Ngày 1/2, TS Phạm Văn Ánh - chuyên gia nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm (Viện Văn học), thành viên Ban giám khảo - đã công bố các thông tin hậu trường “gây sốc” ở cuộc sát hạch để chọn ra ông đồ đạt chuẩn, được phép cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Hội chữ Xuân sắp tới.

  {keywords}

Năm nay, người dân sẽ yên tâm hơn về chất lượng chữ của các ông đồ

Nhiều ông đồ không biết… chữ

Ngày 1/2, trao đổi về hậu trường cuộc sát hạch các ông đồ vừa qua, TS Phạm Văn Ánh đã chia sẻ nhiều câu chuyện khiến người nghe… phát hoảng.

Theo TS Phạm Văn Ánh, cuộc sát hạch ngày 31/1 tại Văn Miếu gồm có hai phần: Phần thi chữ Hán và phần thi chữ Quốc ngữ.

TS Phạm Văn Ánh ở trong ban phụ trách chấm thi mảng chữ Hán. Đề thi phần chữ Hán rất dễ, các ông đồ chỉ phải viết đúng 4 chữ với những yêu cầu tối thiểu.

“Sau khi chấm sát hạch, kết quả cho thấy, 70% các ông đồ viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn, có người còn chưa biết cách cầm bút”, TS Phạm Văn Ánh nói với tâm trạng khá thất vọng.

Một chuyên gia khác thuộc Viện Nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm thì thẳng thắn cho rằng, việc sát hạch là để chấm dứt tình trạng cho chữ sai, chữ xấu tràn lan ngày Tết những năm trước. Chuyên gia này bức xúc: “Nếu viết chữ xấu, vốn từ, số chữ nắm được có hạn thì các ông đồ không nên vào Hồ Văn”.

Ban tổ chức cũng cho biết, kết quả chấm thi được công bố trước đông đảo các ông đồ. Ban giám khảo đã chỉ rõ từng bài thi với những thông tin đúng, sai rành mạch. Phần lớn các ông đồ đều không có phản hồi mà chỉ nhận mình viết chưa chuẩn.

Nguyên nhân khiến phần lớn các bài thi không đạt, TS Phạm Văn Ánh cho rằng: “Thứ nhất, do trình độ chữ nghĩa kém. Hai là, thư pháp kém. Tuy nhiên, sau thời gian “so bó đũa, chọn cột cờ”, Ban giám khảo cũng đã chọn ra những ông đồ khả quan nhất, có kiến thức và thư pháp tương đối ổn để có thể cho chữ trong Hội chữ Xuân sắp tới”.

Theo TS Phạm Văn Ánh, những người dự thi đến từ nhiều tỉnh, thành phố khu vực các tỉnh phía Bắc.

“Về bản chất, các ông đồ tham gia thi là những người bán chữ. Vì vậy, nhất thiết phải sát hạch để xem họ có biết viết và biết nhiều chữ hay không. Tránh tình trạng để người dân mua phải hàng rởm. Sau khi công bố kết quả thi, có người phản hồi là bình thường viết đẹp, hôm nay hồi hộp nên viết xấu. Cũng có người cho rằng, do chất liệu giấy, mực nên chữ xấu, thậm chí có người xin… thi lại.

Tuy nhiên, từ góc độ người chấm thi, tôi khẳng khái trả lời rằng, với người đã không biết viết thì có viết đi, viết lại cũng cho ra một kết quả trượt. Nếu bảo do giấy thì người viết phải biết điều chỉnh lượng mực. Đó cũng là một yêu cầu cơ bản trong viết chữ Hán. Giấy thấm thì phải biết cách giảm lượng mực đi.

Còn bảo là hồi hộp, ảnh hưởng thì với Ban giám khảo, chỉ cần nhìn một nét hoặc một dấu chấm là đã đủ biết “trình” của người viết đến đâu rồi”, TS Phạm Văn Ánh nói.

