- Dự thảo mới nhất của Chương trình Giáo dục phổ thông không còn quy định việc giao xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục như trước đây.

Đây là một trong những nội dung mới trong phần định hướng về đánh giá kết quả giáo dục.

Trước đó, trong dự thảo công bố tháng 4 có nêu rõ: Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Điều này được quy định trong mục đánh giá định kỳ, được giao cho các cơ sở giáo dục trong dự thảo cũ.

Điều này có nghĩa, khi Chương trình GDPT mới áp dụng, kỳ thi THPT sẽ không còn. Thay vào đó, việc xét tốt nghiệp sẽ được giao cho các trường. 

Nội dung này đã được báo chí nhắc đến như một điểm mới quan trọng của Chương trình GDPT mới về phương hướng đánh giá kết quả giáo dục phổ thông. Ý tưởng để "các trường phổ thông xét tốt nghiệp" cũng đã được nhiều nhà khoa học, giáo dục nêu ra trước đó.

Trong dự thảo mới, nội dung này được chuyển xuống phần "Điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông".

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Lê Văn.

Cụ thể, trong phần "Điều kiện thực hiện chương trình", có bổ sung thêm nội dung về đánh giá kết quả giáo dục, với nội dung: 

"Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục phải phản ánh mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình; hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực của học sinh.

Việc đánh giá kết quả giáo dục để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm độ tin cậy, trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đồng thời bảo đảm phù hợp với quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội".

Trước đó, tại hội thảo tổ chức hôm 25/7, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, trong dự thảo chương trình đã quy định việc thay đổi cách thức đánh giá, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng thẩm định có ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 cũng đề cập đến việc đổi mới cách thi và đánh giá.

Do đó, nếu quy định ngay trong chương trình GDPT mới thì sẽ liên quan tới luật và nghị quyết. Vì vậy, ban soạn thảo đã chuyển phần "thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh ĐH" từ phần đánh giá sang phần "điều kiện thực hiện chương trình".

Bên cạnh đó, trong phần đánh giá kết quả giáo dục, dự thảo mới bổ sung nội dung nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.

Lê Văn