{keywords}
Thủ tướng gặp mặt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày 20/11. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, “toàn ngành Giáo dục rất vui mừng khi được biết Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2021 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trồng người cao quý, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của ngành”.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.

Đội ngũ giáo viên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên... có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.

“Các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại điện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19,…”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam”.

Khó khăn không bao giờ làm nản chí thầy trò

Tại cuộc gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng đã chia sẻ suy nghĩ, nêu những giải pháp, kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.

Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên đã 9 năm công tác tại Trường Mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xúc động chia sẻ, trường của cô cách trung tâm thị trấn 8km với gần 100 học sinh 100% là người dân tộc thiểu số. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đã kiên trì đến vận động từng gia đình, kiên trì bám bản mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường..

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: VGP)

Có những trường, phụ huynh nghèo quá, một bữa cơm có thịt là cả một niềm mơ ước đối với các con, mỗi ngày đi học là một ngày mang cơm độn ngô, khoai, hay có khi chỉ vài hạt cơm với vài sợi mì tôm chan nước. Lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để giúp cho bữa ăn của các con tươm tất.

"Còn nhiều, nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn trên tỉnh miền núi Bắc Kạn. Nhưng tôi nghĩ rằng những khó khăn đó không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình", cô Dung nói.

{keywords}
Cô giáo Lê Thị Hạnh. Ảnh: VGP

Làm giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa đã gần 20 năm, cô Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện về trang thiết bị, vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

"Vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn ra, các thầy cô dạy học trực tuyến nhưng học sinh lại không có trang thiết bị, Các thầy cô cắm bản để gieo chữ cho học sinh, có bản xa trường 20km, có bản không có học sinh, có bản 1-2 học sinh" - cô Hạnh nói.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước và giáo viên là người nước ngoài đang giảng dạy tại Việt Nam; chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục, với câu nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”...

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng dẫu rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh của chúng ta đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.

Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn của các thầy cô khi dịch Covid-19 gần 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, mà giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh.

“Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...”.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích vượt khó của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. “Các thầy cô đã khắc phục khó khăn thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy, cô giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội, động lực để đổi mới giáo dục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: Lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy chúng ta cần tiếp tục lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công cho phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Trong quá trình đó yêu cầu là phải học thật, thi thật, nhân tài thật.

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Chung tay vì sự nghiệp trồng người

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đang và sẽ giải quyết sớm những vấn đề trước mắt để tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần

Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi hơn để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân. Rà soát đội ngũ giáo viên theo tinh thần ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả theo Nghị quyết của Trung ương.

Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vấn có một số nơi chưa làm. Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. “Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập”.

Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học. Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.., Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.

Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo.

“Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời, học mãi và cũng luôn là một nhà giáo dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này”.

Thúy Nga

33 nhà giáo Hà Nội nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”

33 nhà giáo Hà Nội nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”

Sáng 10/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 15 và tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2021.