Năm 2004, trong chương trình thi tay nghề ASEAN, một sinh viên đến từ Việt Nam đã xuất sắc giành được huy chương vàng với phần thi nghề Mộc mỹ nghệ. Người đó là anh Hoàng Nhân Thắng (SN 1985 - Đông Phương, Đông Hưng, Thái Bình).

Mới đây, anh Thắng cùng 9 người nữa đã vinh dự trở thành "Đại sứ kỹ năng nghề” đầu tiên của Việt Nam, nhằm góp phần quảng bá, tuyên tuyền và tôn vinh giá trị, vai trò của giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong tình hình mới, góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

{keywords}
Thầy giáo Hoàng Nhân Thắng (áo đen) đưa học sinh giỏi đi thi tay nghề

Tiêu chuẩn để lựa chọn đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam là các cựu thí sinh có thành tích xuất sắc tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế: Huy chương đồng trở lên đối với kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc trở lên đối với kỳ thi Kỹ năng nghề châu Á và thế giới.

Anh chia sẻ: “Tôi rất vui mừng, cảm thấy may mắn và tự hào khi được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn làm đại sứ kỹ năng nghề”.

Bước ngoặt của nam sinh nghèo

Đã 16 năm trôi qua nhưng cảm xúc của ngày nhận huy chương vẫn vẹn nguyên trong lòng người con quê lúa. Anh Thắng nhớ lại, “Sản phẩm tôi dự thi tay nghề ASEAN năm 2004 là gia công sản phẩm Tủ đầu giường với thời gian 12h”.

Ngược về ký ức xa hơn, anh cho biết, mình sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tốt nghiệp Cấp 2, mẹ anh mắc trọng bệnh, nằm liệt giường, tình cảnh càng túng quẫn. Cũng vì thế, dù thi đỗ Cấp 3 nhưng anh không thể tiếp tục theo đuổi việc học văn hóa và đành nghỉ ở nhà, xác định học nghề nào đó để có thể tự kiếm sống. 

Trong lúc tìm con đường đi cho mình, trường Công nhân kỹ thuật Chế biến gỗ Trung ương (Hà Nam) tuyển sinh, anh mạnh dạn nộp hồ sơ. Trong 2 năm học, nhờ bản thân nỗ lực, anh được thầy cô dìu dắt, bồi dưỡng và chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Anh tiếp tục tham gia luyện thi cấp Bộ, cấp Quốc gia và giành giải Nhất cả 2 cuộc thi. Sau đó, anh đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và giành huy chương vàng. Với thành tích đáng tự hào đó, tháng 10/2004, anh Thắng được trường giữ lại làm giảng viên dạy thực hành và huấn luyện học sinh giỏi.

Từ đây, anh quay trở lại con đường học văn hóa, hoàn thành chương trình Cấp 3 và học đại học. Năm 2007, Tổng cục Giáo dục dạy nghề lựa chọn anh là thí sinh xuất sắc nhất tham dự kỳ thi tay nghề thế giới.

“Việc trở thành thầy giáo đối với tôi là điều bất ngờ. Ngày học hết Cấp 2, tôi nghĩ đơn giản là kiếm cái nghề, nuôi bản thân, giúp đỡ bố mẹ. Tuy nhiên, quyết định này đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời tôi”, thầy giáo Thắng bộc bạch.

Đại học không phải con đường duy nhất để thành công

Năm 2010, thầy giáo 8X Hoàng Nhân Thắng chuyển công tác về trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Hữu Lũng, Lạng Sơn) dạy học. Ở môi trường mới, anh tiếp tục phát huy khả năng của mình, đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề. Hiện tại, anh đảm nhận vị trí Tổ trưởng bộ môn Mộc xây dựng và trang trí nội thất của khoa chế biến gỗ. 

Tháng 3/2020 vừa qua, trong cuộc thi Kỹ năng nghề cấp Bộ, 2 học sinh do anh trực tiếp huấn luyện đã đạt giải Nhất và sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi Kỹ năng cấp Quốc gia vào cuối tháng 8 này.

{keywords}
Anh Thắng và 2 học trò đã giành được giải Nhất trong cuộc thi kỹ năng nghề cấp Bộ năm 2020

Anh nhận định, thế hệ trẻ hiện nay vẫn cho rằng, học đại học mới là con đường đúng đắn, có tương lai. Bản thân các bậc phụ huynh cũng thường có tâm lý cho con thi vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên học xong ra trường đi làm trái ngành hoặc khó xin được việc đúng sở thích, năng lực. Người ta nói, thừa thầy, thiếu thợ là ở chỗ đó. Cuối cùng, tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khó tìm được việc làm khá cao. 

"Ngành tôi đang đào tạo có nhiều doanh nghiệp qua liên hệ, tuyển chọn người về làm. Bởi họ đang thiếu trầm trọng nhân lực được đào tạo nghề bài bản, kỹ năng đáp ứng được công việc, đứng trên dây chuyền sản xuất", thầy giáo 8X cho biết.

Anh Thắng khẳng định, 90% học sinh học nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Mộc xây dựng và trang trí nội thất sau khi tốt nghiệp đều sống được bằng nghề. Nhiều học sinh còn sang Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan lao động đúng ngành, theo diện xuất khẩu lao động hoặc du học nghề. Đến nay, họ khá thành đạt. 

"Tôi nghĩ, cuộc sống có nhiều lựa chọn, nhiều con đường để mỗi người phấn đấu và đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Học nghề nào cũng vậy, chỉ cần say mê, tâm huyết với nó, một ngày bạn sẽ được đền đáp xứng đáng", đại sứ kỹ năng nghề mộc mỹ nghệ bày tỏ. 

Với tư cách là Đại sứ kỹ năng nghề, anh Thắng cho rằng, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp là sự gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, gọi chung là đào tạo kép. Tức là, sinh viên ngay từ khi học nghề đã có thể yên tâm về đầu ra, tốt nghiệp đảm bảo có việc làm. Ngược lại, nhà trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cung ứng cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, anh thừa nhận, vấn đề đào tạo kép hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc về phía chính sách, các quy định, văn bản do còn là mô hình mới ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh, việc đưa công nghệ thông tin, số hóa vào đào tạo nghề là rất cần thiết. Như vậy, học sinh được học thiết kế, đồ họa, lập sơ đồ sản xuất cho sản phẩm mới trên máy tính, tham khảo các mô hình, sản phẩm bên nước ngoài...

Hồng Phượng