Câu chuyện về giáo dục công dân toàn cầu cũng không mới ở Việt Nam, vì đã có đề xuất chương trình từ một trường và tổ chức của Mỹ đối với Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Với trải nghiệm về khái niệm công dân toàn cầu qua quá trình học và làm việc bản thân, tôi cho rằng điều quan trọng là giáo dục về đạo đức và trách nhiệm của một công dân toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam.

{keywords}

Nếu không thành thạo tiếng Anh, học sinh chưa qua được "biên giới" Việt Nam

(Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Tiếng Anh: Ngại gì mắc lỗi!

Dù chúng ta nói gì về công dân toàn cầu, mà không có thành thạo tiếng Anh, ngôn ngữ được coi là ngôn ngữ toàn cầu, đang thống lĩnh các mặt kinh tế - nghiên cứu khoa học – thương mại trên thế giới, thì học sinh của chúng ta vẫn chưa đi qua được “biên giới” Việt Nam.  

Với thực tế của kết quả thi tốt nghiệp 2015 ở cấp phổ thông trung học, thực trạng đào tạo tiếng Anh ở đại học và sau đại học (kể cả cấp tiến sỹ), chúng ta buộc phải tập trung cao độ về đào tạo và phổ cập tiếng Anh ở các cấp độ, càng nhanh càng tốt.  

Để nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh các cấp, tránh sự lặp lại thất bại của Đề án Ngoại ngữ 2020, chúng ta có lẽ cần khảo sát và tìm ra lý do của thất bại trong đào tạo tiếng Anh giai đoạn từ 2008 – 2016.

Cùng với đó là sử dụng những nguồn tài chính còn lại và xã hội hóa đẩy mạnh các hoạt động Xã Hội Học Tiếng Anh, xúc tiến tất cả các chương trình tình nguyện viên nước ngoài vào giúp cho các trường, các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh cho học sinh Việt, và đào tạo lại giáo viên Việt dạy tiếng Anh.

Cá nhân tôi có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng học ngoại ngữ của học sinh Việt. Chúng ta không kém, nhưng chúng ta luôn kìm hãm bản thân vì “ám thị mình kém”. Điều này cản trở sự cởi mở, sự chấp nhận chưa chuẩn trong sử dụng tiếng Anh…

Thành thật mà nói, các bạn bản xứ tiếng Anh vẫn có lỗi trong nói và viết tiếng Anh, chúng ta có gì phải ngại cho việc mắc lỗi!

Kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản và ứng dụng ICT là điều tiên quyết

Mặc dù cả thế giới đang “sốt” về thời công nghệ 4.0, tôi lại có quan tâm nhiều đến số lượng học sinh sinh viên Việt Nam có kỹ năng sử dụng máy tính thành thạo trong quá trình học tập. Và tôi cũng quan tâm tương tự cho kỹ năng sử dụng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) trong quá trình dạy và học ở Việt Nam.

Xét về chỉ số ICT Development Index 2016, chúng ta đang “đi lùi”, đứng hạng 105 trên thế giới.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Nói gì thì nói, các kỹ năng sử dụng máy tính trong học tập và lao động ở mức phổ thông và cơ bản là điều tiên quyết cho học sinh phổ thông trung học. Bởi vì điều này giúp cho học sinh chúng ta có thể đi học, đi làm ở các nước trong khối EAC hay bất kỳ đâu, nếu họ thành thạo tiếng Anh và các chương trình máy tính cơ bản.

Xin rất tránh đề cao năng lực công nghệ ở Việt Nam dựa trên số lượng người có máy tính hay smartphone, như một số báo cáo gần đây đưa tin. Có thể chúng ta có số lượng người dùng smartphone nhiều và tốc độ tăng trưởng người dùng internet nhanh nhất khu vực, nhưng điều đó không trả lời cho câu hỏi: Họ dùng máy tính và smartphone cho mục đích gì?

Đạo đức và trách nhiệm: Cần hành động như công dân toàn cầu

Là một người Việt Nam, chúng ta hiện nay cần có tư duy và trách nhiệm hành xử đạo đức phù hợp với không chỉ luật pháp và văn hóa Việt Nam, mà hơn thế, cần hành động như công dân toàn cầu.

Những thách thức trong giáo dục, trong lối sống, trong hành động, với trách nhiệm của công dân, đặc biệt quan trọng cho học sinh sinh viên (giới trẻ) trong thế giới phẳng (với internet).

Tất cả mọi người đều thích thú với việc sử dụng máy tính, smartphone và internet cho các mục đích học tập và giải trí. Nhưng cũng với cùng những phương tiện đó, nếu không có những giáo dục đầy đủ, hướng dẫn cẩn trọng từ giáo viên, cha mẹ và cộng đồng, rất dễ phát sinh những hành vi không phù hợp (hay thậm chí là phạm pháp), như đơn giản là nghiện game, thích lướt facebook “chém” gió, tệ hại hơn là hacking tài khoản mạng và ngân hàng, phá hoại trang web của tổ chức, xâm nhập trái phép vào những hệ thống không được phép, tổ chức xem phim hoặc tạo dựng những website “đen”...

Đạo đức làm người, đạo đức trong học tập, cuộc sống hàng ngày không thể tách rời với những công nghệ máy tính và tiếng Anh trong quá trình học làm công dân toàn cầu. Sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu một học sinh thành thạo tiếng Anh và máy tính, nhưng lại trở thành hacker tội phạm trong ngân hàng.

Chưa khi nào, hướng dẫn và nêu gương nhân cách của con người đạo đức lại cần được đề cao hơn bao giờ hết.

Chính vì lẽ đó, trước khi chúng ta nghĩ đến bất kỳ chương trình công dân toàn cầu nào vào hệ thống giáo dục, rất cần Bộ GD-ĐT khảo sát kỹ lại. Khảo sát này nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi: Liệu với những chương trình học như hiện nay, chúng ta có cách nào làm nó quốc tế hóa, toàn cầu hóa với 3 tập trung cơ bản: giáo dục con người có đạo đức trong học tập, tiếng Anh, và kỹ năng sử dụng máy tính?

Nguyễn Thị Lan Hương (Nghiên cứu sinh, NewAsia Global Learning)