Sẽ giám sát các ông đồ rởm

Cuộc sát hạch đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận bởi rất nhiều người yêu chữ, có thói quen xin chữ ngày đầu năm nhưng chưa đủ kiến thức để thẩm định chữ đúng, sai, xấu, đẹp.

Anh Đinh Xuân Hưởng (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Gần như năm nào tôi cũng ra xin chữ của ông đồ ở khu vực Văn Miếu. Tuy nhiên, để thẩm định chữ đẹp, xấu thì gần như không thể, chỉ thấy ông đồ viết đúng chữ Việt mà mình cần là được, còn riêng mảng chữ Hán lại càng “tịt”. Ông đồ viết cho như thế nào thì nhận thế.

Sau khi biết tin có hơn 70% ông đồ bị trượt sau đợt sát hạch vừa qua thì mới tá hỏa, có khi những chữ mình xin ở nhà cũng nằm trong diện viết sai. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục đi xin chữ và yên tâm hơn bởi chỉ có ông đồ “xịn” mới được cho chữ”.

Theo quy định, chỉ những ông đồ đạt điểm qua đợt sát hạch lần này mới được có gian cho chữ ở Hội chữ Xuân. Vì vậy, vấn đề người dân quan tâm hiện nay là Ban tổ chức sẽ bố trí, sắp xếp như thế nào để ngăn chặn các ông đồ trượt sát hạch không trà trộn vào bán chữ ở hội.

Ngày 2/1, bà Nguyễn Thị Luận, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định sẽ có đội ngũ giám sát các ông đồ và chỉ những người được cấp thẻ mới được hoạt động cho chữ tại khu vực của Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015.

Hội chữ xuân Ất Mùi sẽ bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng trong khuôn viên Hồ Văn. Hàng ngày, các ông đồ sẽ cho chữ từ 8h30 đến 20h, riêng ngày 30 Tết sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau và ngày mùng 1-2 Tết, thời gian cho chữ sẽ kéo dài từ 8h30 đến 22h.

Cũng theo Ban tổ chức, từ cuộc sát hạch vừa qua, nhiều ông đồ nhận kết quả kém và biết trình độ thực của mình đã đề xuất có một lớp đào tạo để họ nâng cao tay nghề. Đây cũng là biện pháp góp phần làm giảm thiểu lượng ông đồ rởm bán chữ trong dịp lễ, Tết.

TS Phạm Văn Ánh cho biết, nhiều trung tâm, địa chỉ sẵn sàng dạy chữ Hán miễn phí để người yêu thư pháp có thể tham khảo theo học gồm: Trung tâm Nhân Mỹ học đường thường mở lớp ở các chùa khu vực Hà Nội; Câu lạc bộ Unesco thư pháp Việt Nam; Trung tâm dạy thư pháp ở chùa Tảo Sách…

Sau khi được thẩm định chữ viết, các ông đồ “trúng cách” sẽ nhận thẻ và ngồi hoạt động trong những lều khung sắt lợp mái bạt, bố trí xung quanh Hồ Văn, hướng mặt ra phía đường Quốc Tử Giám. Sở VH-TT&DL Hà Nội khẳng định, năm nay ông đồ nào nhổ lều ra ngoài thì sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa.

Theo một thành viên của Ban Tổ chức, để tránh tình trạng “nhìn mặt phán giá”, năm nay Ban tổ chức sẽ niêm yết mức giá sàn. Theo đó, người xin chữ các ông đồ sẽ tự mua loại giấy mà mình cần và chọn người viết theo nội dung yêu cầu. Giá cả sẽ là: 200.000 đồng/biểu trục nhỏ; Mành nhỏ: 200.000 đồng/cái; Giấy in hoa văn hình rồng: 130.000 đồng/tờ; Giấy bìa các loại từ 100.000 đồng trở xuống.

(Theo Minh Anh - Nguyên Hạnh/ Gia đình & Xã hội)