Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm quý 2/2020 của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6 năm nay cả nước có gần 31 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm cả những người mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Trong bối cảnh này, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã đề xuất chương trình đào tạo nghề miễn phí cho người thất nghiệp, phối hợp với Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2.

Cụ thể, GIZ đặt hàng nhà trường xây dựng 4 khóa học đào tạo trình độ sơ cấp các nghề lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống; kỹ thuật gia công cơ khí, kỹ thuật hàn; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển tự động cho 300 người lao động thuộc 2 đối tượng: người mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc chưa có việc làm, muốn chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Đỗ Lê Hoàng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2 cho biết, để đủ điều kiện trở thành học viên của chương trình này, người lao động bị mất việc làm phải có quyết định của doanh nghiệp. Trong trường hợp, người lao động chưa có việc làm cần có giấy xác nhận của chính quyền địa phương.

“Đối tượng học viên là người lao động trên cả nước. Trong đợt đào tạo lần 1 khai giảng vào ngày 2/10 tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ đào tạo 125 học viên. Hiện tại, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu cho khóa học này”.

Ông Hoàng cũng cho biết, sau khi kết thúc chương trình học kéo dài 2 tháng tại trường, học viên sẽ được trường giới thiệu tới các doanh nghiệp để thực tập. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp và được giới thiệu việc làm.

“Toàn bộ học phí được tài trợ bởi GIZ. Ngoài ra, học viên còn được hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ ngày, 500 nghìn đồng/ tháng tiền lưu trú hoặc đi lại. Sau khi học viên tốt nghiệp được hỗ trợ thêm 100 Euro (khoảng 2,6 triệu đồng). Yêu cầu duy nhất là học viên phải cam kết hoàn thành khóa học”.

Vị trưởng phòng đào tạo này cũng cho hay, mặc dù GIZ đề xuất chương trình với Lilama 2 khá gấp gáp nhưng vì đây là những khóa học đang được đào tạo thường xuyên tại trường, nên nhà trường không gặp khó khăn gì trong khâu tổ chức và chuẩn bị.

{keywords}
Thí sinh tham gia cuộc thi tay nghề quốc gia năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trao đổi về chương trình đào tạo lại cho lao động thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đây là chương trình vẫn được thực hiện hằng năm của Tổng cục. Năm nay, chương trình tập trung hơn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chú ý hơn tới lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng kép bởi cả dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Tổng cục cũng dành một phần kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thêm cho các cơ sở, địa phương, tập đoàn cần đào tạo lại lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

“Năm nay, do bị gián đoạn bởi dịch bệnh nên hiện tại các địa phương đang rà soát, cập nhật số liệu cho đến tháng 9 để thực hiện đánh giá, tuyển sinh. Theo kế hoạch, năm nay Tổng cục sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1,7 triệu người ở trình độ sơ cấp (dưới 3 tháng). Hiện tại, chúng tôi đã đạt khoảng 55-60% kế hoạch năm. Nếu như các năm trước, chúng tôi tập trung vào đối tượng lao động nông thôn, thì năm nay chúng tôi tập trung cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn”.

Hồi tháng 5 năm nay, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động. Phương thức thực hiện sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của DN do DN triển khai, cấp tiền trực tiếp cho DN. Dự kiến thời gian hỗ trợ là 3 tháng, ước tính sẽ có từ 35-70 nghìn doanh nghiệp, 500 nghìn đến 1 triệu lao động được hỗ trợ đào tạo.

Mức hỗ trợ theo quy định hiện hành là 1 triệu đồng/ người trong thời gian 3 tháng đối với DN. Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất tăng thời gian hỗ trợ lên 6 tháng và mức hỗ trợ có thể tăng gấp đôi (2 triệu đồng/ người). Đặc biệt, trong thời gian này sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện để DN dễ tiếp cận với nguồn kinh phí.

Học nghề cơ khí, chàng trai quê lúa tự mở công ty sản xuất đồ chơi

Học nghề cơ khí, chàng trai quê lúa tự mở công ty sản xuất đồ chơi

Ban đầu học nghề tại các xưởng sản xuất theo kiểu "cầm tay chỉ việc", rồi theo học hệ trung cấp tại trường Cao đẳng nghề, chàng trai 8X quê lúa Thái Bình đã mở được công ty sản xuất đồ chơi riêng. 

Linh Chi