- Hơn 15 năm công tác ở hầu hết là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp (38 tuổi) chưa từng biết đến bó hoa, món quà ngày 20/11.

{keywords}

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp từng là 1 trong 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu được Bộ GD-ĐT vinh danh toàn quốc năm 2015.

Ngôi trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) mà thầy Hiệp đang công tác cách trung tâm huyện hơn 40km nằm cheo leo, heo hút trên những bản làng lâu đời của người Mông.

Đây là ngôi trường nhiều “không”: không đường ôtô, không nước, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,…

Để đến được điểm trường của mình, các giáo viên nơi đây hằng ngày phải đi xe máy vượt qua một trong những cung đường hiểm trở nhất bám theo sườn núi. Con đường này mùa khô bụi mịt mù, còn mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội.

Thầy Hiệp chia sẻ, dạy ở vùng đặc biệt khó khăn nên với các giáo viên nơi đây ngày 20/11 gần như không có. “Thường thì những ngày 20/11 trôi qua rất lặng lẽ. Trước ngày này vài hôm, trường và xã sẽ tổ chức để kỷ niệm cho giáo viên. Còn ngày 20/11 thì anh em giáo viên sẽ được cho phép về nhà với gia đình”.

Nhắc đến chuyện những món quà trong ngày này, anh Hiệp nói: “Trong chặng đường đi dạy, chưa bao giờ mình được nhận được một bó hoa, hay quà vào ngày 20/11 nên thấy cũng quen và ngày này cũng thường trôi qua trong lặng lẽ”, thầy Hiệp kể.

Thầy Hiệp chia sẻ, điều kiện sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chưa có đường ô tô đi lại nên gần như nơi đây vẫn biệt lập với bên ngoài. Do điều kiện khó khăn nên ngày lễ nhưng cũng chẳng tổ chức gì. Phụ huynh và học sinh dù có thể vẫn biết đến ngày này, nhưng không thể làm gì hơn.

“Cũng chẳng gọi là quà, một số học sinh biết đến ngày này thì mang cho thầy quả bầu, quả bí hay cây mía. Cũng có năm thấy các em học sinh đưa một bụi cây vào tặng thầy. Nhận mà vừa bất ngờ vừa thương các em điều kiện quá khó khăn. Đôi khi nghĩ đến ngày này, cũng là giáo viên, mình cũng có chút chạnh lòng. Nhưng càng nghĩ đến các em học sinh mình càng được tiếp thêm động lực để cố gắng”.

Do vậy, thầy Hiệp cho biết để kỷ niệm ngày này, anh em giáo viên thường tự tổ chức chung vui để động viên nhau cho đỡ tủi thân và năm nay cũng không phải ngoại lệ.

{keywords}
Thầy Hiệp cùng với các học trò nhỏ của mình

Với giáo viên nơi đây, sự cố gắng của các em học sinh nơi đây chính là niềm vui, hạnh phúc và là món quà động viên tinh thần lớn nhất.

Thương học trò nơi đây, 15 năm cắm bản ở các điểm trường vùng khó, thầy Hiệp quyết tâm tự học thêm bốn thứ tiếng là Thanh, Thái, H’mông, Khơ mú để có thể giao tiếp với em được tốt hơn cùng đó là vận động phụ huynh cho con em đến lớp.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hiệp cho biết điều anh mong mỏi nhất giờ đây không phải là những món quà ngày 20/11 sắp tới mà là có một con đường để hằng ngày lên trường dạy học đỡ vất vả, thuận lợi hơn.

Thanh Hùng

*************

Xem thêm: