Thông tin Bộ Y tế cho biết từ năm 2021 các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp đã gây phản ứng nhiều chiều từ các trường đào tạo trung cấp ngành y dược.

{keywords}
Thí sinh thi đại học năm 2015. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Vũ Đức Khôi, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung cấp Y Hà Nội tỏ ra khá bình thản trước thông tin này.

Trước đây, trường có khoảng 1,5 nghìn học sinh. Nhưng năm vừa rồi tuyển sinh khó khăn, nên hiện nay trường chỉ có khoảng 1 nghìn học sinh. Ông Khôi cho biết trường đã có lộ trình nâng cấp lên CĐ. 

“Chẳng qua trước đây “đẻ” ra nhiều trường quá thì bây giờ bắt co lại. Trường nào sống tiếp được thì sống, không tự sống được thì sát nhập hoặc chịu chết hẳn” – ông Khôi nhận xét và cho biết “Trường tôi đang hoạt động ở năm thứ 7, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cấp lên CĐ, nếu chuẩn bị xong đầy đủ điều kiện sớm thì là năm sau, chậm thì sẽ khoảng 3 năm nữa”.

Tuy nhiên, theo ông Khôi, khi Bộ Y tế thực hiện điều này sẽ gặp nhiều vấn đề vướng mắc. Cụ thể hóa các quy định ra sao sẽ khó khăn.

“Một là nâng cấp, hai là… giải tán” – ông Nguyễn Đức Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Phạm Ngọc Thạch cũng đồng quan điểm.

“Năm vừa rồi chúng tôi chỉ tuyển được 400 học sinh, bằng 50% so với năm trước đó. Với xu hướng như hiện nay, học sinh ít ra cũng chọn vào cao đẳng chứ không còn muốn học trung cấp”. Ông Khôi cũng cho rằng theo xu thế hội nhập thế giới thì không có hệ trung cấp. “Vậy thì trường trung cấp cứ chuyển lên hệ cao đẳng, hai hệ đào tạo này chẳng qua là khác nhau về tên gọi và thời gian đào tạo. Trước đây cũng có thời gian trung cấp đào tạo 3 năm, sau mới rút còn 2 năm”.

Ông Khôi chia sẻ quan điểm “Người hoạch định chính sách cần phải suy nghĩ kỹ trước khi có quyết sách, đưa ra quyết định phải đi kèm với giải pháp khi thực hiện. Các quy định không được gây khó khăn cho các trường hay tạo nhũng nhiễu khi thực hiện”.

Không thể 5 năm mà làm được

Bà Lê Thị Hồng Hoa, hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác lại khá bức xúc khi đề cập tới vấn đề này.

Bà Hoa cho rằng khi Bộ Y tế muốn tới năm 2021 không nhận nhân lực có trình độ trung cấp sẽ nảy sinh hai vấn đề.

“Từ vài năm nay, ngành y tế hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng có chủ trương không nhận trung cấp, CĐ, nhưng có thực hiện được đâu. Đó là hai thành phố lớn, có số lượng bác sĩ, nhân lực qua đào tạo cao đẳng lớn, nhưng do nhu cầu của xã hội, của người dân mà vẫn phải nhận.

Trong mỗi bệnh viện có những vị trí cũng chỉ cần đến trình độ trung cấp chứ chẳng cần tới đại học, cao đẳng”.

Bà Hoa nhận xét Bộ Y tế không nghiên cứu sâu, không có các số liệu, căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn nào cả.

“Bộ có thống kê hiện nay lực lượng cán bộ có trình độ trung cấp trên toàn quốc đang là bao nhiêu người không? Trong vòng 5 năm tới có bao nhiêu người về hưu, những lực lượng này thay bằng những người tuyển mới phải có trình độ ĐH, CĐ có đủ không?

Các trường ĐH, CĐ y dược hiện nay có bao nhiêu chỉ tiêu, năng lực đào tạo có đáp ứng được nhu cầu về số lượng không?” – bà Hoa đặt câu hỏi.

Riêng đối với ngành y học cổ truyền mà trường tôi đang đào tạo, thì cũng đã có ý kiến bảo trường tôi chuyển đổi lên cao đẳng. Tôi chưa tính đến chuyện này, nhưng xin thưa rằng muốn lên cao đẳng cũng phải có lộ trình. Muốn nâng cấp lên cao đẳng, về tiêu chí giảng viên, trường tôi đủ số lượng và hầu hết đã có trình độ sau đại học, nhưng còn cơ sở vật chất, đất đai, tiền đầu tư…. Lấy đâu ra ngay?

Theo bà Hoa, với một quyết định như thế này phải có lộ trình từ 10 – 15 năm, chứ không thể nào chỉ 5 năm mà làm được. “Phải có những hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt, phải có ý kiến của chính các bệnh viện, nhất là các bệnh viện vùng sâu vùng xa, khi hiện nay chả có mấy bác sĩ nào chịu về…”.

  • Ngân Anh

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ ngày 25/2 thì Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.

Từ thời điểm kể trên các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng.

Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

Theo thông tin này, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa VN và các nước ASEAN. Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ CĐ, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ ĐH trở lên.

Theo ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, thời gian gần đây các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Ông Tác cho rằng với nhóm nhân lực kể trên, sẽ sớm có biện pháp điều phối và đào tạo để “xuất khẩu” điều dưỡng hiện đang có nhu cầu rất lớn ở nước ngoài.