- Các trường đã lên phương án điểm chuẩn để loại trừ các thí sinh "ảo" vào trường mình nhưng rủi ro tuyển không đủ chỉ tiêu ở các trường tốp giữa và tốp dưới là rất lớn. Vì thế,  thí sinh hoàn toàn vẫn có cơ hội trúng tuyển ở đợt xét tuyển thứ 2 nếu chưa trúng tuyển đợt 1.

Điểm chuẩn các trường giảm so với năm trước

Điểm chuẩn đại học 2016 theo nguyện vọng 1 vào các trường đều giảm nhẹ so với mức điểm của năm ngoái.

Ở khu vực phía Bắc, hầu hết các trường ĐH thuộc tốp trên như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… đều công bố mức điểm chuẩn thấp hơn so với năm 2015.

Chẳng hạn, điểm chuẩn của ngành Kinh tế, Trường ĐH Ngoại thương năm nay là 26,45 điểm, thấp hơn gần 1 điểm so với mức điểm năm trước (27,45).

{keywords}

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học tại Trường ĐH Bách khoa HN. Ảnh: Lê Văn

Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương năm nay là 23,5 điểm, thấp hơn khoảng 0,2 điểm so với mức điểm năm trước (23,75).

Tương tự, mức điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội mức điểm chuẩn vào những ngành "hot" nhất như ngành Y Đa khoa hay Răng Hàm Mặt cũng giảm nhẹ.

Cụ thể, ngành Y Đa khoa củaTrường ĐH Y Hà Nội năm nay có mức điểm chuẩn 27 -  giảm 0,75 điểm so với năm 2015. Ngành Răng Hàm Mặt có điểm chuẩn là 26,75, giảm 0,25 điểm.

Đối với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mức điểm chuẩn cao nhất năm nay của trường là ngành Kế toán với  25,5 - giảm nửa điểm.

Ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay là Toán ứng dụng trong kinh tế với mức điểm 20,64. So sánh với năm ngoái thì ngành này giảm tới 2,5 điểm.

Riêng trường hợp của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn vào trường năm nay lại nhỉnh hơn một chút so với điểm chuẩn năm 2015.

Cụ thể, các ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay là các ngành có mã xét tuyển KT22, bao gồm 6 ngành: Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phầnmềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin.

Điểm chuẩn vào các ngành này của Trường ĐH Bách khoa năm nay là 8,82 điểm, cao hơn mức điểm năm ngoái là 8,7.

Trong số 18 khối ngành kỹ thuật tuyển sinh năm nay có tới 8 khối ngành có điểm chuẩn từ 8 điểm trở lên. So với năm 2015, điểm chuẩn các ngành đều có tăng nhẹ.

Với các trường thuộc khu vực phía Nam, phổ điểm chuẩn cũng tương tự, hầu hết đều có xu hướng giảm nhẹ.

Các trường thuộc top đầu như Trường ĐH Bách khoa TP. HCM hay Trường ĐH Y dược TP. HCM ,điểm chuẩn các ngành giảm nhẹ hoặc chỉ bằng so với mức điểm chuẩn của năm ngoái.

Như với Trường ĐH Bách khoa TP. HCM, điểm chuẩn các ngành Kiến trúc, Xây dựng giảm 1 điểm.

Cũng giống trường hợp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn một số ngành của Trường ĐH Bách khoa TP. HCM có mức tăng như các nhón ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật vật liệu, nhóm ngành Vật lý kỹ thuật - Cơ kỹ thuật.

Trường ĐH Y dược TP. HCM cũng có nhiều ngành giảm mức trúng tuyển tới 2 điểm.

Cụ thể, điểm chuẩn ngànhY đa khoa cao nhất năm nay là 26,75 giảm 1,25 điểm. Các ngành Răng hàm mặt 26 điểm giảm 1,25. Ngành Dược học giảm 0,75 điểm. Ngành Y tế công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 - giảm 2,25 điểm.

Với các trường tốp dưới, tình hình tuyển sinh khó khăn hơn, hầu hết các trường đều xác định mức điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn xét tuyển do Bộ GD-ĐT công bố.

Trường ĐH Lâm nghiệp chỉ có duy nhất các ngành có thi môn năng khiếu nhân hệ số 2 lấy điểm chuẩn là 17 điểm. Các ngành còn lại đều lấy mức điểm chuẩn là 15 điểm, bằng mức điểm sàn.

Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành điểm chuẩn năm nay cũng giảm mạnh. Nhiều  ngành giảm tới 4 điểm. Mức điểm chuẩn chung của các trường này chỉ bằng mức điểm sàn là 15 điểm.

Hạ điểm chuẩn để "bù trừ" thí sinh ảo

Hầu hết các trường ĐH đều có chung nhận định, việc lên phương án điểm chuẩn trúng tuyển năm nay của các trường khá khó khăn do lượng thí sinh ảo lớn.

