- 8 ngày trước khi kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu, lãnh đạo một số trường ĐH trên địa bàn Hà Nội chia sẻ một số lo lắng về khâu chuẩn bị, tổ chức.

Tại buổi giao ban về kỳ thi THPT quốc gia sáng 23/6, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tại Học viện là trên 12.500 thí sinh thuộc 2 huyện Gia Lâm, Long Biên của Hà Nội và thí sinh của tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Tính theo môn thi, môn Ngữ văn có 11.329 thí sinh, Toán có 12.109 thí sinh, tiếng Anh có 10.974 thí sinh, Vật lý có 8.273 thí sinh, Địa lý có 3.516 thí sinh, Hóa học có 6.853 thí sinh, Lịch sử có 1.173 thí sinh, Sinh học có 2.475 thí sinh, tiếng Trung có 4 thí sinh, tiếng Đức có 1 thí sinh và tiếng Nhật 1 thí sinh.

Trường có 25 điểm thi, trong đó có 6 điểm trong Học viện và 19 điểm ở ngoài. 25 điểm thi này có 2 điểm thi tổ chức thi tất cả 8 môn và đều bố trí trong khuôn viên Học viện.

  {keywords}

Để tiện cho thí sinh và công tác tổ chức thi, thí sinh vẫn được đánh số báo danh theo thứ tự a, b,c… nhưng tại các điểm thi và phòng thi sẽ sắp xếp theo môn thi mà thí sinh đã lựa chọn.

Vì vậy, trong cùng một phòng thi, các số báo danh sẽ không liên tiếp và tên thí sinh cũng không theo a, b, c. Học viện cũng bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho các thí sinh dự thi nếu có nhu cầu.

Sau khi thống nhất với Sở GD-ĐT Hà Nội, các thí sinh thi tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật sẽ làm bài thi chung với thí sinh thi môn tiếng Anh. Sau khi làm xong sẽ được chuyển về Sở GD-ĐT Hà Nội để chấm chung với các thí sinh khác.

Lãnh đạo Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết năm nay cụm thi này có 16.670 thí sinh, 22 điểm thi phân bố trên các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm.

Khâu kiểm tra an toàn phòng thi đang được Học viện hoàn tất. Một số điểm thi tương đối gần các khu tập thể; tường rào không đảm bảo an toàn như Trường THPT Xuân Đỉnh hay một số phòng thi tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất ban công quá gần với nhà dân sẽ được tăng cường an ninh, cửa sổ được dán kính và đóng kín đề phòng đề thi bị lọt ra ngoài.

Bỏ 200 triệu thuê xe phục vụ cán bộ coi thi

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp phụ trách cụm thi số 7 với trên 11.000 thí sinh lo lắng khi 13/17 điểm thi của cụm này xa điểm trường chính. Một số điểm thi cách xa đến hơn 10km, xa nhất 22km là ở Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao.

Trường này đã phải lên phương án thuê xe ô tô chở cán bộ phục vụ công tác coi thi đến từng điểm thi với kinh phí dự kiến lên đến 200 triệu đồng. Tại một số điểm thi sẽ bố trí cho cán bộ ăn trưa ngay tại chỗ. Trường cũng lo lắng trường hợp xe ô tô vận chuyển cán bộ đi trên đường gặp sự cố.

Chưa hết, do các điểm thi ở khu vực ngoại thành nên việc lo nơi ăn chốn ở cho thí sinh và người nhà cũng là khó khăn được trường này chia sẻ. “Các điểm thi rất ít nhà nghỉ, khách sạn. Suốt 2 tháng nay đội sinh viên tình nguyện của trường đã đi điều tra và tìm nơi ở miễn phí, giá rẻ cho các thí sinh” – ông Chương cho biết.

Trước lo lắng của ông Chương, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ (khu vực Trường ĐH Lâm nghiệp đóng) cho biết các khu nội trú của sinh viên, các trường THCS, tiểu học có chỗ nghỉ sẽ tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ cho thí sinh và người nhà về dự thi.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn – Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các ban ngành của huyện Chương Mỹ huy động tất cả các nguồn lực tìm kiếm nhà trọ miễn phí giá rẻ cho thí sinh, phụ huynh về dự thi. Các nhà khách, phòng nghỉ của các xã cần sẵn sàng để phục vụ cho thí sinh, phụ huynh bất kỳ khi nào cần.

Trao đổi thêm với VietNamNet, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết cụm thi do trường này chủ trì có gần 15,4 nghìn thí sinh dự thi, trong đó có 10 nghìn TS từ Nam Định. Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết cụm thi này được tổ chức trong khuôn viên của 4 trường đại học. Môn toán là môn có số lượng phòng thi nhiều nhất, với 420 phòng. Môn lịch sử có số lượng phòng thi ít nhất, chưa đầy 100 phòng, với khoảng 2 nghìn thí sinh dự thi. 

Đề phòng cán bộ coi thi bị tấn công

Trong khi đó, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam lại chia sẻ suy nghĩ rất thực tế: Năm nay nhiều điểm thi ở vùng quê, rất có thể xảy ra trường hợp cán bộ coi thi có thể bị tấn công. Trước đây cán bộ làm nhiệm vụ này của trường đã từng phải mang theo mũ cối đề phòng gạch đá ném vào đầu.

“Việc thi hộ trọn gói cũng phải đặc biệt lưu ý. Tại Học viện chúng tôi, vừa qua trong kỳ thi đầu ra tiếng Anh đã phát hiện 2 sinh viên một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội nằm trong một đường dây thi hộ. Quá trình phối hợp điều tra với PA83 – CA TP Hà Nội phát hiện các đối tượng lôi kéo sinh viên các trường cùng làm ra, họ làm rất bài bản từ làm thẻ dự thi, bố trí người,…” – đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Lo ùn tắc, tai nạn giao thông

Lo lắng về an toàn giao thông là nội dung được hầu hết lãnh đạo các Sở GD-ĐT và trường ĐH chia sẻ tại buổi họp.

Lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết qua khảo sát các điểm nóng về giao thông như đường từ Cổ Nhuế về Trường ĐH Mỏ Địa Chất, ngã tư Cổ Nhuế giao với đường Phạm Văn Đồng rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông và đề nghị phía công an liên tục đứng chốt để hỗ trợ thí sinh cũng như ban chỉ đạo cụm thi.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho biết, với 27 điểm thi phân bố ở các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Băc Từ Liêm và Tây Hồ nỗi lo tắc đường cũng hiển hiện khi nhiều tuyến đường ngổn ngang lô cốt khiến giao thông ùn tắc.

Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết ùn tắc giao thông trên trục đường 32 từ Cầu Diễn đi Ngã Tư Nhổn rất dễ xảy ra trong những ngày cao điểm thi.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam lo lắng khi phụ huynh phải vượt qua đoạn đường quốc lộ 5 với rất nhiều xe tải, xe khách loại lớn mới vào trong các điểm thi được. Nguy cơ mất an toàn giao thông, tai nạn rất dễ xảy ra.

  • Văn Chung