Mới đây, thông báo về việc sơ tuyển của Học viện Tòa án, ngoài các tiêu chuẩn về chính trí, phẩm chất đạo đức thì yêu cầu thí sinh nữ phải có cân nặng từ 48 đến 60 kg, thí sinh nam không quá 80kg khiến nhiều người “té ngửa”, thậm chí cho đó là một sự kỳ thị.

Cách đây không lâu, một trường đại học sư phạm cũng khiến dư luận xôn xao khi đưa ra dự kiến tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019 với điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên là: Nam phải cao từ 1,55 m trở lên; nữ phải cao từ 1,50 m trở lên. Sau đó, trường đã nhanh chóng rút lại dự định này.

Thực tế, những yêu cầu trong tuyển sinh về sức khỏe, ngoại hình như cân nặng, chiều cao, cận thị, không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính,... chẳng phải quá xa lạ và đến bây giờ mới có.

Ở các ngành, trường về thể dục thể thao, công an, quân đội cần các tiêu chí đó là điều dễ hiểu bởi tính chất đặc thù, liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, rèn luyện và tính chất công việc.

Thể lực cần cho ngành công an, quân đội để đảm bảo cho việc tập luyện. Nghề bác sĩ cần tỉ mỉ và chi tiết thì hạn chế cận thị,...

Nhưng đưa ra quy định về chiều cao, cân nặng đối với công việc đòi hỏi nhiều hơn và quan trọng hơn về các tiêu chuẩn khác (kiến thức, kỹ năng) với các công việc như giáo viên, kiểm sát viên, chuyên viên pháp chế,... là điều khó hiểu.

Chiều cao của mỗi người đến tuổi trưởng thành có thể khó thay đổi, nhưng tiêu chí về cân nặng thì có vẻ không hợp lý, thậm chí phi lý.

“Đi sơ tuyển gắng giảm xuống dưới 60 kg để trúng tuyển rồi vào học lên quá 60 thì vẫn vậy”- đó là suy nghĩ đơn giản nhất mà nhiều người nghĩ đến ngay khi tiếp nhận quy định này.

Đó là chưa kể đến chuyện, với những nữ sinh có chiều cao từ 1m7 trở lên thì 60kg cũng không phải là một chỉ số gì đó “vượt ngưỡng” hay mất thẩm mỹ để đưa vào làm giới hạn.  

“Đứa bạn tôi cao trên 1m7 và cân nặng hơn 60kg nhìn tổng thể vẫn thấy còm nhom” - một độc giả thốt lên như vậy.

Một trong những cơ quan quản lý liên đới nhất trong việc tuyển sinh của các trường là Bộ GD-ĐT thì cho hay trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.

“Các quy định do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường, song phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay.

Nói như vậy, quyết định đưa ra điều kiện sơ tuyển như thế nào gần như các trường được chủ động và phụ thuộc vào định hướng, tầm nhìn của những người đứng đầu nhà trường.

Tiêu chí về hình thể và thẩm mỹ là điều mà bất kỳ ai cũng muốn hướng đến.

Nhưng có lẽ cần tùy công việc, ngành nghề đào tạo và quan trọng hơn là khả năng của nhân lực có đáp ứng được với đòi hỏi của nghề nghiệp chứ không phải chiều cao hay cân nặng.  Nhất là những nghề được cho là có sứ mệnh thực thi công bằng xã hội, xóa bỏ kỳ thị thì càng phải biết "nói không" với những ý tưởng khó hiểu đó.

Thanh Hùng

 

"Một số nội dung cần phải xem lại"

Những điều kiện này có lẽ nhằm hướng tới một nguồn nhân lực không chỉ có sức khỏe, bản lĩnh đạo đức mà còn có hình thức đẹp, đồng đều khi ra trường. Tuy nhiên, nên hạn chế có những quy định có tính chất rào cản để đảm bảo các quyền bình đẳng, tự do của công dân trong lĩnh vực học tập. 

Học viện Tòa án hiện nay do Tòa án nhân dân tối cao quản lý, tuy nhiên không phải chỉ đào tạo cán bộ cho ngành tòa án. Nói cách khác, không phải mọi sinh viên ở trường này đều ra trường để làm thẩm phán, cán bộ tòa án.

Hiện nay có những quy định riêng về thi tuyển công chức, thi tuyển thẩm phán. Bởi vậy nếu có những quy định yêu cầu về chiều cao, cân nặng, lý lịch.. đối với các học viên Học viện này là không thực sự cần thiết. Những quy định về chiều cao, cân nặng, tiêu chuẩn đạo đức cụ thể nên quy định hoặc khuyến khích đối với đối tượng làm việc trong ngành tòa án như thẩm phán, cán bộ tòa án. Khi tuyển dụng thẩm phán hoặc tuyển dụng cán bộ tòa án mới có thể đưa ra những tiêu chuẩn này hoặc những quy định khác cho phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực.

Còn việc đào tạo thì nên để cơ hội rộng hơn cho mọi người đều có quyền được học tập, quy định "cứng" sẽ cản trở quyền học tập của các công dân. Những quy định này chỉ nên để ở mức độ khuyến khích chứ không nên cấm đoán, hạn chế một cách cứng nhắc như vậy.

Chiều cao, cân nặng của con người không phải bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, đặc biệt là việc béo hay gầy, thay đổi trọng lượng cơ thể. Có những học sinh, sinh viên thường thấp bé, gầy nhưng khi trưởng thành, trở thành cán bộ lại to béo quá khổ, hoặc có những em sinh viên to béo nhưng khi ra trường đi làm lại có thể giảm cân.

Bởi vậy đưa thêm các quy định giao cảm về chiều cao, cân nặng cũng có thể nảy sinh những tiêu cực khi cần đo, gây tác động tâm lý không tốt...

Đưa ra những quy định về chiều cao, cân nặng trong một cơ sở đào tạo luật như vậy là không hợp lý. Hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo cử nhân luật và tất cả học viên các cơ sở này đều có thể được thi tuyển, tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ tòa án, làm thẩm phán chứ không riêng gì sinh viên tốt nghiệp từ Học viện Tòa án. Bởi vậy học viện này cũng không nên đưa ra một quy định tiêu chuẩn về hình thể riêng. Chưa kể, những người đạt tiêu chuẩn theo quy định đó cũng không phải là hình thể lý tưởng, chưa chắc đã có sức khỏe tốt. - Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. 

 

 

Học viện Tòa án không tuyển nữ sinh trên 60 kg

Học viện Tòa án không tuyển nữ sinh trên 60 kg

Học viện Tòa án sơ tuyển thí sinh nữ phải có cân nặng từ 48 đến 60 kg, thí sinh nam không quá 80kg.