- Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14/3, nửa năm sau khi các trường ngoài công lập tự tổng kết.

{keywords}

Chú thích ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 20 năm trường ngoài công lập sáng 14/3. Ảnh: Văn Chung

Tại đây, ngoài những tâm tư như… lâu nay vẫn thế (trường công thì được hưởng mọi thứ từ nhà nước còn trường tư thì nộp mọi thứ, không được đối xử công bằng,  khó khăn như đất đai, thuế, thiếu sinh viên…)  và những giải pháp kiến nghị suốt mấy năm nay, lãnh đạo các trường ngoài công lập đã chỉ rõ hơn những điều họ muốn cơ quan quản lý cần làm để phát triển hệ thống ngoài công lập nói riêng và phát triển giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

“Chúng tôi muốn làm người tốt”

Bà Trần Kim Phương, chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN làm nóng hội nghị với bài phát biểu đầy bức xúc. Sau khi chỉ rõ trường mình đã từng là nạn nhân của một…. phép tính cộng do thanh tra giáo dục thực hiện, bà Phương nhấn mạnh: “Những người làm trường tư như chúng tôi may mắn không còn phải lo chuyện kinh tế gia đình, nên mới đổ tiền bạc vào làm trường. Muốn ngoài công lập phát triển thì phải tạo điều kiện, không được khoá chân như hiện nay”.

“Bộ GD-ĐT cũng cần xác định rõ vai trò của công lập, được bao cấp từ A – Z thì làm gì cho đất nước, chứ không phải ngành nào “hot” cũng chạy đi đào tạo. Ví dụ như ngành tài chính kế toán các trường công lập thi nhau đào tạo cả ngày lẫn đêm. Trường tư thục sai sót có một tí đã “triệt hạ”, trong khi công lập cơ sở vật chất không hơn gì thì vẫn được đào tạo hàng chục nghìn sinh viên” – bà Phương so sánh.

“Chúng tôi muốn làm người tốt” – bà Phương khẳng định.

Ông Dương Tấn Diệp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chỉ rõ: “Trường càng tập trung vốn phát triển tài sản chung thì cổ đông càng mất quyền. Chỉ với một Quy chế 63 (Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học tư thục, ban hành năm 2011) đã triệt tiêu động lực của các nhà đầu tư”.

Ông CaoVăn Phường, hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, chia sẻ tâm tư: Các trường ngoài công lập ra đời giai đoạn từ năm 1993 – 2000 không có hành lang pháp lý bảo vệ, nên phải thực hiện những việc đối phó. Đó là lý do các trường dù không muốn “phạm tội” nhưng vẫn đặt ra những quy định trái luật lệ.

Tiết lộ trường đã đặt hàng 500 triệu đồng với luật sư để nghiên cứu lại Luật Giáo dục Đại học xem có những gì chưa phù hợp với Nghị quyết 29, ông Phường cho biết “Khoảng nửa năm nữa chúng tôi có thể trình làng kết quả nghiên cứu”, và đề nghị Quốc hội, Bộ GD-ĐT và các trường cùng xem xét vấn đề này.

“Làm chính sách từ dưới lên”

Ông Hoàng Văn Khoan, Trường ĐH Văn Lang nhận xét tình trạng hiện nay là “không ai muốn đầu tư vì chẳng ai bỏ tiền ra cho người khác quyết định vận mệnh của họ. Những lo lắng của Bộ hiện nay xuất phát từ việc Bộ muốn mọi thứ hoàn chỉnh quá”. Ông Hoan ví von “Bộ cứ loay hoay lo may một cái áo vừa cho tất cả mọi người. Không thể có chuyện đó được. Thay vì may áo cho người ta mặc thì hãy phát mảnh vải, đưa tiêu chí cho người ta tự may. Khi đó ai cũng có áo vừa vặn để mặc”. “Bộ không nên đi quá sâu sẽ huỷ hoại tư thục” – ông Khoan cảnh báo.

 “Tôi thực sự mong muốn trong thời gian tới việc xây dựng chính sách cho các trường ngoài công lập nên chăng thay hình thức “top-down” lâu nay bằng hình thức “bottom-up”. Chúng tôi dự thảo và Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác xem xét, phản biện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – đây là đề nghị của ông Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng trường ĐH Hoà Bình.

Hai câu hỏi cần lời giải đáp

Theo bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nếu đại học tư thục không nhằm mục tiêu phát triển đàng hoàng tử tế, không thua kém trường khác thì không đáng để Nhà nước và nhân dân quan tâm.

Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng, rất nhiều những bất cập hiện nay của giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng có nguyên nhân sâu xa chưa được nói đến nhiều, đó là việc tiếp tục coi Việt Nam là ngoại lệ, không đi theo dòng chảy chung, không dùng chuẩn mực chung của thế giới, coi quốc tế là cái gì đó phía trên mình…”Phải xem xét cẩn trọng vấn đề Việt Nam đang không giống ai trong lĩnh vực giáo dục, và cần nhanh chóng thu ngắn khoảng cách lại”.

Bà Phượng đưa ra hai kiến nghị. Thứ nhất là cần tạo một cơ hội cho tất cả các trường đại học ngồi lại với nhau, không phân biệt công – tư  bàn bạc, tranh luận thẳng thắn để trả lời câu hỏi: Làm thế nào giáo dục đại học Việt Nam hội nhập thế giới trên tư thế bình đẳng?.

Và thứ hai, cũng là một câu hỏi mà phải có câu trả lời trả lời rõ ràng: Pháp luật và cơ chế quản lý Việt Nam đang coi đại học tư là trường học hay doanh nghiệp?

“Có ý kiến đã nói rằng giáo dục là dịch vụ. Đúng, giáo dục là dịch vụ nhưng là dịch vụ công hay tư, đem lại lợi ích cho toàn xã hội hay từng cá nhân, gia đình muốn đầu tư? Tất cả các quyết định, nghị định liên quan đến ngoài công lập trước đây hay sau này, bế tắc hay hanh thông chủ yếu xoay quanh vấn đề này”.

“Trả lời được mới biết tương lai của ngoài công lập sẽ tươi sáng hay mịt mùng” – bà Phượng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Cần bảo vệ danh tiếng trường

Bộ GD-ĐT cam kết bảo đảm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường NCL, tiến tới bảo đảm sự bình đẳng giữa các trường đại học trong cả nước. Ngược lại, các trường phải cam kết bảo đảm các điều kiện xây dựng trường theo đề án đã được duyệt; chấm dứt tình trạng trường không có cơ sở đào tạo phải thuê mướn tạm bợ. Các trường phải có chiến lược để bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo vệ danh tiếng của trường học, không để xã hội nghi ngờ về chất lượng trường NCL.

 

Những con số

Cả nước có 90 trường ngoài công lập (gồm 61 trường ĐH, 29 trường CĐ), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường.

Năm học 2012 - 2013, các trường ĐH-CĐ NCL đã có 13.796 giảng viên và cán bộ quản lý cơ hữu, tăng gần gấp ba lần so với 10 năm trước.

Số lượng sinh viên đại ĐH-CĐ đẳng chính quy của các cơ sở giáo dục đại học NCL là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.

  • Chi Mai