Gần đây, sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018, một loạt các đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn sử dụng hình ảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia làm ngữ liệu đọc hiểu hoặc vấn đề nghị luận.

Cập nhật hay bất cập?

Mới đây nhất, đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) yêu cầu "viết đoạn văn, trình bày suy nghĩ về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

Hay Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đã chọn bài thơ "Mẹ đâu? Mẹ đâu?" viết về cầu thủ Anh Đức làm ngữ liệu của đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 11.

Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM) đưa câu nói của HLV Park Hang-seo vào đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 10.

Đề thi học kỳ I của lớp 11 Trường THPT Chuyên Sơn La, giáo viên cũng đã đưa nhóm nhạc BTS và ông Park Hang Seo vào để hỏi về việc "mỗi người khi đi ra nước ngoài đều là đại sứ văn hoá, còn chúng ta, khi xuất cảnh đã làm được gì?".

Sự xuất hiện "ồ ạt" với mức chất lượng khác nhau của các đề thi này đã tạo sự hứng thú cho học sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống hay là sự lạm dụng chất liệu từ những vấn đề hot dẫn đến hiệu ứng ngược là câu hỏi cần giải đáp thấu đáo.

{keywords}
HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam nhận cup vô địch AFF Cup 2018

Một giáo viên ở Nam Định nhìn nhận đó là những đề thi theo phong trào, không khoa học và bản thân anh không ủng hộ.

"Ví dụ như đề thi của Trường THPT Nguyễn Du không có sự logic, liên kết nào giữa đá bóng giỏi, vô địch giải bóng đá với "có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc" hay "sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần"" - thầy giáo này nhận xét.

“Để học sinh quan tâm đến các vấn đề thời sự, gắn với thực tiễn cuộc sống là điều cần thiết. Nhưng không nên khiên cưỡng khi gán các giá trị hay bài học vào sự kiện. Văn bản phải hài hòa chuẩn mực, bài học phải để học sinh tự rút ra sẽ hiệu quả hơn chứ suy luận ra những vấn đề quá to tát và yêu cầu viết trong đoạn văn 200 chữ gây khiên cưỡng, gò ép”.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ sự không hài lòng khi nhiều tờ báo khen ngợi hết lời một số đề kiểm tra học kỳ I liên quan tới đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Theo ông Thống, có những đề thi mà lập trường và tư tưởng của người ra đề đã lấn át khoa học, làm cho đề văn vừa dài dòng vừa sai về nội dung bàn luận.

“Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải biết thể hiện tình cảm và suy nghĩ của mình trước 1 ý kiến, 1 vấn đề hay 1 sự kiện của đời sống. Đó là đổi mới đáng trân trọng của chương trình Ngữ văn hiện hành. Việc yêu cầu học sinh phát biểu xung quanh sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 không sai. Nhưng, ví dụ như với đề của Trường THPT Nguyễn Du, lẽ ra đề chỉ nên nêu là: “Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018” là đủ và đúng (hay thì chưa phải). Tuy nhiên, có lẽ do sợ nêu như thế chưa thể hiện được lập trường, tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc… nên người ra đề cho thêm phần sau rất dài để làm rõ đặc điểm, phẩm chất của “lứa cầu thủ” này" - ông Thống phân tích.

Theo ông Thống, chính vì thế mà thành đề hỏng. "Bởi thứ nhất, câu nghị luận xã hội chỉ 2/10 điểm và học sinh chỉ có khoảng 20 phút để viết; vậy làm sao mà phát biểu tình cảm và suy nghĩ về nhiều vấn đề thế được? Trong khi lẽ ra chỉ tập trung vào 1 ý, đó là “sự cống hiến hết mình của các cầu thủ”, thì học sinh sẽ phải bàn sang cả “tình yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

Chưa kể, nội dung nêu thêm vế sau như thế sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới yêu nước và tự hào, tự tôn dân tộc như thế, còn tất cả các cầu thủ trước đây thì không?

Thứ ba, bóng đá chỉ là bóng đá thôi. Đành rằng các cầu thủ vào trận với tất cả sự hăng say, quyết thắng bởi màu cờ sắc áo… và đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng đừng vội khái quát, khoác lên cho trận đấu bóng nhiều mỹ từ bóng lộn, nhiều chữ nghĩa thiêng liêng như “ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc”...

Đừng để cảm xúc lấn át khoa học

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thì cho rằng cần phải xác định rõ là đề nghị luận xã hội cập nhật hay bất cập.

