Ngày 8/10, Trường ĐH Dược Hà Nội chính thức ban hành quyết định Quy định đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Những thay đổi trong bảng quy đổi điểm tín chỉ khiến nhiều sinh viên lo lắng do có sự ảnh hưởng rõ rệt đến điểm tích lũy (GPA).

Bỗng nhiên cách xa bằng giỏi

Cụ thể, ở bảng quy đổi mới, mức điểm khá, giỏi (từ 7.0 – 10 điểm) bị thay đổi nhiều và khi quy đổi sang thang điểm 4 sẽ có sự chênh lệch so với bảng quy đổi trước đó. Ví dụ, nếu như trước đây, học sinh chỉ cần đạt từ 8.5/10 điểm sẽ được quy đổi thành 4.0/4.0 thì giờ đây, phải đạt từ 9.0/10 mới được quy đổi sang 4.0/4.0.

Ở trong bảng quy đổi mới cũng ít mức hơn. Ví dụ, tại mức điểm khá chỉ còn hai mức B1, B2 - ứng với 3.5 và 3.0, trong khi theo quy định cũ có 4 mức B1, B2, B3, B4 - ứng với 3.75; 3.5; 3.25; 3.0.

{keywords}

Bảng quy đổi cũ

{keywords}

Bảng quy đổi mới

Trước sự thay đổi này, nhiều sinh viên hoang mang bởi có những em suýt soát bằng giỏi bỗng nhiên “cách xa hàng cây số”.

N.T.M.L, sinh viên năm 4 ngành Dược cho biết: “Theo quy định mới này, rất nhiều môn trước đó em đạt 8.5 điểm, quy thành 4.0 sẽ tụt xuống còn 3.75. Như vậy, điểm tích lũy chung của em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Em đã thử nhẩm tính nếu quy về thang điểm mới thì GPA của em có thể tụt tới 0.22. Điều này khiến em rất khó để đạt bằng giỏi”.

Tương tự, H.L.K, sinh viên năm thứ 3 ngành Dược cũng cảm thấy hoang mang khi đạt 7.7 – 7.9 điểm sẽ tụt từ 3.5 xuống 3.0 theo cách quy đổi mới.

“Với cách tính điểm mới này, sinh viên khá, giỏi sẽ rất thiệt thòi. Từ giấc mơ “thăng hạng”, giờ chúng em lại có nỗi lo khác là làm thế nào để “trụ hạng”. Em cũng băn khoăn không biết nhà trường có tính lại điểm từ các năm học trước nữa hay không”, nam sinh bày tỏ.

Nhiều sinh viên năm cuối cũng chung một nỗi lo sẽ bị thiệt nếu nhà trường áp dụng theo cách quy đổi mới. Nhiều em gần như chắc chắn bằng giỏi giờ hoang mang không biết có thể đạt được bằng giỏi nữa hay không.

Sẽ không truy hồi điểm trước đó với những khóa đang học

Trao đổi với VietNamNet, TS. Vũ Xuân Giang, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết, quyết định này được nhà trường đưa ra từ 8/10 và sẽ bắt đầu áp dụng ngay trong năm học mới.

Lý do là bởi, quy chế đào tạo tín chỉ được nhà trường áp dụng từ năm 2010. Qua 10 năm, nhà trường nhận thấy có những điều chưa hợp lý. Số lượng sinh viên giỏi, xuất sắc của Trường ĐH Dược Hà Nội hàng năm cao hơn mặt bằng chung các trường trong khối Y, Dược.

“Căn cứ vào tình hình đào tạo thực tế của nhà trường nói riêng, khối sức khỏe nói chung, nhà trường quyết định rà soát, sửa đổi quy chế đào tạo để đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp hơn”.

Ông Giang cũng cho biết, việc rà soát, sửa đổi là bình thường. Nhà trường sẽ đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho sinh viên và hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến kết quả học tập chung.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Dược Hà Nội cũng khẳng định, những kết quả từ các năm trước nhà trường sẽ không truy xuất lại.

“Nhà trường vẫn đang rà soát lại hệ thống quản lý điểm để tính toán xem mức độ tác động của quy chế này ra sao. Lần rà soát, sửa đổi này nhằm đánh giá chất lượng sát hơn với thực tế, đồng thời tương đồng với các trường cùng khối. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của sinh viên và sẽ cân đối lại nếu cần thiết, do đó các em hoàn toàn có thể yên tâm”.

Thúy Nga

Điểm chuẩn Trường ĐH Dược Hà Nội cao nhất là 26,9

Điểm chuẩn Trường ĐH Dược Hà Nội cao nhất là 26,9

Năm 2020, hai ngành Dược học và Hóa dược của Trường ĐH Dược Hà Nội đều có điểm chuẩn trên mức 26.