Tọa đàm trực tuyến: "Du học tại chỗ với giáo dục nghề nghiệp"

Tọa đàm trực tuyến: "Du học tại chỗ với giáo dục nghề nghiệp"

Thay vì phải ra nước ngoài để tiếp cận các cơ sở đào tạo nghề nghiệp hiện đại, tiên tiến, các em hoàn toàn có thể thụ hưởng các chương trình đáp ứng chuẩn quốc tế ngay trên chính đất nước mình.  Vào lúc 14h chiều Thứ Năm, 28/5, báo VieNamNet tổ chức tọa đàm trực tuyến về chủ đề này với các khách mời.

Giáo dục nghề nghiệp trước cánh cửa hội nhập

Tháng 9 năm ngoái, lần đầu tiên giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn làm chủ đề của Hội thảo Giáo dục (VEC) - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế’’.

Tại hội thảo này, một số vấn đề quan trọng về bối cảnh hội nhập quốc tế đối với GDNN đã được các đại biểu, chuyên gia tái đề cập, khẳng định.

Đó là, hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu lớn. Trong nguồn nhân lực này, khi nước ta trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng. 

Đó là, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động, làm sao để “nâng chất lượng GDNN từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới.” 

Cũng trong hội thảo này, có chuyên gia quốc tế phân tích: Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Việt Nam, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả kỹ năng. Trong khi đó, nhiều lao động Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng lao động toàn cầu. Trình độ lao động cũng chưa đủ khả năng cạnh tranh, hơn 50% số lao động trẻ mới chỉ có trình độ trung học. Đó là thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực. 

{keywords}
GDNN đang đứng trước thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cao độ. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Chắc chắn không cần chờ đến VEC 2019, những “thách thức lớn” mới được đánh giá, nghiên cứu. Song trong bối cảnh tốc độ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy cao, việc giải bài toán cải thiện chất lượng nguồn nhân lực qua GDNN buộc các các cơ quan quản lý phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính mũi nhọn và trọng tâm hơn nữa. Trong đó, không thể không đề cập đến chiến lược phát triển hệ thống GDNN chất lượng cao, với việc xác định tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. 

Những mục tiêu đầy “thách thức”

Dự án Đổi mới và Nâng cao chất lượng GDNN là 1 trong 3 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm tạo đột phá về chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.

Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án Đổi mới và Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đạt những kết quả khả quan.

Theo thông tin Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân cung cấp cho báo chí vào tháng 11/2019, Bộ LĐTB-XH đã chuyển giao được 34 bộ chương trình từ Australia, Đức và đang thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên. Người học sẽ có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Người tốt nghiệp theo chương trình này có cơ hội học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường của Australia, Đức.

Ngoài ra, Bộ cũng tiếp nhận, chuyển giao và tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các tiêu chuẩn của Pháp, 8 nghề theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc tại các trường CĐ Việt Nam. Đến năm 2022, sẽ có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.

Có thể nói đây là một dấu ấn nổi bật về GDNN của Việt Nam trong những năm vừa qua, nhưng chắc chắn mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao.

Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030 của Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TBXH (tháng 12/2018) nhấn mạnh việc “phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.”

Nghị quyết cũng đề ra những con số mục tiêu rất cụ thể. Đó là:

- Đến năm 2021 có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

- Đến năm 2025: có 70 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng từ 5 - 7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

- Đến năm 2030: Có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Tháng 10/2019, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025". Đề án nhằm phát triển trường cao đẳng chất lượng cao với các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Có thể thấy xét về mặt định lượng, mục tiêu phấn đấu chỉ trong 10 năm sẽ là gấp đôi, gấp 3 so với các chỉ tiêu gần trước mắt. Đầy thách thức, đó là điều chúng ta có thể thấy ngay khi nhìn vào những con số này, nhưng mặt khác, điều rõ ràng hơn chính là một quyết tâm nhất quán đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao như một giải pháp quan trọng để GDNN, đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta có thể bắt kịp, hội nhập, cạnh tranh với khu vực và thế giới.  

Thanh Mai

Tọa đàm trực tuyến: "Du học tại chỗ với giáo dục nghề nghiệp"

Tọa đàm trực tuyến: "Du học tại chỗ với giáo dục nghề nghiệp"

Thay vì phải ra nước ngoài để tiếp cận các cơ sở đào tạo nghề nghiệp hiện đại, tiên tiến, các em hoàn toàn có thể thụ hưởng các chương trình đáp ứng chuẩn quốc tế ngay trên chính đất nước mình.