo dục nghề nghiệp cũng vậy, nên chúng ta vẫn phải “liệu cơm gắp mắm” và đầu tư làm sao cho hiệu quả. Và tôi tin tưởng rằng các trường đang được ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao đang hoạt động rất hiệu quả.

Nhà báo Phạm Huyền: Một câu hỏi được rất nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là khi mà tham gia hình thức đào tạo này nếu học sinh có nhu cầu học liên thông nâng cao bằng cấp thì hiện nay có gặp rào cản nào không?

Ông Nguyễn Khánh Cường: Hiện nay thì liên thông trong kể cả chương trình thông thường thì chúng tôi vẫn đang làm được với một số trường chấp nhận chương trình kiến thức, chương trình kỹ năng của chúng tôi. Ví dụ chúng tôi đang làm với trường Đại học Bách khoa TP HCM, họ chấp nhận trường chúng tôi là đầu vào của họ để đào tạo liên thông lên đại học. Trường thứ 2 là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

Như vậy chương trình thông thường đã có con đường liên thông thì không lý do gì những chương trình chất lượng cao này lại không. Nhưng tôi cũng nói lại là những chương trình này học ra đã đảm bảo được kỹ năng làm việc cho học sinh, các em có thể tham gia thị trường lao động, hành nghề tốt và được thị trường lao động chấp nhận không những trong nước mà còn cả quốc tế. Nên chuyện liên thông để nâng cao bằng cấp thì tôi nghĩ khi các em đã học chương trình chất lượng gần như không ai có ý định.

PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Theo tôi quan sát, tư duy phải học lên đại học của chúng ta hình như đã có những thay đổi trong những năm gần đây khi mà nền kinh tế thị trường phát triển hơn, khi người dân thấy rằng học tập bất kể hình thức gì cuối cùng vẫn là hướng đến việc làm và thu nhập. Chẳng hạn, tỷ lệ học sinh học tiếp sau THPT và THCS ngay cả ở những tỉnh có truyền thống học tập rất cao cũng đã giảm.

Cái tâm lý “phải đại học” của phụ huynh, học sinh khiến bất kể làm một chương trình đào tạo gì chúng ta luôn luôn nghĩ về việc nó có liên thông được đại học hay không. Nhưng tâm lý này đã có sự thay đổi. Thứ hai, khi một chương trình cao đẳng đã rất tốt, các em học sinh có đủ năng lực hành nghề, có được việc làm thu nhập hấp dẫn sau khi tốt nghiệp thì tự nhiên tâm lý muốn liên thông sẽ rất hạn chế.

Khi sang Trung Quốc công tác, tôi có hỏi họ về Luật thì có liên thông cao đẳng lên đại học được không? Về tư duy chuộng bằng cấp thì TQ cũng rất giống Việt Nam. Họ trả lời là “Có”. Khi tôi hỏi thế thì bao nhiêu phần trăm học sinh tốt nghiệp cao đẳng đi cái cầu liên thông đấy thì họ cho biết: chúng tôi có bắc cầu trong Luật nhưng trên thực tế chỉ 1% người đi qua thôi. Một cây cầu bắc sang mà chỉ có 1% số người đi thì chứng tỏ nó mang tính chất lý thuyết nhiều hơn là thực tiễn.

Do đó, tôi cũng rất chia sẻ với ý kiến của thầy Cường, đấy là trường cứ dạy tốt đi thì chính trường sẽ đóng góp phân luồng sẽ rất tốt. Và tôi nghĩ điều này đóng góp rất tích cực cho xã hội.

{keywords}
Ông Nguyễn Khánh Cường. Ảnh: Thúy Nga

Nhà báo Phạm Huyền: Cũng liên quan câu chuyện bằng cấp, thưa ông Cường, khi tham gia mô hình đào tạo chất lượng cao, bằng cấp được cấp có khác gì so với hình thức đào tạo khác không?

Ông Nguyễn Khánh Cường: Như ông Giang nói lúc nãy, học chương trình này ra là có hai bằng, bằng thứ nhất là do tổ chức quốc tế nơi chuyển giao chương trình và bằng thứ hai là bằng do chính nhà trường cấp. Bằng này có khác gì không thì tôi nói về hình thức chẳng khác gì cả, cũng là một cái bằng và cũng là cao đẳng thôi, nhưng vấn đề là uy tín của bằng gắn với uy tín của trường đào tạo có khác hay không.

