Nếu nhìn bằng con mắt hiện đại, 3 bộ phim kinh điển về các nàng công chúa của Disney – phát hành năm 1937, 1950 và 1959 – có vẻ như là những bước lùi đau đớn. Tại sao người ta lại quá ám ảnh với nhan sắc của nàng Bạch Tuyết? Tại sao cô bé Lọ Lem chẳng có tài năng hay sở thích gì? Và tại sao Công chúa ngủ trong rừng lại chẳng làm được trò trống gì ngoài việc bị đánh thuốc mê rồi đợi hoàng tử đến giải cứu?


{keywords}
Tại sao Công chúa ngủ trong rừng lại chẳng làm được trò trống gì ngoài việc bị đánh thuốc mê rồi đợi hoàng tử đến giải cứu?

Sau “Nàng Công chúa ngủ trong rừng” năm 1959, phải mất tới 30 năm hãng phim này mới sản xuất một nhân vật công chúa hoạt hình khác. Ba thập kỷ gián đoạn cho thấy những thay đổi đáng kể. Walt Disney qua đời. Betty Friedan xuất bản cuốn “Bí ẩn nữ tính”. Martin Luther King Jr. tiến vào Washington.

Năm 1989, khi Disney ra mắt “Nàng tiên cá”, các nhà phê bình đã có lời khen ngợi hình ảnh nữ anh hùng mới và hiện đại này. Không giống như các nàng công chúa khác, “Ariel được xem là một nữ nhân vật có suy nghĩ và hành động độc lập, thậm chí có phần nổi loạn” – Roger Ebert viết. Trong khi tờ New York Times gọi cô là “kẻ liều mạng can đảm”.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, “Nàng tiên cá” lại là một bước lùi trong thể loại phim công chúa. Với một bộ phim tập trung vào một cô gái trẻ, thì thật tệ khi người ta để cho đàn ông nói quá nhiều. Chính xác thì đây là bộ phim công chúa đầu tiên của Disney mà đàn ông nói nhiều hơn hẳn phụ nữ.

Và nó đã bắt đầu cho một xu hướng sau này. Tất nhiên, theo cốt truyện của “Nàng tiên cá” thì Ariel mất giọng nói của mình khi có đôi chân, nhưng trong 5 bộ phim công chúa sau này của Disney, phụ nữ nói càng lúc càng ít hơn. Trung bình, trong những bộ phim này, đàn ông nói nhiều gấp 3 lần phụ nữ.

Dữ liệu này được đưa ra bởi nhà ngôn ngữ học Carmen Fought và Karen Eisenhauer – người đang thực hiện một dự án phân tích tất cả hội thoại trong phim công chúa của Disney ở các giai đoạn. Do có quá nhiều bé gái xem những bộ phim này – thường là xem đi xem lại, nên rất đáng để nghiên cứu xem những bộ phim này đang dạy những gì về vai trò giới tính.

“Chúng tôi không tin rằng các bé gái tự nhiên mà nói ra những điều chỉ dành cho con gái hay tự dưng nói ra những điều chỉ con gái mới nói” – ông Fought, giáo sư ngôn ngữ học ở Pitzer College nhận định. “Chúng sinh ra không liên quan gì tới những bộ váy màu hồng. Bằng cách nào đó, chúng ta đã dạy chúng. Vì thế, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là các bé gái lấy những ý niệm này từ đâu ra?”

Nghiên cứu về công chúa Disney vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên cách đây vài tuần, Fought và Eisenhauer đã đưa ra một kết quả sơ lược trong hội thảo lớn nhất nước Mỹ dành cho các nhà ngôn ngữ học. Mục tiêu của họ là dùng dữ liệu để làm sáng tỏ sự khác biệt trong các câu nói của nhân vật nam và nữ.

Họ bắt đầu bằng việc đếm xem các nhân vật nói bao nhiêu. Và họ đã tìm ra một kết quả ngạc nhiên đến mỉa mai.

