Nhiều người có thể nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn biết bao nhiêu nếu họ thông minh hơn một chút. Nhưng theo một chủ đề được đưa ra mới đây trên trang web Quora có tên “Khi nào trí thông minh trở nên phiền toái?”, nhiều người dùng đã đưa ra không ít bất lợi của những người thông minh.

{keywords}

Bạn thường suy nghĩ thay vì cảm nhận

Người dùng Marcus Geduld cho biết anh thường hiểu cảm xúc của mình rất rõ và có thể nói cho người khác biết điều đó, nhưng anh không bao giờ cảm thấy nhẹ nhõm trong việc biểu đạt chúng.“Đây là vấn đề chung của những người thông minh, đặc biệt là những người hoạt ngôn”.

Quan sát của Geduld nêu bật sự khác biệt giữa các kỹ năng nhận thức và tình cảm.

Các nhà khoa học không thể khẳng định chắc chắn liệu 2 yếu tố này có liên quan tới nhau hay không hoặc liên quan như thế nào, nhưng một số nghiên cứu thú vị chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc cao bù đắp cho khả năng nhận thức thấp, ít nhất là ở nơi làm việc. Nói cách khác, có vẻ như những người cực kỳ thông minh không cần phải phụ thuộc vào kỹ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.

Mọi người thường kỳ vọng bạn là người xuất sắc nhất

“Bạn mặc định được mong chờ là người giỏi nhất bất kể vấn đề gì” – Roshna Nazir viết. “Bạn không thể chia sẻ những điểm yếu và sự thiếu tự tin của mình với ai”.

Hơn nữa, bạn sẽ hoảng sợ về những gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể hiện tốt. “Điều này làm cho bạn quá thận trọng với những thất bại và đôi khi bạn không dám mạo hiểm vì sợ hãi những gì sẽ xảy ra nếu bạn thất bại” – Saurabh Mehta viết.

Trong một đoạn trích từ cuốn “Smart Parenting for Smart Kids” đăng trên trang Psychology, các tác giả cũng nói rằng cha mẹ thường lo lắng nhiều nhất về thành tích của những đứa trẻ thông minh và thể hiện rất tốt trên lớp học.

Không may là, “đôi khi điều đó có thể dẫn tới việc tập trung quá nhiều vào việc trẻ làm tốt việc gì hơn là chúng là ai”.

Bạn có thể không học được giá trị của làm việc chăm chỉ

Người thông minh cảm thấy họ có thể đạt được điều gì đó với ít nỗ lực hơn những người khác. Nhưng một người có chỉ số IQ cao không phải lúc nào cũng thành công, và những người cực kỳ thông minh có thể không bao giờ phát triển được sự kiên trì cần thiết để đạt được thành công.

Theo Kent Fung, “trí thông minh sẽ trở nên rắc rối khi những người sở hữu nó sớm phát hiện ra rằng họ không cần làm việc chăm chỉ để đạt được và vì thế họ không bao giờ phát triển được một thái độ làm việc tốt”.

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng sự tận tâm có mối tương quan tiêu cực với một số loại trí thông minh nhất định. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người thông minh có thể cảm thấy giống như họ không cần phải làm việc chăm chỉ để đạt được những gì mình muốn.

Hay sửa sai người khác

Mọi người có thể thấy khó chịu khi bạn cứ hay bắt lỗi người khác trong những cuộc trò chuyện bình thường. Khi bạn biết có người vừa nói điều gì đó không hoàn toàn chính xác, rất khó để bạn kiềm chế được việc vạch rõ đúng sai trong câu chuyện của họ.

Nhưng bạn cũng rất nhạy cảm với việc người khác có thể cảm thấy xấu hổ hoặc bị xúc phạm vì hành động của mình, hoặc bạn đứng trước nguy cơ mất bạn bè.

“Khi bạn sửa sai mọi người đạt tới một điểm nào đó, họ sẽ ngừng giao du với bạn hoặc ngừng nói chuyện với bạn” – Raxit Karramreddy cho hay.

Bạn có xu hướng nghĩ quá nhiều về mọi chuyện

{keywords}

Nhiều người dùng Quora cho rằng một trong những phiền toái của người thông minh là họ hay dành quá nhiều thời gian để suy ngẫm và phân tích.

Bạn cố gắng tìm ra ý nghĩa tồn tại của mọi khái niệm và trải nghiệm. “Bạn tìm kiếm mọi câu trả lời và nó khiến bạn phát điên”.

Bạn hiểu rằng bạn không biết nhiều điều

Cực kỳ thông minh thường đồng nghĩa với việc bạn đánh giá cao giới hạn về nhận thức của bản thân. Dù cố gắng, bạn cũng sẽ không bao giờ có thể học hay hiểu được mọi thứ.

Mike Farkas nói: “Trí thông minh trở nên phiền toái khi bạn biết càng nhiều thì bạn càng cảm thấy bạn biết càng ít”.

Quan sát của Farkas gợi nhớ đến một nghiên cứu cổ điển của Justin Kruger và David Dunning, trong đó phát hiện ra rằng bạn càng kém thông minh thì bạn càng đánh giá quá cao khả năng nhận thức của mình.

Ví dụ như trong một thí nghiệm, những sinh viên đạt điểm thấp nhất trong bài kiểm tra lại đánh giá quá cao số câu hỏi mà họ làm đúng. Trong khi đó, những người đạt điểm cao nhất lại đánh giá khá thấp số câu hỏi mà họ trả lời đúng.

  • Nguyễn Thảo (Theo Business Insider)