Vui vẻ, hài hước, cô giáo Nguyễn Nữ Kiều Vinh chia sẻ quan điểm dạy học vừa truyền thống vừa hiện đại.

"Tôi bảo học sinh đừng có xăm như tôi"

“Hôm nay lên lớp, tôi thấy học sinh dùng bút bi vẽ vào tay giống như hình xăm, và giơ lên nói “chúng em ủng hộ cô”.

Tôi bảo nếu muốn xăm các em phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Thứ nhất, các em chưa đủ 18 tuổi. Thứ hai, các em phải tự xác định xem mình có đủ trải nghiệm để chịu được áp lực của xã hội không, khi xã hội mình còn chưa thật sự cởi mở với việc làm này.

{keywords}
  Hình ảnh hiện đại của cô Vinh

Ở tuổi này, bạn lườm một cái có khi buồn đến hết đêm. Vậy các em có chịu được "ánh mắt hình viên đạn" của các bà bán rau, bán thịt ngoài chợ, các cô chú, họ hàng hay cái bĩu môi của một bạn gái khi thấy hình xăm trên người các em không? Nếu đủ bản lĩnh hãy quyết định.

Nhưng cô nói thật là các em đừng xăm, ít nhất là vào lúc này, vì đây là việc cần suy nghĩ kỹ, không phải hứng lên mà xăm. Vì hình xăm là thứ sẽ theo mình cả đời. Xóa xăm rất đắt và rất đau” – cô Vinh kể lại.

Cô Vinh cho biết “Tôi rút ra chuyện học sinh hay làm theo thầy cô từ khi làm chủ nhiệm một lớp có tới 60 học sinh nữ. Khi chuẩn bị sinh con, tôi có cắt tóc tém. Vậy mà trong hai tuần sau đó, khá nhiều học sinh trong lớp đã bỏ đi mái tóc dài của mình. Tôi mới nhận ra ảnh hưởng của người giáo viên tới học sinh mạnh mẽ như thế nào”.

Và bởi vì giáo viên có ảnh hưởng rất lớn tới học sinh, nên với cô Vinh, “Còn rất nhiều chuyện phải dạy dỗ, khuyên răn chúng nó ngoài việc học”.

“Trẻ con bây giờ khôn hơn, phát triển tâm sinh lý rất nhanh. Hồi cấp 3 tôi chẳng biết gì, bây giờ chúng nó đã biết hết mọi thứ.

Hồi trước có ai phải nói với mình câu “Chóng chín chóng thối” đâu, nhưng bây giờ mình phải nói với chúng nó “Chả tội gì mà chín vội lại sớm thối ra, nếu xanh được thì cứ xanh đi”, chúng nó khoái lắm.

Càng giấu diếm thông tin thì học sinh càng khổ. Nếu chia sẻ hết, chúng nó sẽ rất thoải mái vì có nhiều lựa chọn hơn. Tôi vẫn bảo chúng nó rằng đường này như thế này, đường kia như thế kia đấy, cứ chọn đi, đi đường này tới thành Roma, đi đường kia sẽ đến địa ngục.

Trong các giờ học kiểu gì cũng phải cài vào những câu chuyện dạy dỗ như vậy. Dạy kiểu đấy chúng nó mới nhớ lâu”.

Ngay cả việc học ở trên lớp, cô Vinh cũng cho lựa chọn. “Thích thì chép bài 1 lần ở trên lớp. Không thích chép trên lớp thì cứ ngồi đấy như người dự giờ, rồi về nhà chép 10 lần. Tất nhiên chả đứa nào muốn chép bài tới 10 lần hết.

Cứ cho chúng nó chọn, chúng nó sẽ biết nên chọn cái gì. Còn bắt ép, bảo phải thế nọ thế kia, chúng nó sẽ phản kháng, không làm.

Cho kiến thức là trách nhiệm đương nhiên của giáo viên. Nhưng không chỉ kiến thức thôi đâu”.

Không chỉ là kiến thức

“Điều quan trọng trong nghề giáo không phải là cho đi kiến thức được bao nhiêu, mà học sinh có nhớ đến mình hay không” – cô Vinh khẳng định. “Và khi nhớ, là nhớ đến do mình giúp nó thành công hay làm nó thất bại. Nếu nhớ đến do thành công thì rất đáng tự hào.

