- Gần 10 năm theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đức, anh Nguyên (39 tuổi, TP Hà Tĩnh) dễ tìm được công việc với thu nhập cao. Nhưng anh đã có quyết định "khác người" khi bỏ "trời Tây" về quê làm trang trại nuôi tôm, gà.

{keywords}
 Anh Nguyễn Văn Nguyên tự tay trộn thức ăn cho gà và tôm

Chúng tôi tìm về trang trại rộng 36 ha của anh Nguyễn Văn Nguyên (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) khi anh đang tự tay trộn thức ăn cho gà và tôm.

Anh Nguyên chia sẻ, sau thời gian làm việc tại TP.HCM giao lưu nhiều với bạn bè đến từ các nước, năm 2003, anh quyết định sang CHLB Đức học ngành Quản trị kinh doanh. 

"Trong suốt 8 năm ở  Đức, xong ĐH tôi học lên thạc sĩ. Thời gian đó, tôi luôn mong muốn sau này được trở về quê hương, làm giàu trên chính mảnh đất sinh ra" - anh Nguyên tâm sự.

Lúc chia sẻ với bạn bè ý định về quê nuôi gà, đào ao thả cá, nuôi tôm, ai cũng ái ngại và khuyên anh nên từ bỏ ý định. 

Bởi với kiến thức học hỏi được, tôi có thể xin được công việc với mức lương hậu hĩnh ở bên Đức

Bạn bè khuyên can, bản thân cũng có chút xao động - nhưng ý định về quê làm trang trại đã ngấm vào máu. Và tôi quyết định về quê hương để theo đuổi đam mê...

Có nước mắt

{keywords}
 Mỗi năm trang trại mang lại cho anh Nguyên vài tỷ đồng.

Năm 2013, anh về quê mở trang trại chăn nuôi. Ngoài 5 ha ao hồ nuôi cua biển, tôm sú, anh còn nuôi thêm 12.000 con gà.

Ở vụ thu hoạch đầu, anh đã thấm thía sự mất mát khi cơn bão đổ bộ vào Hà Tĩnh, mưa lớn cùng nước lũ dâng cao đã cuốn theo trang trại mà anh vất vả ngày đêm gây dựng.

"Toàn bộ 12.000 con gà bị chết vì ngập nước, tôm cua cũng thoát ra ngoài, thiệt hại gần 2 tỷ đồng"- anh tính toán.

Khi ấy, nhiều người khuyên anh nên từ bỏ nhưng với quan điểm "thất bại ở đâu, đứng lên ở đó" - anh tiếp tục vay mượn tiền từ bạn bè và gia đình để đầu tư từ đầu.

..."Quả ngọt" cho nhiều người

Rút kinh nghiệm từ thất bại, anh xây chuồng trại nuôi gà cao hơn. Anh cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc kè đá, đắp đập lên cao bao hết 36 ha trang trại gia đình, thả cua giống, tôm sú.

Ngoài học tập kinh nghiệm từ những chủ trang trại trong vùng, anh còn tự mày mò thêm các cách để giúp cho gà, tôm nhanh lớn mà tiết kiệm được chi phí.

Không chỉ tự chế biến thức ăn sạch cho tôm cua, anh còn tận dụng phân gà để cái tạo ao đầm thay vì mua thuốc vi sinh rất tốn kém.

Năm 2014, trang trại mang lại quả ngọt cho anh Nguyên khi hàng chục tấn tôm sú, cua gạch, gà thịt được xuất đi không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn có các tỉnh lân cận. Trừ tiền nhân công, thức ăn, anh thu về 2 tỷ đồng.

Trang trại của anh cũng tạo công việc cho gần 20 nhân công với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Cua biển, tôm sú đã giúp mình có thu nhập. Mình cũng sẵn lòng chia sẻ với những ai có đam mê nuôi trồng để làm giàu, anh Nguyên tâm sự.

Chỉ vào những chiếc thùng nhựa, anh Nguyên cho hay - đó là lục bình (hay còn gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản) đã được xay nhỏ, ủ nhiều ngày. Khi trộn chúng với bột ngô lên men, can xi, cá (đã nấu chín) theo một tỷ lệ nhất định để thức ăn cho gà, cá.

Theo anh, cách tự chế biến thì thức ăn vừa sạch vừa đảm bảo dưỡng chất và tiết kiệm được 30% so với thức ăn công nghiệp. 

Với cách làm như vậy, năm 2015, trừ đi toàn bộ chi phí, anh Nguyên đã thu về gần 2 tỷ đồng từ việc chăn nuôi tôm, gà....

"Nhìn lại những cuốn sách, giáo trình, mình vẫn có chút tiếc nuối. Tuy nhiên, nếu được chọn, mình vẫn sẽ làm trang trại" - anh Nguyên trải lòng.

Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) - Nguyễn Sông Hàn cho hay, mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Nguyên không chỉ giúp cho kinh tế xã nhà phát triển, mà còn giúp cho nhiều hộ dân khác noi theo làm giàu trên chính quê hương.
  • Văn Đức