- GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ  phát biểu tại hội thảo về chương trình đào tạo Truyền thông đa phương tiện vừa diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Hà Nội) sáng 11/5.

Tại hội thảo, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết vừa qua học viện đã được cấp phép thành lập khoa đa phương tiện với 2 ngành công nghệ đa phương tiện và truyền thông đa phương tiện.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo sáng 11/5. (Ảnh: Phạm Giang).

Trong đó, ngành công nghệ đa phương tiện đã tuyển sinh từ 2015 với điểm đầu vào khá cao. Tuy nhiên việc xây dựng khung chương trình, giáo trình đào tạo của khoa và chuyên ngành truyền thông đa phương tiện cần sớm hoàn thiện nên rất cần ý kiến góp ý của các chuyên gia. Mục tiêu của học viện muốn đưa ngành truyền thông đa phương tiên đi đầu trong lĩnh vực truyền thông ở VN, đáp ứng nhu cầu xã hội.

{keywords}

Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Vũ Văn San phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Giang).

TS Lê Thị Hằng, tổ soạn thảo Khung chương trình Truyền thông đa phương tiện cho biết hiện nay đào tạo truyền thông đa phương tiện ở VN ít cơ sở đào tạo, ví dụ năm 2013 Học viện Báo chí-Tuyên truyền đào tạo ngành báo chí đa phương tiện. Trong khi đó thế giới đã phát triển đào tạo truyền thông đa phương tiện khoảng 10 năm nay với các tên gọi khác nhau.

Tổ soạn thảo sau khi nghiên cứu, đánh giá chương trình các nước như Canada, Mỹ, Pháp, Úc, Đức đã xây dựng khung chương trình đào tạo ngành truyền thông đa phương tiên với tổng số tín chỉ là 125, trong đó có 40 tín chỉ đạo tạo các môn học đại cương, 75 tín chỉ đào tạo chuyên ngành, 10 tín chỉ cho thực tập và khóa luận tốt nghiệp được chia ra trong 4 năm đào tạo.

{keywords}

TS Lê Thị Hằng, đại diện tổ soạn thảo chương trình đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phát biểu sáng 11/5. (Ảnh: Phạm Giang).

Ngành truyền thông đa phương tiện sẽ đi vào các lĩnh vực đào tạo về báo chí, truyền thông - PR và quảng cáo dựa trên nền tảng công nghệ số, giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trở thành chuyên viên truyền thông, quảng cáo, nhà báo đa phương tiện, nhà sản xuất chương trình,vv.

Đánh giá chương trình đào tạo chuyên ngành truyền thông đa phương tiện có ưu điểm bám sát khung chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng cho rằng học viện tập trung đào tạo, phát triển chương trình để tận dụng tối đa thế mạnh về công nghệ truyền thông mình đang có.

"Bởi so với những cơ sở như Học viện Báo chí-Tuyên truyền đã tồn tại từ 1962, rất mạnh về mặt nội dung với đội ngũ giảng viên mạnh. Học viện có thể kết hợp công nghệ trong thiết kế trang web, giao diện báo,vv để đào tạo ra người làm báo giỏi CNTT để tạo ra thế mạnh" - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nêu ý kiến.

Cũng theo ông Tấn, theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, bộ môn tiếng Anh chỉ có 14 tín chỉ nhưng xu thế hội nhập tiếng Anh là yếu tố sống còn. Ông đề nghị trường, khoa tăng cường mọi khâu đào tạo để đưa tiếng Anh vào giảng dạy hoặc hạn định đầu vào phải đáp ứng chuẩn tiếng Anh.

{keywords}

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ  phát biểu tại hội thảo sáng 11/5. (Ảnh: Phạm Giang).

Bên cạnh đó, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng góp ý cho rằng các môn học có sự tương đồng cần xem xét điều chỉnh, nên tồn tại ít môn đào tạo để tăng thời lượng giảng dạy để sinh viên ngấm được bài.

TS Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo VN đánh giá cao tinh thần làm việc khoa học của tổ soạn thảo. Ông góp ý thêm về vấn đề đạo đức, văn hóa, ngôn ngữ của người làm truyền thông đa phương tiên hơn lúc nào hết cần phải được xem trọng. Nếu được cần tách ra, đưa thành những môn học riêng biệt và hội sẵn sàng giúp đỡ nhà trường về giáo trình.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, TBT báo Đại biểu nhân dân cho rằng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cần phải tận dụng tối đa nền tảng về công nghệ và cả bộ chủ quản với hệ thống thực hành mạnh cần phát huy.

Học viện đã định hướng đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện trên diện rộng nhưng cũng cần có chuyên môn sâu, không nên dàn trải. Ông Nghĩa cho rằng học viện  nên chú trọng đào tạo các kĩ năng cụ thể cho người làm truyền thông như xử lí audio,video,vv và phải tập trung vào những "dòng sản phẩm" mang tính bản sắc ví dụ như hướng làm website hoặc làm truyền thông cho các cơ quan, tổ chức.

"Chương trình cần gắn chặt với thực tiễn, về lý thuyết chúng ta cần tin sinh viên có thể tiếp nhận bằng Internet nên có thể chắt lọc để tăng thời gian thực hành, càng sớm đưa người học vào với công việc thực tế, liên tục tạo sức ép trước các tình huống phải xử lí càng tốt." - ông Nghĩa nêu ý kiến.

Các kiến thức như đạo đức, văn hóa, ngôn ngữ truyền thông có thể không cần chia nhỏ thành các môn học mà lồng ghép vào từng bài học, công việc của người học

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết về chủ trương Bộ Thông tin-Truyền thông ủng hộ sự ra đời và phát triển ngành truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trong bối cảnh hiện nay.

Ông đề nghị tổ soạn thảo chương trình cần lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo; quá trình hoàn thiện tổ soạn thảo cần có sự trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực để có chương trình tốt nhất, chuyên nghiệp, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

  • Văn Chung (ghi)