- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng quan điểm muốn giữ môn Lịch sử và môn Giáo dục quốc phòng, an ninh ở THPT là môn học đứng độc lập là "chưa đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay".

Ngày 3/11, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và thường trực ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông đã có một cuộc họp tiếp thu, nhưng đồng thời cũng để giải thích thêm về những ý kiến băn khoăn liên quan tới môn Lịch sử và môn Giáo dục quốc phòng, an ninh.

Ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh cho rằng đổi mới cần đặt môn Lịch sử và môn Quốc phòng, An ninh là bắt buộc, độc lập chứ không tích hợp như dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong môn Công dân với Tổ quốc. Vậy ý kiến của Bộ GD-ĐT về việc này như thế nào, thưa ông?

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh: Văn Chung).

Trước hết cần khẳng định theo Dự thảo CT GDPT mới nội dung giáo dục LS và giáo dục QPAN vẫn là bắt buộc trong trường học tới đây khi đổi mới. Ở các bậc học dưới, kiến thức của 2 lĩnh vực này tích hợp trong các môn học. Ở bậc THPT, 2 lĩnh vực này cùng với Giáo dục công dân được thiết kế thành môn học Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc.

Bên cạnh đó, tùy định hướng nghề nghiệp, học sinh bắt buộc phải chọn một trong hai môn Lịch sử hoặc Khoa học xã hội. Nếu xét về tổng thời lượng các môn này thì học sinh không học ít hơn so với chương trình hiện hành.

Cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học, sẽ có những yêu cầu cao hơn về mục tiêu giáo dục, và do đó cần điều chỉnh cả về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

Về những ý kiến muốn tách môn LS và môn QPAN thành 2 môn riêng biệt, tôi muốn trao đổi thêm: Theo quan niệm cũ, chúng ta chưa hình dung đầy đủ về mối liên quan và hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực kiến thức, mỗi lĩnh vực kiến thức được bố trí trong một môn học theo lôgic chặt chẽ, khi dạy sẽ có liên hệ sang môn khác hoặc liên hệ với thực tế thì được coi là đủ.

Nhưng trong tự nhiên cũng như trong xã hội các sự vật, các quá trình liên quan với nhau rất chặt chẽ, thống nhất.

Do đó, để giải quyết tốt các vấn đề trong học tập cũng như trong thực tế thì kiến thức phải được hiểu và vận dụng rất biện chứng. Một môn học, vì vậy, phải phản ánh được nhiều lĩnh vực kiến thức, ngược lại mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thể hiện trong nhiều môn học để tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh vận dụng tổng hợp được dễ dàng và hiệu quả. Nếu cứ muốn giữ lại những môn học như cũ thì chúng ta không thể đổi mới được chính môn học đó và gây khó khăn cho các môn học khác.

Kinh nghiệm từ chương trình hiện hành cho thấy việc đặt thành môn riêng biệt rất chặt chẽ về hình thức thì kiến thức sẽ chồng chéo giữa các môn học, gây quá tải mà chưa hẳn môn nào cũng dạy được nhiều.

Nếu tích hợp, điều chỉnh lại hệ thống các môn học (tất nhiên việc này đòi hỏi năng lực của người viết chương trình và viết SGK phải được đổi mới, nâng cao) thì hiệu quả giáo dục của mỗi môn học và của cả hệ thống sẽ tăng lên, đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm dạy học từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, mà đích cuối cùng ta muốn hướng tới là nhân cách công dân Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trước thực trạng chưa quen và năng lực còn hạn chế của đội ngũ giáo viên hiện nay, vấn đề dạy tích hợp phải có bước đi, giải pháp thích hợp. Môn Công dân với Tổ quốc sẽ có 3 mạch nội dung gắn bó nhưng tương đối độc lập và các chuyên đề tích hợp sâu. Với giáo viên, trước mắt sẽ vẫn dạy các nội dung tương đối độc lập của ba phân môn như hiện nay.

Ở các chuyên đề tích hợp nhà trường sẽ xem xét khả năng của từng giáo viên để phân công một cách hợp lý, linh hoạt. Các trường sư phạm phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy tích hợp của môn học công dân với Tổ quốc. Các bộ sách giáo khoa cũng có thể viết khác nhau để phù hợp với điều kiện dạy học của các vùng miền khác nhau và mức độ tiến bộ về năng lực của giáo viên.

Cách làm này hiện nay đã được thử nghiệm tại nhiều trường THCS và các cuộc thi hàng năm trên phạm vi cả nước, cho kết quả tốt. Đây là hướng đi mới, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và hoàn thiện dần.

