- Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số lượng môn học và không tích hợp môn Lịch sử vào môn Khoa học Xã hội như dự thảo công bố hồi tháng 8 năm 2015.

Tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ 10-12/1, những điểm mới của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình - giới thiệu tới các đại biểu để góp ý trước khi công bố lấy ý kiến rộng rãi.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, điểm mới nhất của dự thảo lần này là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.

{keywords}
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chuyển sang dạy và học theo hướng tích hợp. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Giai đoạn Giáo dục cơ bản sẽ bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục. Cụ thể, cấp tiểu học sẽ gồm các môn học bắt buộc toàn phần là: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán học, GD lối sống, Cuộc sống quanh ta/Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên.

Nội dung bắt buộc có phân hóa (tự chọn module), gồm: Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.

Với cấp THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là ngoại ngữ 2.

Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thực hiện từ cấp THPT gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng nghề nghiệp còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.

Theo GS Thuyết, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp. 

Dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn. 

Ngoài ra, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng là những môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Lớp 11-12 học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Trong trường hợp môn học mà các học sinh chọn không đủ để tổ chức thành lớp học riêng, học sinh có thể học môn đó ở các cơ sở giáo dục khác hoặc thay đổi lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường. Kết quả học tập cơ sở giáo dục khác được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ.

Như vậy, so với dự thảo năm 2015, dự thảo lần này không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó.

GS Thuyết cho biết, căn cứ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì giai đoạn định hướng nghề nghiệp phải giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho việc học sau phổ thông có chất lượng.

Theo đó, nếu như thực hiện đúng Nghị quyết thì phải thay đổi cách dạy ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay do hiện nay học sinh THPT học quá nhiều, dẫn đến quá tải. Vì thế, nhóm biên soạn chương trình mới đã giảm số môn học và cho phép học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp.

"Trong quá trình thảo luận, chúng tôi cũng có những lo lắng nhất định. Để học sinh tự chọn thì khó khăn cho nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu. Tuy nhiên, chúng tôi xác định chương trình giáo dục phổ thông phải vì học sinh trước hết" - GS Thuyết nói. "Dĩ nhiên học sinh chọn môn học dưới sự hướng dẫn của nhà trường, cha mẹ nhưng quyền được lựa chọn, quyết định là của học sinh".

Dạy - học tích hợp, giáo viên sẽ dôi dư

Việc giảm số môn học -  đặc biệt ở cấp THPT và cho phép học sinh tự chọn môn học theo dự đoán sẽ khiến dư thừa một lượng khá lớn giáo viên đang dạy tại cấp học này theo các môn truyền thống.

Trong một cuộc làm việc với các trường sư phạm hôm 7/1 mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì lượng giáo viên THPT sẽ dôi dư khá lớn do số môn học giảm xuống.

Từ đó, ông Nhạ cũng đã đặt hàng cho các trường sư phạm tính toán xây dựng chương trình để đào tạo lại số lượng giáo viên dôi dư này để sử dụng cho các cấp học khác.

Bên cạnh đó, tại hội thảo ngày hôm qua, báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục tại hội thảo cho biết, để triển khai dạy học tích hợp theo chương trình mới có hiệu quả trong bối cảnh nhà trường Việt Nam cần tính khó khăn lớn nhất là chuẩn bị đào tạo và bồi dưỡng GV ở THCS và THPT.

Theo đó, với giai đoạn đầu khi vẫn chấp nhận các mạch nội dung kiến thức theo từng môn "truyền thống" thì mỗi trường THCS chỉ cần lựa chọn và bồi dưỡng một số giáo viên về nội dung và phương pháp dạy học các chủ đề này. Song về lâu dài cần có chiến lược đào tạo lại các giáo viên để có thể dạy được các môn tích hợp.

