Thư khẩn cầu gửi tới Thủ tướng, các bộ ngành và UBND các tỉnh thành, nhấn mạnh các cơ sở giáo dục "rất đồng cảm và ủng hộ các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nghiêm túc thực hiện các quyết định tạm đóng cửa các cơ sở giáo dục". Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản.

Theo các cơ sở này, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi,...

"Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc. Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang chịu áp lực lớn. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoảng 80-200 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây. Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh)".

Các chủ trường cho rằng, nếu không có sự can thiệp mạnh thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng. Hiện tại, những cơ sở này đang phải dùng đủ mọi cách tự xoay sở nguồn vốn, kể cả dùng tiết kiệm của gia đình.

Do đó, các trường đã đề nghị Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chẳng hạn: Trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên. Đối với các trường phổ thông dân lập, đề nghị cho phép học sinh được đi học như các trường phổ thông quốc tế.

Thứ hai, tạo điều kiện miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, xem xét giảm lãi suất cơ bản; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Cùng với đó, chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng chấp thuận các các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng từ 3 tới 6%/năm trong năm 2020, 2021.

Ngoài ra, công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Thanh Hùng