Đỗ Thanh Hải mới đây nhận được thư thông báo trúng tuyển của 5 trường đại học Mỹ.

Trong số này, có 4 trường chấp nhận đưa ra mức hỗ trợ tài chính cực tốt cho em là Học viện Công nghệ Illinois, ĐH Nebraska-Lincoln, ĐH Ohio State và ĐH Minnesota.

{keywords}

Đỗ Thanh Hải, học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) và mẹ

Bỏ đội tuyển để theo đuổi giấc mơ

Thanh Hải sớm hình thành giấc mơ Mỹ từ những năm học cấp 2 do có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ và bóng rổ. Biết được nước Mỹ sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến bậc nhất, cậu luôn ước mơ một lần đặt chân tới đây.

Năm lớp 11, sau khi được người em họ kể về cuộc sống và môi trường học tập ở Mỹ, Hải quyết định không chần chừ thêm và phải đi du học bằng được.

Khi đó, Hải vẫn đang ở trong đội tuyển quốc gia môn Toán của trường. Đây vốn là kỳ vọng và đích đến được đặt ra từ những năm lớp 10. Nhưng xác định sẽ theo đuổi giấc mơ du học Mỹ, cậu quyết định đánh đổi bằng cách xin ra khỏi đội tuyển, tập trung vào việc ôn thi SAT và IELTS.

Mặc dù lo lắng vì hầu hết những học sinh có ý định đi du học đều chuẩn bị hồ sơ từ sớm, thậm chí từ những năm lớp 8, lớp 9, nhưng Hải cho rằng “cơ hội là do mình tự nắm lấy”. 

Quyết định này của Hải được thầy Hiệu phó Mạc Đăng Nghị rất ủng hộ. Tin tưởng cậu học trò có kỹ năng sống tốt, thầy Nghị cho rằng Hải có thể dễ dàng hòa nhập môi trường mới, và đây chính là cơ hội để cậu phát triển khả năng của mình.

Để chuẩn bị cho việc thi lấy các chứng chỉ xét học bổng, Hải phải lên Hà Nội ôn tập. Thời điểm ấy, khi nhiều ứng viên khác đã nộp xong hết hồ sơ cho kỳ đầu tiên, cậu mới bắt đầu ôn thi SAT.

“Nhiều người nói rằng đã quá muộn để em bắt đầu, em cảm thấy vô cùng lo lắng và áp lực. Em chỉ có 3 tháng để chuẩn bị tất cả, từ IELTS, SAT đến bài luận. Rất may, bố mẹ luôn động viên em thử sức, còn nếu không đỗ năm sau sẽ tiếp tục làm lại”, Hải kể.

Trong suốt khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ, Hải liên tục phải di chuyển giữa Hải Dương và Hà Nội. Ban đầu là mẹ dẫn đi, nhưng đến buổi thứ 3, cậu đề nghị để mình tự xoay sở. Chưa thông thạo đường Hà Nội, Hải tìm cách làm thẻ xe bus tháng. Cứ thế ròng rã, một mình cậu tự bắt tàu lên Hà Nội, sau đó đi xe bus tới lớp học ôn...

Sau 3 tháng quyết tâm ôn luyện, Hải đạt 7.0 IELTS, 1.440/1.600 điểm SAT và 790/800 điểm Toán. 

Với nhiều giải thưởng ở các cuộc thi học sinh giỏi toán trong nước và quốc tế, cùng hồ sơ dày đặc các hoạt động ngoại khóa, Hải đã trúng tuyển cả 5 trường mà cậu nộp đơn kèm theo mức hỗ trợ tài chính từ 75-100%.

{keywords}
Đỗ Thanh Hải cùng bạn bè trong đội bóng rổ

Chọn trường vì ngưỡng mộ Warren Buffett

Những trường Hải giành học bổng đều có ngành học về Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cậu quyết định lựa chọn ĐH Nebraska-Lincoln vì ngưỡng mộ tỷ phú Warren Buffett, cựu sinh viên của trường.

Trong dịch Covid-19, khi nhiều gia đình tính toán việc đưa con đang du học Mỹ trở về Việt Nam, nhưng anh Đỗ Đức Đôn không mấy lo lắng khi con trai chuẩn bị bay sang Mỹ. 

“Tôi cảm thấy yên tâm vì trước khi nhập học, ĐH Nebraska-Lincoln đã có những hướng dẫn chi tiết về các biện pháp phòng dịch cho sinh viên mới, thậm chí còn tỉ mỉ hơn những điều tôi lo lắng” - anh Đôn tâm sự.

Anh cũng khuyên nhủ con trước chuyến hành trình lớn đầu đời: “Bất kỳ khi nào có cơ hội, con nên trải nghiệm việc đi làm thêm để thực sự hòa nhập với xã hội Mỹ”.

Còn chị Khương Thị Thủy (mẹ của Hải) tin tưởng với tính chủ động và luôn biết cách hòa nhập, con trai sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống mới.

Chị Thủy chia sẻ “Trước khi đến Mỹ, con đã tham gia vào nhóm sinh viên mới của trường. Trường con có quy định tất cả sinh viên năm đầu đều phải ở trong ký túc xá, và con đã chủ động xin ở cùng với một bạn người Mỹ sống tại Nebraska để thuận tiện hơn. Con cũng tự kết nối với du học sinh Việt để hỏi thăm tình hình, trang bị những kỹ năng cần thiết cho bản thân trước khi đi. Những điều này khiến người làm mẹ như tôi phần nào yên tâm”.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuộc sống ở xứ lạ, Hải nhờ mẹ dạy nấu một vài món ăn đơn giản.

“Em biết khi sang bên kia sẽ có khó khăn và nhiều điều mới lạ mình chưa từng trải qua. Điều đó càng tạo động lực và khiến em muốn khám phá để vượt qua giới hạn của bản thân. Em luôn cố gắng trang bị đầy đủ mọi thứ có thể trước khi bắt đầu một điều gì mới”, Hải nói.

Hải kỳ vọng quá trình học tập tại Mỹ sẽ là hành trang tốt để chinh phục ước mơ trở thành lập trình viên giỏi.

Thúy Nga

Nữ sinh tỉnh lẻ và hành trình giành học bổng 15 ĐH Mỹ

Nữ sinh tỉnh lẻ và hành trình giành học bổng 15 ĐH Mỹ

Nhận thấy hạn chế của học sinh tỉnh lẻ, Dương Bảo Tiên quyết thay đổi bằng cách tham gia và tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Nữ sinh thể hiện tinh thần tiên phong và mong muốn đóng góp cho cộng đồng để tạo ấn tượng với các trường.