Dù vậy với cách thiết kế môn học như dự thảo vừa qua khiến 2 môn này dường như trở thành môn phụ, gây lo ngại rằng giới trẻ sẽ thờ ơ với lịch sử dân tộc, với nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, thưa ông?

Chúng ta chưa bao giờ phân định môn học nào là chính, môn nào là phụ mà tùy theo yêu cầu của từng bậc học, đối tượng người học để thiết kế chương trình phù hợp với mục đích giáo dục trong từng giai đoạn. Lâu nay môn LS, môn GD QPAN vẫn đứng độc lập, nhưng vẫn có nhiều học sinh sợ học lịch sử vì phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện, con số, sợ học QPAN vì kiến thức trùng lặp với môn học khác, ngại lăn, lê.

{keywords}

Thí sinh rời phòng thi môn Lịch sử ở kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Văn Chung)

Trong khi đó trên thực tế nhiều bạn trẻ yêu lịch sử và khi chủ quyền lãnh thổ “có vấn đề” thì tuổi trẻ VN đã đồng lòng biểu thị ý chí, trách nhiệm công dân với Tổ quốc.

Đó là kết quả tổng hợp của nhiều lĩnh vực và hoạt động giáo dục, nhiều lực lượng giáo dục, trong đó có vai trò của những câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng, các sinh hoạt đoàn, đội, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ôn g.

Theo hướng đổi mới, ở cấp học dưới, môn học được thiết kế gần gũi, sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh, dễ cảm, dễ hiểu, gắn với thực tế hơn. Nếu đặt mục tiêu “để học sinh hiểu, thích học và yêu lịch sử dân tộc” thì cách tiếp cận mới sẽ có hiệu quả hơn.

Ở bậc THPT, môn Lịch sử xuất hiện trở lại là môn học độc lập, với yêu cầu cao về kiến thức lịch sử và khoa học lịch sử (dành cho học sinh theo định hướng nghề nghiệp liên quan đến khoa học lịch sử); bên cạnh đó, môn học có tính tích hợp cao hơn là môn khoa học xã hội (dành cho các đối tượng học sinh khác) và môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc cho tất cả học sinh. Như vậy, kiến thức LS và QPAN là phải học bắt buộc đối với tất cả học sinh nhưng có phân hoá theo định hướng nghề nghiệp.

Môn học Công dân với Tổ quốc là môn học mới, được tích hợp với nhiều kiến thức ở các môn khác nhau trước đây. Vậy Lịch sử và QPAN sẽ đứng ở vị trí nào trong các kiến thức tích hợp đó, thưa ông?

Môn học Công dân với Tổ quốc không đơn thuần là sự lắp ghép các kiến thức lại với nhau mà những kiến thức này có nội dung liên quan, gần gũi với nhau như lịch sử, đạo đức - công dân và quốc phòng - an ninh ở cấp THPT.

Môn học được thiết kế với 3 mạch nội dung chính và một số chuyên đề tích hợp.

Trong đó mạch giáo dục đạo đức - công dân, chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết, chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam hội nhập quốc tế với tư cách công dân.

Giáo dục quốc phòng - an ninh bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam, cùng một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng thủ dân sự...

Mạch giáo dục lịch sử đề cập đến chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lòng yêu Tổ quốc, tinh thần xả thân vì nước, tinh thần tự cường dân tộc, tư tưởng và những bài học, nghệ thuật quốc phòng, giữ nước của cha ông ta. Ngoài ra, sẽ có một số chuyên đề tích hợp sâu và chủ yếu từ 3 mạch kiến thức trên.

Nêu ra dự kiến như vậy để mọi người xem xét, góp ý: cần thêm, bớt, điều chỉnh sắp xếp như thế nào cho thật hợp lý. Xin nói thêm, trong các hội thảo gần đây đã có 4 loại ý kiến đề xuất tên gọi môn học: Công dân với Tổ quốc, Công dân, Lịch sử, Quốc phòng – An ninh.

Điều đó cũng cho thấy trong thực tế các lĩnh vực này có mối liên hệ rất mật thiết, rất cần tích hợp trong chương trình giáo dục; mỗi người ở góc độ khác nhau đã đề xuất tên gọi theo 1 lĩnh vực kiến thức nhưng đều hiểu rằng đã bao hàm các lĩnh vực kia.

  • Văn Chung (thực hiện)