- Chiều muộn ngày 25/12, ông Trần Đức Thành, hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (quận Tân Phú, TP.HCM)  đã chia sẻ với VietNamNet xung quanh thông tin nhà trường tổ chức cho học sinh thi học kỳ ngoài trời để chống gian lận.

Muốn trò học thật thi thật

Phóng viên: Thưa ông, xuất phát từ nguyên nhân nào nhà trường có quyết định về đổi mới hình thức thi cử như vậy?

Ông Trần Đức Thành: Tôi từng có 13 năm dạy trường chuyên và 6 năm dạy ở Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM nên lúc nào cũng có quyết tâm dạy thật, thi thật. Làm như vậy để học sinh biết mình đang ở đâu. Tôi từng làm khảo sát ở bậc học này với câu hỏi "Em nào từng giở tài liệu hoặc từng chép bài của bạn?" thì đa phần giơ tay, số rất ít là chưa bao giờ làm việc này.

{keywords}

Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương Trần Đức Thành. (Ảnh: NVCC).

Nếu học sinh mở tài liệu hoặc bạn bên cạnh mở tài liệu được thì các em sẽ thấy chủ quan, hoặc chưa biết lo lắng cho việc học của mình. Khi không học, kiến thức càng học nhiều sẽ càng yếu đi. Vậy thì chỉ còn cách là chúng ta tạo cho học sinh động lực để học tập.

Mục đích thứ hai của trường là qua kỳ thi này giúp đánh giá chính xác năng lực học sinh để có cách can thiệp, giúp đỡ. Từ đây, phụ huynh cũng sẽ yên tâm biết đó là điểm thật của con em mình và có hướng giúp đỡ con.

Sau 4 năm thực hiện chất lượng học sinh của trường có chuyển biến như thế nào?

Trường đã làm việc khảo sát từ năm học 2011 - 2012. Tâm lí của học sinh hiện đều rất tự tin.

Không thể lấy một kỳ thi để đánh giá chất lượng dạy và học được. Chất lượng còn phụ thuộc vào đầu vào của học sinh, của cách giảng dạy và thi cử.

Tuy nhiên, chắc chắn việc thay đổi hình thức thi cử có tác động lớn đến nhận thức về việc học của học sinh.

So với những năm trường mới được mở ra, điểm đầu vào đã nhích dần lên.

Về tỉ lệ đỗ đại học, năm đầu tiên, trường đứng trong tốp 600 trường có tỉ lệ đậu cao nhất cả nước. Năm thứ hai là tốp 200 đến năm thứ tư là vị trí 134. 

Tỉ lệ đỗ đại học qua 4 năm được nâng lên từ 50% đến năm vừa qua là 97%.

Có một số em đậu vào Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, số em đỗ vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng nhiều.

Không khí học tập trong trường vì vậy cũng phấn khởi, tích cực.

"Không làm thật, trò sẽ không tin mình"

Thời điểm đầu tiên khi đưa ra hình thức thi này, trường có nhận được những ý kiến phản ứng từ giáo viên, phụ huynh và đặc biêt là học sinh không?

Không phải tự nhiên chúng tôi nghĩ ra cách làm này. Năm đầu tiên, số học sinh của chúng tôi khá ít. Số phòng học dư là 3. Từ đây, chúng tôi tách một lớp thành nhiều phòng thi, ví dụ lớp có 24 em thì tách làm 3 phòng để việc thi cử nghiêm túc.

{keywords}

Hình ảnh học sinh Trường THPT An Dương Vương thi học kỳ ngoài trời gây xôn xao mạng xã hội Facebook.

Nhưng đến các năm tiếp theo, lượng học sinh vào học đông lên, số phòng học trống không còn. Nhà trường họp lại và cùng bàn về phương án thi ngoài trời.

Một số ý kiến băn khoăn nếu vậy thì trời nắng, mưa, chuyện xếp số báo danh sẽ làm như thế nào. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất nếu trời nắng thì đẩy thời gian nên thi sớm một chút. Bên cạnh đó, cũng tận dụng bóng mát của các hàng cây và chuẩn bị dù lớn phục vụ thi. Còn trời mưa, chúng tôi di chuyển học sinh vào nhà ăn rộng của trường.

Học sinh cho biết các em cảm thấy rất thoải mái. Các em rất tập trung làm bài thi. Về phụ huynh, lúc đầu thấy con điểm thấp quá họ cũng thắc mắc. Nhưng chính học sinh là người giải đáp thắc mắc và giúp phụ huynh yên tâm.

Ông có chịu nhiều áp lực về thành tích chung của trường?

Tôi chỉ tâm niệm là nếu không làm tốt, làm thật thì học sinh, phụ huynh sẽ không tin tưởng mình. Với một trường tư, điều đó là sống còn nên càng thôi thúc chúng tôi phải làm việc này.

Bên cạnh đổi mới trong thi cử, nhà trường cũng có nhiều biện pháp khác để tạo động lực dạy và học.

Nếu các trường cùng làm theo cách này, ông thấy liệu có khả thi không?

Xã hội nhiều ý kiến, có nhiều cách để nâng chất lượng dạy và học. Nhưng nếu đảm bảo về vấn đề thời tiết thì tất cả sẽ đồng thuận. Tôi nghĩ sẽ không ai thắc mắc. Tất nhiên, trường cũng cần giải thích, trao đổi để phụ huynh cùng đồng hành.

Về phía giáo viên, nhân viên khi làm theo cách này chắc chắn mệt mỏi hơn nhưng nếu đồng thuận, cùng hướng về lợi ích của người học thì không có gì trở ngại cả. Trường tôi may mắn khi anh em đều đồng thuận cao. Việc thi cử như vậy từ lâu đã là điều bình thường ở đây.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)