Mức điểm chuẩn "không tưởng" ở nhiều trường năm nay đã khiến nhiều người nhớ về kỳ thi để vào đại học mình từng tham gia các đây mười lăm, hai mươi năm trước.

Những kỳ thi điểm 9, 10 hiếm như kim cương

Chị Hương Giang hiện đang làm việc tại một Nhà xuất bản cho biết chị thi đại học năm 1996. Năm đó chị đăng ký dự thi với khối C vào 4 trường là Viện ĐH Mở Hà Nội (nay là Trường ĐH Mở Hà Nội), ĐH Luật Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội và CĐ Sư phạm Hà Nội (nay là Trường ĐH Thủ đô). 

"Tôi bắt đầu đi luyện thi năm lớp 11, tại một "lò" khá nổi tiếng ở một con ngõ trên phố Hàm Long, với 3 thầy luyện thi khối C nức tiếng khi đó là thầy Hoài dạy Địa, thầy Đức dạy Văn và một thầy dạy Lịch sử. Lớp luyện thi đông nghẹt, muốn có chỗ tử tế ngồi... chép thì phải đến sớm, không thì chỉ có ngồi hành lang nghe tiếng được tiếng mất" - chị Giang nhớ lại.

{keywords}
Một lớp luyện thi cách đây hơn 20 năm. Nguồn: Internet

"Hồi đó các trường thi riêng thành nhiều đợt, 3 đợt đầu là thi đại học, đợt sau là thi cao đẳng, đợt sau nữa là các trường trung cấp. Trường nào tự ra đề thi của trường đó. Tôi không nhớ rõ lắm về đề thi nhưng tôi thuộc diện top đầu của lớp, học hành khá cẩn thận nhưng đi thi 3 trường đều chỉ trên dưới 20 điểm, cao nhất là thi ở trường Nhân văn được 21,5 điểm. Nhưng điểm chuẩn thì cũng không quá cao nên tôi đỗ cả 3 trường, thậm chí có học bổng ở trường Nhân văn.

Hồi đó chúng tôi thi tự luận, Văn, Sử, Địa có thuộc bài viết mỏi tay 2, 3 tờ giấy cũng chỉ 7, 8 điểm là cùng, làm gì có chuyện 9, 10 ầm ầm như sau này thi trắc nghiệm".

Có con năm nay lên lớp 12 và dự định sẽ thi khối D, chị Giang lo lắng "không hiểu năm sau điểm thi, điểm chuẩn sẽ ra sao vì khi biết điểm chuẩn năm nay, gia đình chị đều "hoa mắt, vã mồ hôi"".

Anh Văn Anh hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM thì cho biết đã dự thi đại học năm 1998 trong tâm trạng đây là cuộc thi lớn nhất của đời người, không đỗ đại học là thất bại, sẽ sống vất vả suốt đời.

"Hồi đó làm gì có chuyện không cần dự thi cũng đỗ đại học như bây giờ, và đã đi thì thì càng không có chuyện dễ ăn điểm 9, 10, thậm chí 8 điểm đã là thành tích lớn.

Quê ở Thái Bình, anh cắm mặt học suốt những năm cấp ba. Và đến giai đoạn nước rút trước kì thi thì học ngày học đêm, luyện thi theo các bộ đề.

"Hồi đó tôi thi Kinh tế quốc dân, Thương mại. Bố đưa tôi lên Hà Nội trước 2 ngày để tìm chỗ trọ sao cho tiện đến cả hai địa điểm thi. Chỉ đến bến xe Giáp Bát là đã rất nhiều xe ôm quây lại hỏi, lôi kéo chào mời...".

Kỳ thi năm đó anh Văn Anh đỗ Thương mại, trượt Kinh tế quốc dân và đã từng khá thất vọng với kết quả thi này.

"Tôi được 16 điểm thôi, nhưng hồi đó cũng chẳng trường nào 8, 9 điểm mỗi môn mà vẫn trượt bổ chửng như năm nay" - anh Văn nhớ lại.

{keywords}
Thí sinh đi thi đại học thời trước. Nguồn: Internet

Còn anh Vũ Triệu Đức, Phó Giáo sư (tạm thời) ở Trường ĐH Y Dược Kitasato (Nhật Bản) thì dự thi vào năm 2005, khi các trường đại học không còn thi riêng nữa mà có kỳ thi theo phương thức "3 chung" để lấy kết quả xét tuyển.

Anh Đức thi khối B và nhớ rằng hồi đó có mức điểm sàn là 15 điểm, ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội cũng chỉ lấy 26,5 điểm/ 3 môn, của Khoa Y ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ 23 điểm/3 môn.

"Trên mức đó thì mình thấy khá là khó tưởng tượng, vì hồi mình thi bạn bè quen không có ai vượt ngưỡng 24 điểm, cho dù là học giỏi nhất lớp hay nhất trường mình".