Trong 3 bộ phim công chúa kinh điển của Disney, phụ nữ nói nhiều bằng hoặc nhiều hơn đàn ông. “Nàng Bạch tuyết” có tỷ lệ 50-50. “Cô bé Lọ Lem” là 60-40, còn “Công chúa ngủ trong rừng” có 71% là phụ nữ nói. Mặc dù những bộ phim này được sản xuất cách đây 50 năm, nhưng chúng lại cho phụ nữ cơ hội đáng kể để thể hiện tiếng nói của mình.

Ngược lại, tất cả những bộ phim công chúa từ năm 1989-1999 – kỷ nguyên “phục hưng” của Disney – đều là sự thống trị của nam giới. Đàn ông nói 68% trong “Nàng tiên cá”, 71% trong “Người đẹp và quái thú”, 90% trong “Aladdin”, 76% trong “Pocahontas” và 77% trong “Hoa Mộc Lan” (Mộc Lan được tính là phụ nữ, mặc dù cô đóng giả là một người đàn ông).

Hầu hết nhân vật trong các bộ phim mới này là đàn ông. Bên cạnh nhân vật nữ chính, các phim thường đưa ra rất ít hình ảnh phụ nữ quyền lực, đáng kính, hữu ích hay hài hước.

“Có một nàng công chúa cô đơn cố gắng tìm ai đó để kết hôn, nhưng chẳng có người phụ nữ nào làm được tích sự gì hết” – Fought nói. “Chẳng có người phụ nữ nào dẫn đầu đoàn chống quái thú, chẳng có người phụ nữ nào tụ tập trong các quán rượu cùng uống và nhảy múa, chẳng có phụ nữ nào đứng dậy chỉ đạo mọi người, cũng chẳng có phụ nữ nào phát minh ra thứ gì đó. Người làm mọi thứ - ngoài việc tìm chồng – đều là một người đàn ông”.

{keywords}
"Nàng tiên cá" là bộ phim đầu tiên xây dựng hình ảnh một nàng công chúa mới và hiện đại

Những bộ phim cũ hơn còn có sự bình đẳng giới tốt hơn. Tuy nhiên, “Nàng tiên cá” đã đi tiên phong trong việc tạo ra một phong cách mới cho phim của Disney.

Eisenhauer – một nghiên cứu sinh ở Bắc Carolina cho rằng chúng ta đang được dạy rằng đàn ông là tiêu chuẩn. “Khi bạn cần một người giám sát, người đó sẽ là đàn ông. Khi bạn cần một bảo vệ, người đó sẽ là đàn ông. Tôi cho rằng việc đó đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta.”

Nhân vật phụ tá là một ví dụ khác cho thấy vai trò của đàn ông giống như sự mặc định. Đây là kiểu nhân vật phổ biến trong các bộ phim gần đây của Disney. Đó là Flounder, Sebastian, Lumiere, Cogworth, lago, Genie và Mushu. Tại sao không có ai là đàn ông trong số này? Bà Potts – nhân vật ấm trà trong “Người đẹp và quái thú” là trường hợp duy nhất là nhân vật nữ phụ, nhưng bà cũng bị lu mờ bởi một loạt các nhân vật phụ khác.

Sau “Hoa Mộc Lan” (1998), Disney mất 10 năm nghỉ ngơi trước khi cho ra mắt loạt phim công chúa tiếp theo. Những bộ phim này có sự bình đẳng giới tốt hơn. Trong “Công chúa tóc mây”, phụ nữ nói chiếm 52%, trong “Công chúa tóc xù” – một bộ phim về mối quan hệ mẹ - con gái, tỷ lệ này là 74%.

Tuy nhiên, “Nữ hoàng băng giá” đã phá vỡ xu hướng này. Mặc dù là câu chuyện về 2 chị em công chúa, xong đàn ông nói chiếm 59% bộ phim.

Tất nhiên, đánh giá một bộ phim bằng số lượng câu nói của phụ nữ là chưa đủ. Nội dung câu nói của các nhân vật mới là quan trọng. Phân tích của Fought và Eisenhauer đã tập trung vào những lời khen. Họ phân loại tất cả lời khen trong các bộ phim công chúa của Disney để thấy sự khác biệt theo thời gian khi nói về phụ nữ.

Kết quả cho thấy, các bộ phim công chúa kinh điển của Disney tập trung vào ngoại hình. Hơn một nửa số lời khen mà phụ nữ nhận được (55%) là khen về ngoại hình. Chỉ 11% là khen kỹ năng và thành tích mà họ đạt được. (Số còn lại là khen vì những lý do khác như: tài sản, tính cách).

{keywords}
"Công chúa tóc xù" là một trong những bộ phim công chúa của Disney xây dựng hình ảnh nữ nhân vật chính mạnh mẽ, tài năng và phá cách

Một số nhà tâm lý học khuyên phụ huynh không nên khen trẻ, đặc biệt là các bé gái về ngoại hình của chúng. Ngay cả những lời khen tích cực cũng là không nên, bởi vì chúng củng cố cho quan điểm ngoại hình là quan trọng. Hơn nữa, các nghiên cứu đều cho thấy sẽ tốt hơn khi khen ngợi trẻ vì nỗ lực và thành tích hơn là vì ngoại hình.

Trong khi đó, những bộ phim công chúa trong kỷ nguyên “phục hưng” thì khá hơn về vấn đề này. Khoảng 38% lời khen dành cho phụ nữ là về ngoại hình, 25% là về khả năng hoặc hành động. Trong loạt phim mới nhất, bắt đầu với “Công chúa và hoàng tử ếch”, những con số này đã được đảo ngược. Lần đầu tiên, phụ nữ được khen ngợi vì kỹ năng và thành tích nhiều hơn là ngoại hình.

Một phần là do những người ở vị trí lãnh đạo của các bộ phim này. “Nữ hoàng băng giá” và “Công chúa tóc xù” đều được lên ý tưởng, viết và đạo diễn bởi phụ nữ hoặc một nhóm gồm các phụ nữ. Brenda Chapman – người tạo ra “Công chúa tóc xù” – cho biết bà thực sự muốn phá vỡ khuôn mẫu của các nàng công chúa Disney. “Merida đã được tạo ra để phá vỡ khuôn mẫu đó” – Chapman chia sẻ trên một trang web làm cha mẹ.

Dawn England – một nghiên cứu sinh ở ĐH Bang Arizona cho rằng cần có thêm những nghiên cứu về việc trẻ em bị ảnh hưởng như thế nào bởi những miêu tả giới tính ở các bộ phim của Disney.

Ít nhất, hãng phim này nên nỗ lực để các bộ phim có nữ quyền nhiều hơn. “Vẫn còn là một con đường dài, nhưng đã có một sự thay đổi không thể chối cãi với những nàng công chúa nữ tính” – bà England nói.

Ví dụ như, Belle trong “Người đẹp và quái thú” năm 1991 đã được xây dựng như một hình mẫu nữ quyền. Linda Woolverton – người phụ nữ đầu tiên viết kịch bản cho một bộ phim hoạt hình của Disney – chia sẻ trên L.A Times năm 1992 rằng, bà xây dựng hình ảnh của Belle dựa trên nhân vật do nữ diễn viên huyền thoại Katharine Hepburn thủ vai trong bộ phim “Litte Women” – “mạnh mẽ, năng động, thích đọc sách”.

Nghiên cứu của Fought và Eisenhauer đã gợi nhớ cho chúng ta rằng vấn đề không chỉ là việc các nàng công chúa được miêu tả như thế nào, mà quan trọng hơn là những nàng công chúa này đang sống trong một thế giới như thế nào, ai là người cai trị thế giới đó, ai là người nắm quyền lực, và thậm chí, ai là người được mở miệng. Trong nhiều trường hợp, các nàng công chúa bị lấn át bởi đàn ông trong những bộ phim của riêng họ.

  • Nguyễn Thảo (Theo The News Tribune)