Đời nhiều sóng gió, không thương được nhau thì rất khó sống. Nhưng nếu ngường không thương ta, ta không thương được người này thì… ta thương người khác, cũng không có gì mà phải băn khoăn nhiều”.

{keywords}
Với học trò

Cô Vinh cũng rút ra điều này từ những trải nghiệm trong quá trình dạy học. “Có học sinh mà khi gặp lại tôi vẫn thấy ân hận. Đó là một nam sinh trong lớp tôi làm chủ nhiệm khi mới đi dạy. Học sinh đó phạm lỗi, tôi bắt viết kiểm điểm và mời bố mẹ. Thế là em đó bỏ đi Hà Nội chơi.

Mình hoảng quá bươn bả đi tìm khắp nơi. Nhưng chính mẹ em đó lại lại trấn an rằng “Kệ, khi nào hết tiền nó sẽ về”.

Cô Vinh kể tiếp “Em này sau đó kinh doanh rất thành đạt, và sinh sống ở Hà Nội. Có lần em về nhà tôi ăn cơm, tôi có hỏi khi đó em nghĩ gì về cô? Em kể lại ngày đó em núp trong nhà bạn, thấy cô đi con Charly phóng vòng vèo khắp nơi để tìm thì thích lắm, nhưng quyết không ló mặt ra.

Sau đó, em còn rủ thêm hai bạn nữa bắt xe khách đi Hà Nội chơi. Buổi tối, không có chỗ trọ, cả ba dắt nhau vào mấy sạp hàng ở chợ Đồng Xuân ngủ nhờ. Nửa đêm tỉnh giấc, sờ lên má thấy nhớt nhớt vì ngủ trên phản thịt, em thấy nản quá, nghĩ tại sao mình lại phải bỏ đi như thế này. Hai hôm sau em về, người gầy nhom xơ xác”.

Sau lần đó, tôi “chột” luôn, không bao giờ bắt học sinh viết kiểm điểm mời bố mẹ. Nếu học sinh mắc lỗi,  tôi vẫn bắt viết nhưng sau đó lờ đi. Sau này, có em bảo ngày trước thích nhất là cô bắt viết kiểm điểm nhưng cô hay quên, hôm sau chẳng bao giờ cô bắt nộp lại. Tôi bảo còn lâu cô mới quên, chẳng qua là cô không bắt nộp.

Nếu học sinh mắc lỗi, tôi sẽ gặp em đó để trao đổi trước, sau đó nếu cần sẽ gặp riêng bố mẹ của em. Từ những cuộc gặp như vậy, thường các bên có sự thay đổi. Ở tuổi này, có vấn đề gì học sinh thường hay nói với giáo viên hơn là với bố mẹ. Mình là người ở giữa, là cầu nối cho hai bên sẽ rất tuyệt vời”.

Học dốt đừng làm giáo viên

“Hồi trẻ, tôi sến đến mức này: Khi chia tay học sinh lớp đầu tiên mình làm chủ nhiệm, khi đi qua lớp cũ, mình cứ có cảm tưởng đang có hàng chục cặp mắt nhìn ra, đến mức mình phải đi nhanh, không dám nhìn vào lớp vì sợ sẽ khóc.

Sến thế, nhưng mơ ước tuổi trẻ của tôi là trở thành phóng viên chiến trường đấy” – cô Vinh tiết lộ.

“Tôi không hề mơ ước làm giáo viên, mà muốn trở thành phóng viên chiến trường. Tôi thích cái câu như “Phóng viên Kiều Vinh đưa tin từ…”. Nếu có… hy sinh, thì sẽ hy sinh oanh liệt ngay ngoài thực địa.

{keywords}
Với bố, người đưa cô Vinh tới với nghề giáo

Tôi thấy “trí” ở trong mình như trí đàn ông, thích chu du thiên hạ, thích được tự do. Có lẽ do hồi nhỏ đọc truyện chưởng hơi nhiều. Đến giờ tôi vẫn đi rất nhiều, có cơ hội là đi.

Nhưng bố tôi là giáo viên toán, rất thích tôi theo nghề giáo viên. Bản thân tôi không nghĩ sẽ trở thành giáo viên vì thích tự do. Nhưng bố bảo đi học cũng đi. Bản thân mình lúc đi học vui bạn vui bè không để ý. Học Tiếng Nga xong thấy Tiếng Nga hết thời nên chuyển sang học Tiếng Anh, học xong còn vào Sài Gòn làm 6 tháng đủ nghề đủ việc. Đến lúc bố gọi ra Bắc vì đã xin cho vào dạy tại trường ở ngoài này mới ra”.

