- Tại nhiều trường tiểu học, số học sinh nhận được nhận giấy khen cuối năm đã ít lại. Thế nhưng, phụ huynh lại vui vẻ vì con không được giấy khen. 

Hơn nửa lớp được khen hoàn thành xuất sắc

Có con đang học lớp 3 một trường tiểu học tại Hà Nội, chị Thu Hương, Quận Đống Đa, cho biết tổng kết năm học rồi con chị được giấy khen Có thành tích tiến bộ môn Tiếng Anh vì môn Tiếng Anh được 10 điểm.

“Lớp con tôi có 59 học sinh, nhưng chỉ có 35 cháu có điểm các môn cuối kỳ từ 9 trở lên được nhận giấy khen hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện. Những học sinh có điểm dưới 9 thì sẽ khen về từng mặt”.

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Theo chị Hương, dù con được giấy khen từng mặt nhưng chị hiểu đây là cách động viên tinh thần của nhà trường dành cho học sinh. 

“Tôi biết giấy khen ở đây là hình thức, không chỉ trường con mà các trường khác cũng làm như vậy. Điều quan trọng nhất là phụ huynh biết con mình mạnh điểm nào, yếu điểm nào, có những năng lực gì, còn chuyện giấy khen không quá quan trọng”.

Chị Đinh Lan Anh, phụ huynh có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Quận 10, TP.HCM, cũng cho biết trong lễ tổng kết năm học con chị nhận được giấy khen có thành tích vượt trội về môn Toán và Tiếng Việt vì cả hai môn này con chị đều đạt điểm 10.

“Trong lớp nhiều cháu cũng được giấy khen như con. Những học sinh hoàn thành tốt tất cả các môn thì được khen hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Học sinh có 1 môn hoặc 2 môn được điểm 10 được khen có thành tích vượt trội môn…, một số học sinh thì được giấy khen về tiến bộ vượt bậc một môn…”.

{keywords}
Giấy khen 

Lớp con chị Đinh Diệp Anh, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, có 52 học sinh nhưng cũng chỉ có 36 học sinh được khen hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. 

“Lớp con chỉ có hai loại giấy khen, trong đó một là hoàn thành xuất sắc các nội dung học và rèn luyện dành cho học sinh hoàn thành tốt tất cả các môn như con, một là khen những học sinh có tiến bộ trong học tập dành cho những học sinh còn lại. 

Chị Diệp Anh nhận xét theo cách đánh giá năm nay (Thông tư 22), không còn thấy “lạm phát” các kiểu giấy khen như năm trước.

Vừa có kết quả cuối năm anh, Nguyễn Tuấn một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Bình Lợi Trung, Quận Bình Thạnh, TP.HCM đã đăng tải lên trang cá nhân “rất tự hào về con trai đang học lớp 1” khi con anh được khen hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

Số lượng giấy khen đã ít đi

Theo chị Nguyễn Thị Thanh, một phụ huynh có con học lớp 1 ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, lớp con chị có 36 học sinh nhưng chỉ có 10 bé được khen hoàn thành xuất sắc các môn học do điểm tổng kết các môn học đạt từ 9 điểm trở lên. Có 4 học sinh được khen có thành tích vượt trội một môn học, còn 22 học sinh còn lại không có khen thưởng gì.

Còn con chị Nguyễn Thu Thuỷ, học tại Trường tiểu học Trần Quốc Thảo, Quận Tân Bình thì không được giấy khen do môn cao nhất chỉ được 8 điểm, nhưng chị hài lòng với điều này. 

{keywords}

“Con tôi học không thực sự giỏi nên không được khen thưởng là điều bình thường. Tôi rất vui vì kết quả đúng như năng lực của con. Con không học thêm. Cô giáo và nhà trường cũng không tổ chức dạy thêm. Khi ôn thi con cũng chỉ ôn theo những bài đã học chứ không học tủ” - chị Thuỷ chia sẻ.

Theo cô Phạm Thuý Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4, TP.HCM, với việc đánh giá tiểu học theo Thông tư 22, số lượng giấy khen đã ít lại. 

“Nếu trước đây có lớp 100% học sinh đều được nhận giấy khen hoàn thành xuất sắc thì nay số lượng này giảm đi rất nhiều. Lớp nào thực sự có nhiều học sinh giỏi thì cũng chỉ hơn một nửa lớp được khen hoàn thành xuất sắc, điều này đánh giá đúng chất lượng giáo dục hơn” - cô Hà nhận xét.

Tuy nhiên, theo cô Hà, để các em không bị “sốc” vì năm trước được khen còn năm nay lại không, thì ngoài học sinh hoàn thành tốt được khen thưởng nhà trường cũng tặng giấy khen cho học sinh có thành tích vượt trội môn học hoặc có tiến bộ vượt bậc về môn học.

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Thủy, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Trường chúng tôi chỉ phát giấy khen cho các học sinh được đánh giá toàn diện chứ không khen từng mặt, nên mỗi lớp chỉ có từ 10-20 học sinh được khen thưởng”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết “Nhà trường chỉ có 2 loại giấy khen là khen toàn diện và khen từng mặt, gồm khen vượt trội từng môn học và có sự vượt bậc trong kết quả học tập”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay Sở đã có hướng dẫn về cách đánh giá học sinh tiểu học. 

Theo đó, học sinh chỉ được khen thưởng ở mức “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” nếu có kết quả đánh giá tất cả các môn hoàn thành tốt. Ngoài ra, các trường sẽ có giấy khen dành cho học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận. Riêng đối với học sinh lớp 5 các em sẽ được chứng nhận Hoàn thành chương trình tiểu học.

Điều 16 Thông tư 22  Khen thưởng: 

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh: 

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Tuệ Minh - Thanh Hùng