Năm đó các môn Toán, Lý, Hóa vẫn là tự luận. "Thi tự luận, ví dụ 1 điểm/câu và mỗi ý được 0,25 điểm thì cách trình bày đòi hỏi tỉ mỉ và chính xác mới được hưởng trọn 1 điểm. Mình còn nghĩ cho ngồi chép đáp án chưa chắc được 9 điểm mỗi môn vì nhiều khả năng sẽ sai nọ sai kia hết cả lên. Chứ nhìn điểm thi năm nay làm mình liên tưởng cứ như đến đọc bảng cửu chương lấy điểm".

Anh Đức cho rằng nếu chỉ đơn thuần xét về mặt điểm số, là thí sinh thì cứ thấy điểm cao sẽ vui hơn thấp.

"Cao thì cao chung, thấp thì thấp chung nên mức độ cạnh tranh theo mình là cũng vẫn thế. Nhưng mà tới những trường hợp 26-27 điểm không đỗ đại học thì không tưởng tượng nổi, chẳng nhẽ 1 lớp đại học toàn là siêu nhân? Hay như một trường hợp 27 điểm mà trượt cả 9 nguyện vọng thì mình thấy cũng hài" - anh Đức nhận xét.

Những lăn tăn

Anh Nguyên Vũ - một độc giả nhận đang công tác tại một trường thuộc khối Quân đội trong phản hồi gửi về VietNamNet cho rằng, chất lượng đầu vào của học viên mấy năm nay kém hơn trước.

"Theo tôi có hai nguyên nhân, một là đề thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển đại học có độ phân hóa không cao, hai là có sự dễ dãi trong khâu coi và chấm thi. Mặc dù, điểm chuẩn đầu vào vẫn hơn 28 điểm nhưng bước vào học tập mới thấy rõ trình độ nhận thức và kiến thức của nhiều em chỉ ở mức trung bình yếu".

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Thanh Tùng

Cảm nhận này cũng giống với những băn khoăn của anh Vũ Triệu Đức.

"Dường như không nhiều học sinh bây giờ học có nền tảng, kể cả nhiều em đang là học sinh top đầu của trường.

Một phần cũng do học để thi trắc nghiệm nên học mẹo hơn là học bản chất. Ví dụ như môn Hoá học sẽ có rất nhiều mẹo để làm bài nhanh. Những thầy cô chỉ tập trung gom các mẹo đó để chỉ 'miếng' cho học trò, cứ dạng đó thì là đáp án đó thay vì giúp các em hiểu đó là dạng gì và vì sao có đáp án đó. Vì mục tiêu thi trắc nghiệm thì cái cuối cùng chính là đáp án.

Nếu học theo hướng tự luận thì đến lúc thi lại không đủ giờ, nên vô hình chung điểm số không phản ánh thực lực, và càng học lên cao thì càng dở.

Bởi lúc đó không ai thèm để ý mình thi được bao nhiêu điểm, từng học trường gì mà là vấn đề như thế thì phương án giải quyết như thế nào".

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi kỳ thi, đề thi đều có sự hợp lý ở từng thời điểm nhất định. Hiện tại, đề thi tốt nghiệp THPT có mục đích chính là xét tốt nghiệp nên không thể 'đánh đố' hay 'mẹo mực' như đề thi riêng của từng trường đại học những năm 2000 đổ về trước. Tuy nhiên, nhìn vào khối lượng kiến thức mà học sinh thời gian phải ôn luyện thì không hề nhẹ nhàng hơn trước.

Một độc giả nhìn nhận, việc thi Toán theo hình thức trắc nghiệm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, không phải hoàn toàn là bất hợp lý. Vấn đề chỉ là hoàn thiện đề thi để giảm thiểu các bất cập mà thôi. 

Phương Chi

GS Nguyễn Đình Đức: 'Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ'

GS Nguyễn Đình Đức: 'Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ'

Thống kê tỷ lệ điểm giỏi (8-10 điểm) ở các môn, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ. Nếu không tỉnh táo, 30 điểm vẫn trượt đại học là điều giải thích được”.

Bộ Giáo dục lên tiếng về điểm chuẩn đại học tăng đột biến

Bộ Giáo dục lên tiếng về điểm chuẩn đại học tăng đột biến

Điểm chuẩn của nhiều trường đại học năm nay tăng kỷ lục khiến thí sinh “khóc ròng”. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng điểm chuẩn ở một số nhóm ngành.

'Lạm phát' điểm chuẩn đại học: Nhiều bất cập từ xét điểm thi tốt nghiệp

'Lạm phát' điểm chuẩn đại học: Nhiều bất cập từ xét điểm thi tốt nghiệp

Trước sự “bùng nổ” điểm chuẩn của các trường đại học trong năm nay, nhiều thí sinh đành phải ngậm ngùi tiếc nuối vì không thể đỗ vào ngành học mình yêu thích, dù mức điểm đạt được cao hơn nhiều so với điểm chuẩn của năm ngoái.