Ví dụ hiện nay với bằng của LILAMA2 cho những chương trình chất lượng cao theo đúng mô hình của Đức, chúng tôi có thể đưa các em sang Đức để làm việc. Đó chính là sự khác biệt. Hiện chúng tôi đang triển khai một chương trình đặc biệt là đào tạo để đưa các em sang Đức đấy làm việc. Mô hình này là gì, đào tạo ở Việt Nam các doanh nghiệp ở Đức sang đây để khảo sát, đánh giá và nhận các em này, khi học xong lấy bằng LILAMA2, các em sang Đức được học thêm 3 – 6 tháng và các tổ chức như Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức AHK cấp bằng thì các em đi thẳng vào làm việc không phải đào tạo lại.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Dũng, vậy theo nghiên cứu của ông thì học sinh tham gia mô hình đào tạo chất lượng cơ hội được làm việc tại các tập đoàn lớn của các nước phát triển ra sao?

PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Trước hết phải nói rằng quan trọng nhất là năng lực của người học ở đầu ra và đầu ra đó hoàn toàn tương thích với một hệ thống đã chuyển giao hoặc liên kết với chúng ta. Thứ hai, hiện nay các tập đoàn đa quốc gia cũng có rất nhiều đơn vị sản xuất khắp nơi trên khắp thế giới. Tại Việt Nam có thể nói tất cả các tập đoàn đa quốc gia về công nghiệp đều có mặt. Và tôi nghĩ ở nước ta nếu mà lực lượng các trường này ra các chương trình chất lượng cao phủ được trong cơ sở đào tạo của họ thì cũng đã là một thị trường rất là lớn.

Còn đối với đi lao động ở nước ngoài, thì phía Bộ LĐ-TBXH cũng có rất nhiều chương trình để hỗ trợ xuất khẩu lao động có tay nghề, đặc biệt với bên Nhật những chương trình đó rất nhiều.

Thế thì những học sinh đã tốt nghiệp những chương trình chất lượng cao, sẽ được học cập nhật, được học bổ sung để hòa nhập với bên kia về ngoại ngữ, phong cách làm việc và có một số kỹ năng chuyên môn nữa thì hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường ấy. Ở Đức thì cũng có một chương trình của Nhà nước khuyến khích những người có kỹ năng nghề nghiệp, có năng lực cao tham gia thị trường lao động này và chính LILAM2 cũng đang khai thác kênh đó.

Theo tôi, những nước công nghiệp phát triển như Đức, Nhật dân số ngày càng già, dẫn đến sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đặc biệt một số kỹ năng mới của thời đại công nghệ thông tin, 4.0 sẽ trở thành thách thức với những lao động đã nhiều tuổi. Và đó chính là cơ hội cho các trường đào tạo nghề ở Việt Nam như LILAMA2.

Ông Nguyễn Khánh Cường: Tôi bổ sung một thông tin, tại Đức, từ 1/3/2020, họ đã đưa vào luật quy định là người lao động của 3 nước Brazil, Ấn Độ, Việt Nam sau khi học theo mô hình Đức thì có thể đến làm việc ở nước Đức.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng phải nói đây là một thông tin rất hấp dẫn. Tiếp theo xin hỏi ông Giang một vấn đề rất nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là tình hình “đầu ra” của đào tạo chất lượng cao thế nào?

Ông Đỗ Văn Giang: Tỷ lệ có việc làm của học sinh sinh viên tham gia giáo dục nghề nghiệp nói chung trong mấy năm gần đây đều khoảng trên 80%. Ví dụ năm 2019 vừa rồi là 87% sinh viên cao đẳng và 82% học sinh trung cấp ra có việc làm ngay. Còn đào tạo chất lượng cao là 100%, cung không đủ cầu luôn.

Một tầm nhìn mới cho đào tạo chất lượng cao

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Giang, năm 2020 là năm cuối cùng để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 10 năm 2011-2020? Vậy đối với riêng đào tạo chất lượng cao vậy, trong giai đoạn tới chúng ta có những chủ trương chính sách nào để tiếp nối và phát triển?