{keywords}

Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Lê Văn

Theo phương án tuyển sinh năm nay, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

Chính vì thế, các trường rất khó xác định thí sinh trúng tuyển vào trường có theo học hay không hay lựa chọn một trường khác trong khi Bộ GD - ĐT lại quy định không cho phép các trường tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký.

Theo ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, điều khó khăn nhất là điểm chuẩn đưa ra phải tránh được thí sinh "ảo" để không tuyển hụt chỉ tiêu; đồng thời cũng không thể đưa ra phương án điểm chuẩn với hệ số tăng thêm quá lớn, có thể dẫn đến vượt chỉ tiêu đã đăng ký với Bộ GD-ĐT.

Để làm được điều này, các trường phải phân tích kỹ phổ điểm mà thí sinh nộp vào từng ngành, từng trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu xem bao nhiêu thí sinh đăng ký các trường khác. Tuy nhiên, ông Thụ cho rằng, năm nay, việc phân tích dữ liệu để đưa ra phương án điểm chuẩn vẫn khá khó khăn vì khả năng hồ sơ ảo khá lớn.

Còn ông PhạmThái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP. HCM cho biết, trong quá trình xác định điểm chuẩn, trường đã phải sử dụng các biện pháp để lọc số lượng "ảo" như loại trừ số lượng thí sinh vừa đăng ký xét tuyển học bạ vừa đăng ký xét tuyển bằng điểm thi vào trường bằng cách dò số CMND.

Song song với đó, trường kiểm tra các thí sinh vừa đăng ký vào trường và vừa đăng ký vào các trường khác, xác định khả năng thí sinh đó đủ điểm trúng tuyển vào trường thì có bao nhiêu phần trăm sẽ nhập học dựa đánh giá dựa vào thương hiệu của ngành, của trường và mức học phí.

"Chẳng hạn, nêu một thí sinh có mức điểm trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của trường và cũng cùng mức trún gtuyển vào một trường như ĐH Bách khoa TP.HCM thí chắcchắn em đó sẽ chọn trường Bách khoa. Tuy nhiên nếu là trường khác có cùng mức thương hiệu thì cơ hội là 50%" - ông Sơn cho hay.

Để loại trừ thí sinh "ảo", hầu hết các trường đều sử dụng phương án hạ mức điểm chuẩn xuống thấp và tuyển vượt mức chỉ tiêu ban đầu đã đăng ký để "trừ hao". Đây có thể là một trong những lý do mức điểm chuẩn năm nay của các trường hạ hơn năm ngoái.

Theo ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi xác định điểm chuẩn năm nay, nhà trường đã tính toán hệ số tăng thêm ở các ngành để loại trừ các thí sinh "ảo".

"Hầu hết thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường năm nay đều có mức điểm khá cao. Tuy nhiên, những thí sinh này cũng có thể nộp hồ sơ vào các trường đang rất thu hút các thí sinh vùng nông thôn như các trường Y, Dược hay trường thuộc khối ngành công an, quân đội" - ông Tớp cho biết.

Chính vì thế, phương án điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được đưa ra với hệ số tăng thêm khoảng 10% (trung bình) để loại trừ thí sinh ảo. Nhiều ngành như cácchương trình đào tạo quốc tế hay chương trình tiên tiến, trường mới chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu.

Tương tự, ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM cho  trường cân nhắc rất kĩ và đương nhiên đã tính đến phương án trừ "ảo".

Việc trừ  "ảo" được thực hiện bằng cách hạ điểm chuẩn xuống thấp hơn,  thay đổi ở từng ngành khác nhau. Tuy nhiên, ông Thông cho biết, phải sau ngày 19/8 mới biết được số học sinh nhập học có dư thừa so với quy định của Bộ không, vì trường đã tính tới phương án tuyển sinh đủ trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Đối với các trường thuộc tốp dưới, việc loại trừ thí sinh ảo được thực hiện bằng cách hạ mức điểm chuẩn xuống tối đa để "bù trừ".

Chẳng hạn như Trường ĐH Lâm nghiệp, mặc dù nhận được số lượng hồ sơ bằng với mức chỉ tiêu đặt ra và dự đoán một số ngành của trường sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo thì tỉ lệ thí sinh ảo nộp hồ sơ vào các trường như ĐH Lâm nghiệp có thể lên tới 50% thậm chí hơn. Vì thế, phương án điểm chuẩn của trường năm nay đưa ra bằng mức điểm sàn - 15 điểm.

Mặc dù đã tính toán để loại trừ "ảo" song ông Phạm Thái Sơn cũng cho biết,"rủi ro có thể không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn rất lớn". Chính vì vậy, nhiều trường có thể sẽ phải xét tuyển bổ sung đợt thứ 2.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường điểm chuẩn đợt sau không nhất thiết phải cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Vì vậy, các trường vẫn có thể tuyển thêm chỉ tiêu và các thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1.

  • Lê Văn - Lê Huyền