Đề thi có sự phân hóa để xét tuyển

Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa sức với thí sinh trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, các trường ĐH có thể yên tâm xét tuyển từ kết quả thi.

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng có thể xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT mà không phải “lấn cấn” vì đề thi có sự phân hóa.

Theo ông Sơn, mức điểm thí sinh giành được sẽ phổ biến ở mức 5-7 điểm/môn. Đối với môn Toán, đề thi dễ nên đa số thí sinh có thể giành 6-7 điểm, còn để đạt điểm 9, 10 rất khó vì phải học giỏi thực sự. Môn Ngữ văn khó có điểm cao nhưng mức 5-6 điểm hoặc thậm chí là 7 điểm thì không hiếm.

{keywords}
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM (Ảnh: Thanh Tùng)

"Sẽ có nhiều điểm 10, nhưng không phải là “mưa". Các môn được sử dụng nhiều trong tổ hợp xét tuyển như Toán và Hóa có đề thi dễ. Đề thi Tiếng Anh nhẹ nhàng. Đề Vật lý tuy khó hơn nhưng tương đương năm ngoái. Môn Ngữ văn rất dễ viết để có điểm” - ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhận định và cũng cho rằng đề thi phù hợp xét tuyển đại học.

Đề thi từng môn có tính phân loại cao là nhìn nhận của ông Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo ông Thắng, môn Toán có 70% số câu ở mức độ cơ bản, 30% câu còn lại đòi hỏi đòi hỏi cả kỹ năng phân tích tổng hợp và có tư duy cao. Môn Lý có 30 câu ở mức độ thông hiểu nhận biết, số còn lại ở mức vận dụng và vận dụng cao. Ông Thắng dự đoán phổ điểm môn này sẽ rơi từ 5-8, mức điểm từ 8-9 giảm dần và mức trên 9 ít.

Ở môn Hóa, phổ điểm dễ đạt từ mức 7,5-8. Còn môn Sinh, đạt 5 điểm đối với thí sinh chỉ học sách giáo khoa không hề khó. Phổ điểm có thể rải từ 7-10, thuận lợi cho quá trình xét tuyển đại học. Các trường đại học tốp trên cũng có cơ hội chọn được các thí sinh xuất sắc với điểm trên 9.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cùng quan điểm khi cho rằng đề không quá khó nhưng vẫn có sự phân hóa thí sinh rất cao, điều này đảm bảo sự công bằng trong tình hình dịch bệnh. Các trường đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả thi như một tiêu chí quan trọng để xét tuyển đại học.

Trong khi đó, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, cho rằng nhà trường hoàn toàn yên tâm sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đại học.

“Giống như mọi năm, trường chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Mặc dù nội dung của kỳ thi năm nay đã được giảm tải, song với các môn Toán, Hóa, Sinh vẫn được đánh giá có tính phân loại cao. Cùng với công tác coi thi diễn ra nghiêm túc và suôn sẻ, Trường ĐH Y Hà Nội tin tưởng với kết quả đánh giá thí sinh để chọn ra được những nhân tố tốt”.

Điểm chuẩn sẽ tăng

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ông Bùi Hoài Thắng dự đoán mặt bằng điểm thi năm nay sẽ cao hơn năm 2019. Do đó, điểm chuẩn vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng sẽ tăng.

Ông Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, thì dự đoán các trường tốp trên như Y, Dược thì điểm chuẩn sẽ cao như mọi năm. 

{keywords}
Đại diện nhiều trường đại học dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng. Ảnh: Thanh Tùng

Còn ông Đỗ Văn Dũng dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng khoảng 2 điểm so với năm ngoái. Các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển nên chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp không nhiều.

"Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chúng tôi chỉ còn 50% chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp nên điểm chuẩn có thể tăng so với năm ngoái 1-2 điểm. Dự kiến các trường tốp trên có điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên. Các trường tốp dưới có điểm chuẩn đến mức 20 điểm. Khối các trường kỹ thuật tuyển các môn khoa học tự nhiên tăng 2-3 điểm. Khối các trường tuyển các môn xã hội tăng 1 điểm. Riêng khối các trường Y, Dược trừ khi thí sinh cân nhắc do học phí cao, còn các trường có học phí thấp chắc chắn điểm chuẩn sẽ tăng" - ông Dũng nói.

Điều khó, theo ông Dũng, là những trường tự chủ sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thí sinh có thể đủ điểm nhưng không lựa chọn do gia đình gặp khó khăn về kinh tế.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dự đoán phổ điểm năm nay sẽ nhỉnh hơn 2019 và rơi vào mức trung bình 6-7 điểm. Như vậy, điểm chuẩn sẽ tăng do phổ điểm cao và chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp giảm.

“Các ngành khối Y-Dược, công an sẽ từ 25 điểm trở lên, thậm chí tới 27 điểm. Các ngành khối kỹ thuật dao động từ 20-25 điểm, trong đó có những ngành như công nghệ thông tin, công nghệ ô tô là cao nhất. Khối các ngành kinh tế như quản trị Kinh doanh, logistics điểm chuẩn sẽ cao. Các ngành khoa học xã hội điểm chuẩn có thể sẽ thấp hơn nhưng ít nhất cũng bằng năm 2019” - ông Nhân dự đoán.

GS.TS Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng điểm chuẩn năm nay có thể sẽ tăng do đề thi có phần “dễ thở” hơn năm ngoái, song việc tăng như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Lê Huyền - Thúy Nga

Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội có độ phân hóa cao để xét tuyển Đại học

Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội có độ phân hóa cao để xét tuyển Đại học

Sáng nay, gần 500.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân. Đề thi được đánh giá không lắt léo, có khả năng phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.