"Đề thi trong nhà trường dành cho đối tượng học trò, do đó bên cạnh yêu cầu cập nhật cuộc sống đương đại, vẫn đặc biệt cần tính chuẩn mực và sự cẩn trọng khi chọn ngữ liệu, xác định vấn đề nghị luận… để đảm bảo các yêu cầu về nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ".

Theo đó, cô Tuyết cho rằng rất cần có tiếng nói cảnh báo của công luận về những đề văn cập nhật thời sự mà bất cập với giáo dục học đường.

{keywords}
Đề Ngữ văn gây tranh luận của Trường THPT Nguyễn Du 

“Không chỉ có những đề thi về đội tuyển bóng đá Việt Nam như vừa qua, mà năm 2013, đề thi chọn học sinh giỏi Văn của Sở GĐ-ĐT Hải Phòng có câu: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à? Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng) khi trả lời một trang mang xã hội cũng thẳng thắn: Tôi ước mơ có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền. Từ những hiện tượng trên, anh/ chị hãy viết một bài văn về chủ đề: Tiến bộ xã hội và ước mơ đai gia của cô gái trẻ.

Năm 2015, ca khúc Thái Bình mồ hôi rơi do Sơn Tùng sáng tác và trình bày đã được đưa vào đề thi học kỳ II môn Ngữ văn lớp 9 của Trường THCS Diêm Điền (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với yêu cầu viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ câu hát: Chạy theo đam mê, con sợ con quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời, con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ.

Năm 2017, đề thi Ngữ văn lớp 11 Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích bài hát Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng.

Với những đề trên, có thể thấy người ra đề đã lạm dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm... Đề bài dù có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không có giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm đạo đức tích cực vốn luôn là nhiệm vụ sư phạm của nhà trường. Những ngữ liệu, học liệu đưa vào các đề thi, đặc biệt các đề thi có tác động lớn tới tâm thế cộng đồng luôn phải đảm bảo tính chuẩn mực, tính sư phạm, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo và quan điểm cá nhân nhưng cũng không được làm phương hại tới mục đích cao nhất của giáo dục là hướng tới Chân -  Thiện - Mỹ. Do vậy, từ bản thân các phát ngôn, ca từ, hiện tượng xã hội… cho đến nguồn gốc xuất xứ luôn cần có sự lựa chọn thấu đáo, thận trọng trước khi trở thành ngữ liệu, học liệu" - cô Tuyết nói.

Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng vừa chọn bài thơ "Mẹ đâu? Mẹ đâu?" viết về cầu thủ Anh Đức làm ngữ liệu của đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 11. Trao đổi với VietNamNet, một số giáo viên băn khoăn: Về lựa chọn ngữ liệu: Có đủ độ tin cậy về độ chuẩn của nội dung và hình thức khi có những câu, ý khá cũ kĩ, thô vụng? Bài thơ rất mới, đặt ra vấn đề có ý nghĩa và cảm xúc chân thành nhưng đã có sự chau chuốt, lọc đãi cẩn trọng của chính tác giả và bạn đọc có chuyên môn để xứng đáng là ngữ liệu chuẩn chưa?

Theo cô Tuyết, cần rút ra bài học cho việc ra đề, tôn trọng học trò và cuộc sống và tuyệt đối không cho ra những đề bài khiến các em thấy mơ hồ, nghi hoặc, phản cảm về những giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc sống.

Ông Đỗ Ngọc Thống cũng mong rằng các thầy cô giáo dạy văn suy nghĩ cẩn trọng trước khi ra đề cho học sinh bàn luận.

“Xin báo chí cũng đừng vội tung hô những đề văn non nớt và nông cạn như thế nữa”, ông Thống chia sẻ.

Thanh Hùng

Hình ảnh cầu thủ Quang Hải bị thương vào đề thi môn hóa học

Hình ảnh cầu thủ Quang Hải bị thương vào đề thi môn hóa học

Hình ảnh cầu thủ Quang Hải được các nhân viên y tế dùng bình xịt tê để giảm đau trong trận chung kết lượt về tại AFF Cup 2018 đã vào đề thi học kỳ môn Hóa học lớp 10.

Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019: Giảm dần độ khó, phần lớn kiến thức lớp 12

Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019: Giảm dần độ khó, phần lớn kiến thức lớp 12

Nhiều giáo viên nhận định đề thi minh hoạ THPT quốc gia 2019 dễ thở hơn năm 2018, phần lớn kiến thức thuộc chương trình lớp 12.