Không mơ ước, nhưng cô Vinh cũng không hề thất vọng khi bước vào nghề giáo. “Lúc mới đi dạy tôi không hề thất vọng, vì tôi đang rất vui với học trò. Buổi sáng, cô trò rủ nhau cùng đến trường. Có những hôm tôi không có tiết 5, nhưng chờ học sinh học xong rồi cùng về.

Nhưng lúc thất vọng là khi lĩnh tháng lương đầu tiên. Tôi choáng váng vì được 85% của 120 nghìn đồng. Sau đó tôi đi làm gia sư, dạy phụ đạo đủ kiểu. Bây giờ còn có cơ sở kinh doanh riêng. Nên giờ có lẽ là tôi đang cống hiến thì đúng hơn là kiếm sống từ nghề giáo.

Còn tại sao 23 năm tôi chưa chán nghề, bởi vì tôi thấy dạy học rất vui. Học sinh cấp 3 là độ tuổi đẹp nhất. Dạy đại học hay cấp 2 chắc tôi không thích, vì đại học thì lớn quá, mà cấp 2 thì còn nhỏ.

Tôi thường nói “Các em đi cùng cô quãng đời đẹp nhất”.

Cô Vinh cho rằng cô học được ở học sinh nhiều điều. “Lớp trẻ tiếp thu cái mới nhanh hơn. Còn mình có kinh nghiệm của người già. Lấy kinh nghiệm của tuổi mình để thẩm định cái mới của bọn trẻ, tránh cho các em những điều mình đã vấp ngã. Nếu kết hợp được hai cái này với nhau sẽ rất tuyệt vời.

Tôi biết dùng máy tính hay Facebook cũng là do học sinh dạy. Trong trường hợp này, mình là học sinh. Đứng ở vị trí đó, mình sẽ biết học sinh thường mong muốn điều gì ở thầy cô”.

Theo cô Vinh, điều các em mong nhất chính là được làm bạn với thầy cô. Thật sự là bạn để bảo ban, giúp đỡ nhau, chứ không phải bao che nhau.

“Bí quyết gần gũi học sinh là chịu khó lắng nghe, quan tâm đến nó như bạn. Khi đó, nó sẽ phản hồi lại với mình như một người bạn.

Slogan của tôi là “Lắng nghe sẽ thấu hiểu, thấu hiểu sẽ chia sẻ được””.

Tôi vẫn hỏi học sinh “Các em học để làm gì?”. Nếu học để có kiến thức thôi chưa đủ. Mà học để có kiến thức, để cho bố mẹ tự hào, để mình có nền tảng, sau này có làm người thợ xây thì cũng có sự hiểu biết khác.

Tôi thấy tôi dạy thì ít, mà dỗ thì nhiều. Các cụ đã bảo là dạy dỗ cơ mà. Có những giáo viên bảo tôi hấp, hỏi tại sao tôi như thế mà vào lớp mà học sinh cứ thích?

Nhưng tôi thấy không dỗ ai học? Tại sao phải hành hạ nhau bằng cách bắt phải làm này làm nọ? Tôi nghĩ dạy và học cũng như chơi kéo cưa lừa xẻ. Đôi bên đu đẩy nhau, phía này dấn tới thì phía kia lùi, và ngược lại. Làm như thế hai bên cùng không mệt, mà lại được việc”.

“Hồi đi học, tôi học rất kinh khủng. Nên tôi cho rằng nếu học dốt sẽ không làm được giáo viên giỏi. Nhưng đồng thời, tôi thấy rằng học giỏi quá cũng không để làm gì. Nhiều người bạn ngày trước của tôi học rất bình thường, nhưng bây giờ vô cùng thành đạt. Còn tôi học giỏi thế, đến giờ là cô giáo cấp 3. Vì vậy, với những học sinh không giỏi, tôi vẫn rất trân trọng, bởi có lẽ, rồi có ngày nó vẫn sẽ trở nên thành đạt như bao người bạn cuả mình”.

  • Chi Mai

Điều 34. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên

1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.

2. Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước.

Điều 35. Các hành vi giáo viên không được làm

Giáo viên không được có các hành vi sau đây:

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.

2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.

6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.
(Theo Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học - Bộ GD-ĐT)