Chuyển biến lớn trong tư duy

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ, đạt 87,2% mục tiêu (11 triệu người) của Đề án; trong đó có 5,59 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956, đạt 85,5% mục tiêu (6,54 triệu người) của Đề án trong 11 năm 2010-2020.

Đáng chú ý, sau học nghề số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng xuất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra.

Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng xuất, thu nhập cao hơn.

Số liệu địa thống kê cho thấy, hiện có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã.

{keywords}
Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ngày càng được sử dụng hiệu quả (ảnh: LAD)

Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, hàng năm Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đều có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, cơ sở đào tạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Việc quản lý và sử dụng kinh phí theo Thông tư số 152 được thực hiện đúng đối tượng, đúng quy định và có hiệu quả.

Đặc biệt, báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản. Từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học, những năm gần đây lao động nông thôn ý thức được việc học nghề là để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững, ông Minh đánh giá.

Chỉ đào tạo nghề khi dự báo được việc làm, thu nhập

Ông Nguyễn Hồng Minh cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định tại Thông tư 152, các cơ quan, đơn vị thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, nguồn lực thực hiện còn hạn chế, phân tán. Một số địa phương chưa chú trọng tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg mà chủ yếu trông chờ vào nguồn lực từ trung ương cấp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. 

Cùng với đó, do đặc thù của người khuyết tật nên số lượng người khuyết tật tham gia đào tạo nghề phân tán, việc tập hợp  lớp học theo số lượng quy định là khó khăn, nên các địa phương đang lúng túng trong việc đặt hàng đào tạo, tổ chức đào tạo và thanh quyết toán nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hình thức truyền nghề, vừa làm vừa học…

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết, đơn vị này tiếp tục hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020 (năm cuối cùng thực hiện Đề án). Trong đó, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp. Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học.

Các địa phương thực hiện rà soát, xây dựng danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; xây dựng, phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật danh mục nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng làm cơ sở để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách.

Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu của người dân vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa chuyển dịch cơ cấu lao động và xuất khẩu lao động, đại tiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Châu Giang