Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.

Đề án có mục tiêu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng; Các huấn luyện viên có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao có trình độ chuyên môn giỏi...phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.

{keywords}
Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 Ảnh:SN)

Về đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia, trong đó, khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế;

600 huấn luyện viên tài năng trong đó khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp.

Về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý tuyển chọn và đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ. Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.

Thực hiện đào tạo trình độ đại học ở trong nước và nước ngoài cho các đối tượng sinh viên của các trường đại học thể dục, thể thao; Các vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương; Các vận động viên đã đạt huy chương có nguyện vọng đi học đại học.

Đối với trình độ thạc sĩ, thực hiện đào tạo ở nước ngoài cho các đối tượng giảng viên, huấn luyện viên giỏi, đã có vận động viên đạt huy chương SEA Games, Asiad, Châu lục, Olympic, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic;

Nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, thi đấu, cơ quan, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao ở trong nước.

Đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài cho các đối tượng giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, thi đấu, cơ quan, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao ở trong nước, có  nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài với các chuyên ngành khó, Việt Nam chưa có khả năng đào tạo…

Chỉ tiêu tuyển chọn hàng năm để đào tạo ở trong nước và nước ngoài, đối với vận động viên từ năm 2019 đến năm 2035, mỗi năm khoảng 220 vận động viên, 35 huấn luận viên thuộc 16 môn thể thao được xác định theo đề án.

Đối với giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên thể thao thành tích cao được đào tạo ở nước ngoài: trình độ đại học, từ năm 2019 đến năm 2031 (13 khóa), mỗi năm khoảng 30 người; Trình độ thạc sĩ, từ năm 2019 đến năm 2033 (15 khóa), mỗi năm khoảng 20 người; Trình độ tiến sĩ, tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2032 (14 khóa), mỗi năm khoảng 10 người...

Nguồn kinh phí thực hiện đề án bao gồm: ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Lê Huyền