- Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của TP.HCM diễn ra sáng nay (20/3) trong không khí thẳng thắn, cởi mở.

150 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, công dân trẻ… đại diện cho 3,2 triệu thanh niên TP.HCM đã có dịp cởi lòng những suy nghĩ của mình.

Ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực thành ủy đặt một loạt câu hỏi như thanh niên cần làm gì, nhận lãnh sứ mệnh như thế nào để góp phần cho thành phố trong hội nhập? Ngược lại, thành phố phải tạo điều kiện cho thanh niên như thế nào?... Ông Cang mong mỏi: “Trong cuộc trao đổi này, chúng tôi mong các bạn thanh niên hãy trao đổi những suy nghĩ tận trong trái tim về những vấn đề về kinh tế, xã hội, giáo dục của thành phố”

Thanh niên đề đạt điều gì lên lãnh đạo?

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc (32 tuổi) giảng viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết dù đã đi đến 20 nước nhưng anh vẫn mong muốn được quay về thành phố.   

“Tại sao bây giờ nói tiến sĩ giấy nhiều quá? Bản thân tôi là tiến sĩ nghe rất đau đầu. Những tập đoàn lớn vốn cũng bắt đầu từ những tiến sĩ quèn, sau 10 - 20 năm trở thành những tập đoàn tỷ đô. Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm, sát cánh cùng chính quyền, nhưng thành phố phải tạo được xa lộ cao tốc cho khoa học công nghệ phát triển, ví dụ những vườn ươm công nghệ, công viên để các nhóm nghiên cứu suy nghĩ lớn và làm lớn, để các tiến sĩ nghĩ và làm được việc lớn chứ không nghĩ mình là một ông tiến sĩ” – TS Lộc nhấn mạnh.

Thanh niên “nông dân” Trương Tấn Phong, giám đốc công ty TNHH MTV Thanh Phong, thì bày tỏ những khúc mắc trong chăn nuôi.

{keywords}

Thanh niên “nông dân” Trương Tấn Phong

Anh Phong cho biết để được xây dựng thì trang trại chăn nuôi phải xa khu dân cư, nhưng xa dân cư thì không được cấp phép thổ cư. Muốn quản lý tất cả các trang trại phải có giấy phép nhưng hiện tại tất cả các trang trại đều không có phép. …

“Bản thân tôi rất tâm đắc vấn đề một cửa nhưng lại không tâm đắc với vấn đề một cửa nhiều phòng ban. Người nông dân như tôi không biết chạy từ phòng nào” - Phong nhấn mạnh và khẳng định “muốn nhiệt huyết thì phải có sự chăm sóc từ các lãnh đạo”.

Chị Nguyễn Thanh Việt, tổng phụ trách đội của Trường THCS Đồng Đen (Bình Chánh), đồng thời là giáo viên lịch sử, mong muốn cần tăng cường các chương trình giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc và lịch sử TP.HCM…

Cách mạng khoa học để nông dân không lo trái mùa

TS Nguyễn Bá Hải, 33 tuổi, trưởng khoa Sáng tạo và khởi nghiệp, trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng hiện nay ở thành phố thì vốn và nhân lực không phải là điều quan trọng nhất mà cái cần là hệ sinh thái. “Nếu bao cấp là “chết” ngay lập tức. Sáng tạo là điều không thể dạy được, mà phải do môi trường kích thích cho người ta sáng tạo. 3,2 triệu thanh niên ở thành phố này phải gửi gắm cho cô Tâm, chú Thăng” - TS Hải nói.

{keywords}

TS Nguyễn Bá Hải

TS Hải xin email của Bí thư Thành ủy để gửi 7 đề xuất cụ thể, dài khoảng 20 trang, hiến kế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Những đề xuất này được anh thu thập, nghiên cứu từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Ngay sau đó, ông Tất Thành Cang bất ngờ hỏi: “Nếu làm một dự án về khởi nghiệp của thành phố giao cho em làm thường trực với thành đoàn thì em có nhận lời không?”. TS Hải lập tức đồng ý.

TS Dương Trọng Hải, giảng viên khoa công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM thì đề xuất thành ủy lập đội ngũ xây dựng cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4. “Cuộc cách mạng để người nông dân không phải lo trái mùa, sâu bệnh. Người đi biển không phải đánh bắt tràn lan các loại cá mà họ có thể lựa chọn. Người đi xuất khẩu lao động không có nghĩa phải ra nước ngoài làm việc mà có thể ở trong nước làm việc”.

Bác sĩ Ngô Quang Duy, bí thư đoàn Bệnh viện nhân dân Gia Định nêu ý kiến “Hiện tại sinh viên của rất nhiều trường vào bệnh viện thực tập nhưng lượng như thế nào không ai biết vì số lượng quá  đông. Vì vậy phải có số lượng đào tạo nhất định, phân bố các bệnh viện thực tập, có chuẩn thực tập”.

Nhiều ý kiến về giao thông, nhà ở cho công nhân, lực lượng vũ trang cũng được bảy tỏ trong buổi đối thoại...

Chúng tôi tin vào thế hệ trẻ

Ông Đinh La Thăng đã đề nghị giám đốc sở Khoa học công nghệ, Sở giao thông vận tải, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở nội vụ trả lời cụ thể về các ý kiến thắc mắc của các bạn trẻ. Ông cũng đề nghị kỉ luật các giám đốc sở vì vắng mặt trong cuộc gặp này.

{keywords}
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng bày tỏ sự trân trọng ý kiến của các bạn trẻ và đề nghị chủ tịch thành phố chỉ đạo các sở ban ngành, tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo lại cho Đoàn viên thanh niên. “Các vấn đề phải minh bạch, công khai. Thành đoàn có cơ chế đối thoại, không chờ các cuộc gặp mặt theo thông lệ. Các cấp lãnh đạo, các sở ban ngành gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên thanh niên” – ông Thăng yêu cầu.

Ông Thăng tin tưởng tuổi trẻ thành phố là lực lượng nòng cốt của thành phố và mong muốn TP.HCM phải là đầu tàu khởi nghiệp.

“Tuổi trẻ hơn tuổi già ở khát vọng thử thách, dám làm, dám chịu. Chúng tôi tin tưởng vào các bạn và mong muốn các bạn hãy tự tin, sáng tạo. Và chúng tôi cũng mong muốn thể hệ trẻ tin tưởng vào vào lãnh đạo thành phố” – ông Thăng nói.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng Đoàn thanh niên phải nghĩ ra cơ chế tiếp nhận ý kiến, không nên để đến khi gặp lãnh đạo một năm một lần mới lắng nghe. “Có rất nhiều chương trình hay nhưng hôm nay mới nghe thanh niên nói”.

Theo ông Phong, thanh niên ngày nay phải dương cao hai ngọn cờ. “Ngày xưa thanh niên chỉ dương cao ngọn cờ lên rừng xuống biển. Hiện tại thanh niên phải dương cao hai ngọn cờ lên rừng xuống biển và chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ”.

Lê Huyền