Ông Đỗ Văn Giang: Những năm qua chúng tôi đã hết sức nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Năm 2020 này, có lẽ chúng tôi sẽ đánh giá tổng kết chiến lược, hiện chưa có số liệu cụ thể nhưng từ chiến lược này, chúng tôi đã đề xuất để xây dựng dự thảo và cũng sẽ trình trong năm 2020 một chiến lược mới về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, thậm chí đến 2050.

Trong đó chúng tôi dự kiến sẽ có những thay đổi để nó phù hợp với tình hình hiện nay, ví dụ như về phần chuyển giao các bộ chương trình vẫn còn thiếu hụt một chút, rồi về công nghệ 4.0 chúng tôi phải đưa vào, rồi về số hóa trong quản lý quản trị điều hành của cả hệ thống cũng như của các trường, v.v… Đó là những điểm mới mà chúng tôi đã nghĩ ra và trao đổi với nhau qua một vài cuộc hội thảo rồi.

Thế còn nói riêng về đào tạo chất lượng cao trong chiến lược tiếp theo thì chúng tôi tiếp tục coi đây là một trong những giải pháp đột phá, và sẽ đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh tự chủ, đẩy mạnh các tiêu chí, tiêu chuẩn để các trường chất lượng cao sớm được hoàn thiện. Thứ 2 là việc kết hợp với doanh nghiệp, chúng tôi phải đẩy mạnh hơn việc doanh nghiệp đặt hàng, tức là kết hợp Nhà nước - Nhà trường và Nhà sử dụng đặt hàng được tăng cường.

Một việc quan trọng nữa là chúng tôi phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để phụ huynh, học sinh thấy rằng đào tạo và học tập trong môi trường giáo dục nghề nghiệp không chỉ là con đường tiến thân lập nghiệp mà còn là con đường phát triển tương lai, có tương lai, có triển vọng và thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thưa ông Cường, ông có điều gì muốn chia sẻ?

Ông Nguyễn Khánh Cường: Về phía nhà trường, phải nói rằng chương trình chất lượng cao đang triển khai ở trường chúng tôi cũng như trong hệ thống là một con đường, như anh Giang nói là con đường tiến thân, con đường lập nghiệp. Khi tham gia những chương trình chất lượng cao thế này, các em sẽ được đảm bảo một cuộc sống thành công trong tương lai.

{keywords}
PGS.TS Bùi Thế Dũng. Ảnh: Thúy Nga

Nhà báo Phạm Huyền: Từ góc độ của chuyên gia giáo dục, PGS.TS Bùi Thế Dũng nghĩ sao?

PGS.TS Bùi Thế Dũng: Hơn 20 năm vừa qua, tôi đã có cơ hội chứng kiến sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, cộng tác với hầu hết các tổ chức quốc tế đã tham gia ở Việt Nam. Tôi cũng đang tham gia việc đánh giá chiến lược 10 năm vừa rồi và tư vấn cho việc xây dựng chiến lược 10 năm tới.

Theo tôi, có hai điểm cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Thứ nhất là chuẩn hóa mọi khía cạnh liên quan đến đào tạo. Và cái này chúng ta đã học tập được chính qua con đường liên kết đào tạo với nước ngoài, để đủ lớn, đủ kinh nghiệm tự chuẩn hóa hệ thống của mình.

Thứ hai đó là hợp tác với doanh nghiệp. Về việc này, tự thân giáo dục nghề nghiệp đã làm rất nhiều, cũng có nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học tốt. Nên tôi hi vọng cộng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, rồi truyền thông được đẩy mạnh thì doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn nữa. Và đấy chính là một yếu tố rất mấu chốt nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng thưa quý vị độc giả, rõ ràng là nói tới Việt Nam và nói tới môi trường đầu tư kinh doanh thì nhiều quốc gia, doanh nghiệp thường coi lao động giá rẻ như một trong những ưu điểm của nguồn nhân lực nước ta. Nhưng rõ ràng “giá rẻ” trước đây là gắn với lao động giản đơn và chúng ta cũng hi vọng với sự phát triển của các mô hình giáo dục nghề nghiệp hiện đại như đào tạo chất lượng cao hay còn gọi là “du học nghề tại chỗ”, Việt Nam sẽ còn nổi danh bởi nguồn nhân lực chất lượng cao có sáng tạo, có đổi mới và có trình độ. Điều này cũng sẽ đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của khoa học công nghệ, cho nền kinh tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn độc giả đã theo dõi.   

VietNamNet thực hiện