Các trường đại học hiện đã hoàn thành việc công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Nhiều thí sinh sau khi trượt nguyện vọng 1 như “ngồi trên đống lửa” và phải tiếp tục săn tìm cơ hội mới cho bản thân.

Nuối tiếc vì tự đánh mất cơ hội

Yêu thích ngành Truyền thông đa phương tiện, Nguyễn Việt Trà (Thái Bình) quyết định đăng ký vào ngành học này tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Với số điểm 24,05 khối D01 cùng dự đoán mức điểm chuẩn có thể chỉ tăng từ 1 - 1,5 điểm, Trà chắc mẩm mình vẫn có cơ hội đỗ. Vì thế, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng trước đó, nữ sinh quyết định giữ nguyên số lượng nguyện vọng đăng ký ban đầu.

Thế nhưng, khi điểm chuẩn được công bố, nữ sinh Thái Bình lại “té ngửa” vì sự tăng vọt so với dự kiến ban đầu. Riêng đối với ngành học mà Trà đăng ký, mức điểm chuẩn tăng lên tới 3 điểm. Vì thế, nữ sinh đã trượt tất cả các nguyện vọng.

“Em cảm thấy rất tiếc nuối vì ban đầu đã chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng. Nếu em đăng ký thêm một vài ngành tốp dưới thì đã có khả năng đỗ rồi”, Trà nói.

{keywords}

Điểm chuẩn các trường tăng đột biến khiến nhiều thí sinh có điểm thi cao vẫn “té ngửa” vì trượt tất cả các nguyện vọng. 

Nữ sinh cũng đang băn khoăn trước nhiều ngã rẽ. “Với số điểm này liệu có đi học đại học được không hay nên chọn một trường nghề, hoặc chọn cách năm sau thi lại?”

Trà đắn đo và quyết định sẽ tiếp tục chờ đợi các trường tuyển bổ sung đợt 2 bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc bằng phương thức xét học bạ.

Rút kinh nghiệm từ đợt xét tuyển lần này, Trà dự định sẽ nộp hồ sơ đợt 2 vào các trường ở mức vừa phải để đảm bảo độ an toàn.

Cũng giống như Trà, Ngô Hải Anh (Sơn Tây, Hà Nội) nộp hồ sơ vào 5 ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Hà Nội trong đợt 1 nhưng không đỗ.

Đạt số điểm 31 (trong đó Ngoại ngữ nhân đôi), Hải Anh chấp nhận trông chờ vào sự may rủi của đợt xét tuyển thứ 2.

“Lần tới này em sẽ đăng ký vào tối đa nguyện vọng có thể. Trúng tuyển vào trường nào em sẽ nhập học vào trường đó. Dẫu sao, đó cũng là phương án tốt hơn việc thi lại vào năm sau”, Hải Anh nói.

Lo sợ không còn chỗ học ưng ý

Điểm chuẩn tăng mạnh khiến tính toán ban đầu của nhiều thí sinh bị “phá sản”. Nhiều em lo lắng, nếu không đỗ ngay từ nguyện vọng 1 sẽ càng khó tìm kiếm chỗ học ưng ý thông qua các nguyện vọng bổ sung.

“Em được biết các trường đại học top đầu đã tuyển đủ và không còn suất cho những thí sinh có mong muốn vào học theo nguyện vọng bổ sung như chúng em. Như mọi năm, chỉ có những ngành “không hot” mới xét tuyển đợt 2”, thí sinh Mai Đăng Khoa băn khoăn.

Năm nay, Khoa đăng ký dự thi vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội nhưng không đỗ do điểm chuẩn vào các ngành của trường cao hơn so với dự kiến. Khoa cho biết bản thân không còn nhiều hy vọng sẽ được học tại ngôi trường mình yêu thích.

“Với ĐH Ngoại thương em nghĩ cũng chỉ tuyển nguyện vọng bổ sung cho cơ sở tại Quảng Ninh. Một số trường khác có đào tạo về kinh tế nếu tuyển bổ sung cũng chỉ là những ngành ít người quan tâm hoặc các chương trình liên kết quốc tế. Những ngành học này thường có học phí rất cao, bố mẹ em rất khó có thể 'gánh’ được”, Khoa nói.

Cậu cho biết đang ngóng chờ Bộ GD-ĐT sớm cung cấp danh sách các trường sẽ tuyển sinh bổ sung đợt 2 để cân nhắc đưa ra lựa chọn phù hợp.

Hiện nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1 đang tìm mọi cách để “săn” cơ hội mới. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, các thí sinh cần bình tĩnh, suy xét thật kỹ vì mặc dù đường vào các trường đại học top đầu đã hẹp lại nhưng vẫn còn nhiều cơ hội bổ sung tại các trường đại học thuộc nhóm giữa. 

Do đó, thí sinh nên thường xuyên cập nhật thông tin trên website của các trường đại học để nắm bắt được các trường tuyển bổ sung ngành nào, chỉ tiêu bao nhiêu. Sau đó, thí sinh cần đối chiếu với mức điểm điều kiện được nhà trường đưa ra để xem đâu là ngành mình có khả năng đỗ cao.

Việc mức điểm của thí sinh chỉ bằng hoặc hơn điều kiện xét tuyển nguyện vọng 2 khoảng 1 điểm sẽ rất rủi ro. Đặc biệt, ở những ngành học “hot” liên quan đến kinh tế, tài chính, điểm nguyện vọng bổ sung có thể cao hơn nguyện vọng 1 từ 2 – 4 điểm.

Do đó, thí sinh không nên đặt mục tiêu “có chỗ học bằng mọi giá” lên hàng đầu. Điều quan trọng, thí sinh cần phải lựa chọn nguyện vọng theo đúng sở trường và mong muốn của bản thân.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 161 trường tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên, con số này là 205 trường (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh).

Có 83 trường, trong đó chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (chiếm 26,95% các trường) có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50%.

Các trường này sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 10/10. Do đó, thí sinh cần phải theo dõi thông tin của các trường này để biết thời hạn nộp hồ sơ để xét tuyển bổ sung vào những trường còn thiếu chỉ tiêu.

Tra cứu điểm chuẩn của các trường đại học TẠI ĐÂY.

Thúy Nga

Hàng ngàn người xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ vào đại học

Hàng ngàn người xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ vào đại học

Nhận được thông tin trường sẽ ưu tiên xét tuyển bổ sung những thí sinh nộp đơn trước, nhiều phụ huynh và học sinh vội vàng bắt xe từ các tỉnh lên Hà Nội và đến trường ngay trong đêm để kịp xếp hàng đăng ký vào sáng hôm sau.

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10

Bộ GD-ĐT cho biết, các trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10 cho đến hết năm 2020.