Tích hợp là phù hợp

Về hướng tích hợp các môn học, báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục nêu ra tại hội thảo cho biết, theo kinh nghiệm các quốc gia thế cho thấy, ở tiểu học, nhiều nước tích hợp cả 2 lĩnh vực KHXH và KHTN thành môn học (có thể là Cuộc sống thông minh hoặc Khám phá thế giới) ở lớp 1, 2, 3. Một số nước tách 2 lĩnh vực trên thành 2 môn học riêng từ lớp 1. Hầu hết các nước xây dựng 2 môn tích hợp KHTN và KHXH ở các lớp 4, 5 và 6.

Ở cấp THCS, các môn học tích hợp là môn Khoa học và Tìm hiểu/Nghiên cứu xã hội được thực hiện ở nhiều nước. Một số nước khác tổ chức nội dung theo các môn học riêng, chỉ tích hợp theo các chủ đề liên môn.

Ở THPT dạy theo từng môn học riêng để thực hiện phương thức tự chọn. Việc tích hợp trong nội bộ các môn học được thực hiện ở cả 3 cấp học.

Từ đó, báo cáo của Viện Khoa học giáo dục cho rằng, quan điểm tích hợp trong chương trình hiện hành là phù hợp và cần phát triển ở mức độ cao hơn. Theo đó, ngoài tích hợp nội bộ môn, cần tích hợp cá nội dung dạy ở một số môn/ lĩnh vực thàh môn học mới.

Cụ thể, tích hợp nội dung các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất thành nội dung Khoa học tự nhiên. Báo cáo cũng đề xuất, về lâu dài nên xây dựng nội dung tích hợp theo xu hướng các nước phát triển, đó là cấu trúc nội dung môn Khoa học thông qua hệ thống các chủ đề tích hợp như: Vật chất, năng lượng, khoa học về sự sống, khoa học trái đất, môi trường… xuyên suốt các lớp học.

Có thể tích hợp Lịch sử và Địa lý và một số nội dung khác thành môn Xã hội. Cấu trúc nội dung tương tự như cấu trúc môn Khoa học.

8 phẩm chất, 2 loại năng lực

Trong dự thảo lần này, chúng tôi xác định lại những yêu cầu cần đạt được về “phẩm chất, năng lực” của học sinh. Bản dự thảo của năm 2015 xác định học sinh phổ thông sẽ có 3 phẩm chất yêu thương, tự chủ, trách nhiệm. Chúng tôi xác định phẩm chất gói gọn trong 8 từ: Nhân ái- Khoan dung, Chuyên cần- Tiết kiệm, Trách nhiệm- Kỷ luật, Trung thực- Dũng cảm.

Các chữ này đều quen thuộc dễ nhớ với người Việt, nhưng có nội hàm mới. Ví dụ như khoan dung không phải là chỉ biết tha thứ mà còn là biết tôn trọng sự khác biệt; tiết kiệm không chỉ là với tài sản, tiền bạc của cá nhân, gia đình mà còn là tiết kiệm của công, tài nguyên thiên nhiên,... để bảo đảm phát triển bền vững. Dũng cảm không chỉ là gai góc trong chiến đấu mà còn là dũng cảm trong nhận thức, đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải; hay tư duy phản biện.

Dự thảo năm 2015 đưa ra 8 năng lực cần đạt được đối với học sinh phổ thông, nhưng lại không cùng một hệ quy chiếu.

Vì vậy, chúng tôi xác định lại 2 loại năng lực: cốt lõi (ai cũng cần để có thể sống và làm việc) và chuyên biệt (chỉ có và cần ở một số người nhất định).

Trong những năng lực cốt lõi thì có hai nhánh: năng lực chung (môn nào cũng cần phải và cũng có thể hình thành và phát triển cho học sinh), gồm tự chủ, hợp tác và sáng tạo.

Nhánh thứ hai là những năng lực đặc thù do một hoặc một vài môn học kiến tạo thành; trong đó có năng lực giao tiếp (gắn với các môn ngôn ngữ, văn học, ngoại ngữ), năng lực thẩm mỹ (gắn với các môn nghệ thuật); năng lực toán học (gắn với toán và các môn khoa học tự nhiên khác); năng lực tin học; năng lực thể chất. 

(Thanh Hùng ghi)

Lê Văn