Với nhiều phụ nữ mang bầu, một danh sách dài trước khi lâm bồn với tã, bỉm, cũi… là điều không thể thiếu. Nhưng với một số bà bầu Trung Quốc, danh sách này còn phải bổ sung thêm một chiếc vé máy bay tới Mỹ.

{keywords}

Felicia He, 27 tuổi đã chi ra hàng chục ngàn đô la Mỹ và lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi nhảy lên máy bay tới California.

“Tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi từ cuối tam cá nguyệt đầu tiên” – cô nhớ lại. “Tôi có tham khảo những người bạn đã sinh ở Mỹ trước đó để tìm bác sĩ xin lời khuyên, sau đó tôi tìm chỗ ở gần khu vực định sinh. Tôi sẽ ở đó khoảng vài tháng. Cuối cùng là mua vé máy bay”.

Nhiều bà mẹ Trung Quốc đang đổ xô tới Mỹ sinh con nhờ luật cấp quyền công dân Mỹ cho bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ. Năm 2012, ngành công nghiệp du lịch sinh nở bùng nổ với khoảng 10.000 phụ nữ Trung Quốc sinh con ở Mỹ - gấp đôi con số 4.200 người vào năm 2008 – số liệu từ báo chí Trung Quốc.

Nhiều gia đình muốn con có quốc tịch Mỹ bởi vì hộ chiếu của đứa trẻ có thể là chiếc vé giúp gia đình thực hiện “giấc mơ Mỹ” nếu họ quá mệt mỏi với cơn ác mộng ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm bị đe dọa nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình cũng là một lý do thôi thúc người giàu Trung Quốc chuẩn bị một phương án dự phòng cho mình.

“Nếu chính trị và kinh tế trở nên bất ổn, bọn trẻ sẽ có nơi để đến” – Leti Volpp, giảng viên luật ở ĐH California, Berkeley nhận định. Bọn trẻ có thể bảo lãnh cho cha mẹ chúng khi đủ 21 tuổi”.

Mong muốn rời khỏi Trung Quốc được thể hiện đặc biệt rõ rệt ở tầng lớp thượng lưu. Theo báo cáo Hurun được công bố vào năm ngoái, gần 2/3 người Trung Quốc có tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) trong ngân hàng đã di cư, hoặc đang có kế hoạch di cư.

Với He – người đã sinh con ở Mỹ vào năm ngoái thì hộ chiếu Mỹ cho con chị đồng nghĩa với cơ hội được học tập ở Mỹ sẽ cao hơn.

Còn với những người khác như chị Miao thì sinh con ở Mỹ là một cách để chị lách luật sinh một con của Trung Quốc. Mặc dù luật này đã được nới lỏng ít nhiều nhưng không phải ai cũng được phép sinh con thứ hai.

Miao ước tính cô đã tốn khoảng gần 30.000 USD để sinh đứa con thứ hai ở Mỹ. Giống như He, cô cũng có ý định sẽ cho con sang Mỹ du học, có lẽ là ngay từ cấp tiểu học.

Để quá trình sinh nở ở xứ người được dễ dàng hơn, Miao đã phải nhờ tới một công ty thuê giúp cô một căn hộ ngắn hạn ở khu vực thuộc Los Angeles – nơi có nhiều bà bầu Trung Quốc đang chuẩn bị sinh như cô.

Hiện tại, có rất nhiều công ty làm dịch vụ này. Họ có trang web và chào hàng những gói sinh nở lo chu tất từ A tới Z tại “khách sạn phụ sản”. Ở đây, họ có chỗ ở sang trọng, ăn uống, tài xế, hẹn bác sĩ và nhiều dịch vụ khác. Thậm chí, trang web còn hướng dẫn cách làm hộ chiếu cho đứa trẻ và nơi nộp đơn xin visa.

Trong khi nhiều mẹ chọn sinh ở 48 tiểu bang vùng hạ thì những lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ như quần đảo Bắc Mariana cũng rất phổ biến. Những quần đảo này gần Trung Quốc và có chương trình miễn visa cho du khách Trung Quốc.

Du lịch sinh nở đã bùng nổ rất nhanh ở những khu vực này. Đây là vấn đề mà nghị sĩ Gregorio Sablan đã nhiều lần hối thúc chính phủ Mỹ hỗ trợ kiểm soát, chẳng hạn như đưa ra các biện pháp thanh lọc để hạn chế số lượng mẹ bầu Trung Quốc sang sinh con.

Cả gia đình Miao và He đều đang nghiền ngẫm kế hoạch di cư sang Mỹ, do bị hấp dẫn bởi chi phí sống thấp. Chi phí cho nhà đất hợp lý hơn, đặc biệt là so với Bắc Kinh – nơi mà giá cả nhà đất vẫn đang tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên vẫn có một vấn đề. Làm hộ chiếu Mỹ cho một đứa trẻ đồng nghĩa đứa trẻ đó sẽ phải đóng thuế theo luật Mỹ.

“Tôi chưa nghĩ tới chuyện đó. Dù sao, chúng tôi cũng phải đợi tới khi con tôi đủ 18 tuổi, phải không?”

  • Nguyễn Thảo (Theo CNN)