Ngày 30/9/2008, Thủ tướng kí Quyết định 1400/QĐ-TTg ban hành “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2008-2020”. Đồng thời, phê duyệt Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu (CEFR) làm chuẩn đào tạo trình độ tiếng Anh trong đề án này.

CEFR được thiết kế nhằm cung cấp các tiêu chuẩn tham chiếu cho việc học tập, giảng dạy và đánh giá các ngôn ngữ chính được sử dụng ở Châu Âu. Trong đó, xác định rõ yêu cầu về năng lực ngôn ngữ thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, tương thích với các tiêu chí xác định; chia làm 3 cấp và 6 bậc là A1, A2; B1, B2; C1, C2.

Theo Đề án, giáo viên tiếng Anh phải đạt B2 đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, C1 đối với cấp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, việc đánh giá giáo viên theo các chuẩn của CEFR do các trường đại học trong nước triển khai chưa thật sự thuyết phục.

Trong Nghị quyết của HĐND Hà Tĩnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo, giáo viên dạy ngoại ngữ THPT nếu tự học và được cấp chứng chỉ 6.5 IELTS (hoặc TOEFL ITP 550 điểm) sẽ được thưởng 15 triệu đồng.

Có trường hợp giáo viên ở miền núi, vùng khó khăn nhưng đã tự học và đạt kết quả cao như cô Nguyễn Thị Th. (THPT Minh Khai) đạt 7.5 IELTS; thầy Phạm Công Ư. (THPT Hương Sơn) đạt 7.0 IELTS; cô Lê Thị T (THPT Hàm Nghi) đạt 7.0 IELTS. Ngoài ra, cũng có người âm thầm đi học và thi IELTS, nhưng hầu hết còn e ngại.

Kết quả, 2 năm qua, chỉ có 15 giáo viên tiếng Anh THPT ở Hà Tĩnh đạt điểm trên 6.5 IELTS.

Trong khi đó, chỉ tính riêng lớp 12, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã xét đặc cách giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cho 37 học sinh có chứng chỉ IELTS (11 giải Nhất, 16 giải Nhì, 10 giải Ba). Cụ thể, học sinh đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba, học sinh đạt 7.0 được công nhận đạt giải Nhì và học sinh đạt 7.5 IELTS được công nhận đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh.

{keywords}
Một hoạt động của CLB tiếng Anh trường THPT Cẩm Bình, Hà Tĩnh

Ngộ nhận nếu cho rằng có IELTS 6.5 là dạy tiếng Anh tốt

Điểm IELTS ở mức 6.5 (TOEFL ITP 550) tương đương với mức C1 theo khung của CEFR.

Theo CEFR, một giáo viên đạt C1: “Có khả năng hiểu các loại văn bản dài và phức tạp, nhận biết được các hàm ý. Biểu hiện khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên, thuần thục mà không gặp phải nhiều khó khăn. Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ trong các mục đích xã hội, học tập hay công việc. Có khả năng dùng các câu có cấu trúc chặt chẽ, rõ ý về những đề tài phức tạp, sử dụng linh hoạt các thành phần câu, từ nối câu và các cụm từ chức năng”.

Như vậy, năng lực ngoại ngữ là khả năng sử dụng tiếng Anh chứ không phải là khả năng giảng dạy tiếng Anh. Nếu cho rằng giáo viên đạt chuẩn C1 hay IELTS 6.5 trở lên là dạy tiếng Anh tốt thì là một sự ngộ nhận.

Để trở thành giáo viên tiếng Anh giỏi

Để trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi, ngoài năng lực ngoại ngữ thì giáo viên cần có một hệ thống kiến thức sư phạm. Theo nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Shulman và các tác giả Mishra, Koehler thì hệ thống này gồm:

Một là Kiến thức chuyên môn - là kiến thức về các khái niệm, mối liên hệ giữa các khái niệm; phương pháp tìm kiếm và áp dụng các khái niệm trong cuộc sống.

Hai là Kiến thức chuyên môn sư phạm - là “khối kiến thức để phân biệt hiểu biết của một nhà chuyên môn và một nhà sư phạm chuyên môn”. Nói cách khác, là kiến thức mà một giáo viên tiếng Anh phải có trong khi một người sử dụng tiếng Anh thành thạo thì không cần.

Ba là Kiến thức chương trình - là cái nhìn tổng quát đối với toàn bộ chương trình giảng dạy. Theo nghĩa hẹp là sắp xếp các kiến thức sẽ được dạy sao cho học sinh có thể hình thành các khái niệm hay kỹ năng mới trên nền tảng đã biết.

Bốn là Kiến thức sư phạm tổng thể - là những kiến thức chung về tâm lí học, giáo dục học; về khoa học nhận thức, về hoạt động và sự phát triển của bộ não; về quá trình học tập, ứng xử sư phạm; về cách tổ chức lớp học; quy chế của nhà trường, của ngành …

Năm là Kiến thức về học sinh: Là hiểu biết của giáo viên về đặc điểm tính cách, tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến quá trình nhận thức và học tập của các em.

Sáu là Kiến thức về hoàn cảnh, môi trường giáo dục - là những hiểu biết của giáo viên về đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Bảy là Kiến thức về mục đích, mục tiêu và các giá trị giáo dục – điều này định hướng chiến lược đầu tư giáo dục, xây dựng nội dung chương trình, chọn lọc nội dung, xác định và chi phối toàn bộ công tác quản lý, điều hành các bậc học và toàn bộ phương pháp dạy và học.

Tám là Kiến thức công nghệ: Hiện nay, giáo viên tiếng Anh không thể giảng dạy có hiệu quả nếu thiếu kiến thức và kĩ năng về công nghệ thông tin.

Trần Giang Nam (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Ý kiến của bạn về các vấn đề, câu chuyện của giáo dục hiện nay, xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Hàng nghìn giáo viên lo 'gặp khó' trước yêu cầu thi IELTS

Hàng nghìn giáo viên lo 'gặp khó' trước yêu cầu thi IELTS

Có nhiều năm giảng dạy Tiếng Anh nhưng một số giáo viên tại Hà Nội vẫn cảm thấy hoang mang trước yêu cầu phải tham gia một cuộc khảo sát đánh giá năng lực theo chuẩn quốc tế.