Thực trạng này được nêu ra trong tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp” do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn tổ chức ngày 23/3.

Các trường lớn liên tiếp không tuyển đủ chỉ tiêu

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Tuy nhiên, ở các cơ sở giáo dục đại học, để đạt được tỉ lệ trung bình trong khu vực khoảng 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần ít nhất 6 – 7 năm nữa với khoảng 17.000 tiến sĩ.

{keywords}

Các diễn giả trong tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường - doanh nghiệp”

Thực tế, các trường đại học lớn ngày càng khó tuyển sinh sau đại học. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh thạc sĩ của trường khoảng 2000/năm, nhưng nay đã giảm xuống còn 500 - 600, tức chỉ còn 1/4 so với trước đây và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp.

Với năng lực đào tạo của trường có gần 800 tiến sĩ trong đội ngũ giảng dạy, hơn 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, con số 500 – 600 theo GS Sơn là rất ít (bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh đại học). Đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm khoảng 100 người mỗi khóa và tốt nghiệp khoảng 60 – 70.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học sau đại học giảm đáng kể. Những năm trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400 học viên, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 mỗi khóa.

Người học vừa nghiên cứu vừa... lo “cơm áo”

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, trong số các nguyên nhân, không thể phủ nhận rằng hiện nay đang có một khoảng chênh lệch trong xét tuyển đầu vào giữa các trường.

Có em thi vào trường tôi tới 6 lần vẫn không đỗ nhưng thi trường khác thì đỗ ngay”, PGS Dũng lấy dẫn chứng.

Với tâm lý muốn có tấm bằng nhưng nhiều trường công lập kiên quyết “giữ” chất lượng thì việc lựa chọn  những chương trình tại các trường tư lại khiến thu hút người học hơn.

{keywords}

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Còn theo PGS Hoàng Minh Sơn, nhiều sinh viên hiện nay lựa chọn theo hướng tiếp tục học cao học ở nước ngoài như Đài Loan hay Hàn Quốc bởi họ được hỗ trợ học bổng khá cao.

“Nếu phải lựa chọn học 4,5 năm đại học ra để kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình hay đầu tư 1,2 năm nữa vừa phải trả học phí, vừa trả chi phí sinh hoạt, thậm chí ở một số nơi phải tự trả chi phí nghiên cứu thì rõ ràng các em không thể lựa chọn môi trường trong nước nếu không có sự hỗ trợ gì.

Trong khi đó, nhiều trường đại học nước ngoài đến mời chào các em, mặc dù có những trường “ranking” thấp hơn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng họ lại có những chính sách hỗ trợ cho học viên. Như vậy, các em sẽ lựa chọn đi học ở nước ngoài vì vừa có trải nghiệm mới lại vừa được trả tiền để đi học”, PGS Sơn nói.

Điều này cũng được PGS Mai Thanh Phong đồng tình, bởi rất nhiều sinh viên giỏi của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sau khi học xong lại lựa chọn ra nước ngoài để học cao học.

“Rõ ràng, chất lượng đào tạo trong và ngoài nước có sự khác biệt. Chúng ta chỉ có một cách là cải thiện môi trường giáo dục trong nước tốt hơn để cạnh tranh với cơ sở đào tạo nước ngoài”.

Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, nếu vào những trang tuyển dụng lớn có thể thấy rất ít vị trí yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà chủ yếu yêu cầu kĩ sư, cử nhân có nhiều năm kinh nghiệm.

“Sinh viên không có lý do gì khi thấy yêu cầu như vậy lại đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ”, ông Bùi Thế Duy nói.

Học lên chỉ thêm một số môn nâng cao so với đại học

Bàn về giải pháp thúc đẩy đào tạo sau đại học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. Tại khá nhiều trường, chương trình còn thiết kế theo kiểu làm nghiên cứu nhưng học rất nhiều; thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu còn ít. Điều này khiến người học sễ bị chán.

“Ví dụ như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế chương trình kỹ sư theo mô hình của châu Âu là 5 năm. Chúng tôi tin rằng sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có kỹ năng và cơ hội việc làm rất tốt.

Tuy nhiên, kỹ sư không phải theo định hướng nghiên cứu. Các em thấy rằng nếu học lên sau đại học chỉ thêm một số môn nâng cao, giá trị gia tăng sẽ mang lại sẽ không lớn. Do vậy chính các trường cũng phải thay đổi chương trình.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Mai Thanh Phong, bản thân các trường cần nhìn nhận lại chính mình đã đào tạo đáp ứng yêu cầu không. “Trên thực tế, chương trình đào tạo của chúng ta vẫn theo lối mòn từ bậc đại học nâng lên thành sau đại; bậc đại học có gì sau đại học sẽ có cái đó. Chúng ta chưa thiết kế chương trình linh động theo nhu cầu biến đổi của thị trường và xã hội”, ông Phong nhìn nhận.

Còn theo ông Đỗ Văn Dũng tại các nước như Anh hay Úc, việc đào tạo đại học chỉ diễn ra từ 3 – 3,5 năm và học những kiến thức chung. Kiến thức sau đại học là học những chuyên ngành hẹp, ví dụ ngành Kỹ thuật ô tô ở Úc sẽ không được tìm thấy trong chương trình đào tạo đại học. Trong khi ở Việt Nam, khi học đại học ra các em có đủ kiến thức hẹp nên không có nhu cầu học sâu thêm. Đó cũng là một nguyên nhân.

Thúy Nga

Cô gái Tày từng không biết tiếng Kinh là Giám đốc quản lý Khóa cao học tại Anh

Cô gái Tày từng không biết tiếng Kinh là Giám đốc quản lý Khóa cao học tại Anh

 - “Tuổi thơ của mình gắn với núi rừng, đồng áng, cuộc sống hoàn toàn biệt lập với thế giới xung quanh. Nhưng dù khó khăn, những đứa trẻ miền núi như mình vẫn sống tự do và hồn nhiên như cây cỏ”.