Trình bày suy nghĩ “về vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị”; “Anh/chị có đồng tình với việc cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn không?”; Bằng trải nghiệm của bản thân hãy bày tỏ suy nghĩ về câu "Con chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt"... Đây là một vài câu hỏi gây chú ý trong đề thi Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa diễn ra ở Quảng Ngãi, Ninh Bình, Đồng Nai...

Dù chưa tổ chức thi vào lớp 10 năm 2021 nhưng đề thi Ngữ văn của TP.HCM những năm gần đây được đánh giá đã có những đổi mới ấn tượng. Chẳng hạn như đề thi Ngữ văn thi vào lớp 10 năm 2020 có một chủ đề xuyên suốt là “Lắng nghe”: Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết.

Năm 2019, đề thi Ngữ văn của thành phố này cũng gây tiếng vang khi mang "Câu chuyện của những cái cây" để nói về "cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình".... 

{keywords}
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2020 ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) cho biết mình thường xuyên theo dõi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của nhiều tỉnh, thành những năm gần đây. Tuy không thể tránh khỏi một số sai sót đáng tiếc nhưng nhìn chung cách ra đề có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

“Trong đề thi đã xuất hiện phần Đọc hiểu với một văn bản hoàn toàn mới, học sinh chưa được học, không có trong chương trình. Với những câu hỏi từ một văn bản mới như vậy, học sinh không thể học tủ, học vẹt, học thuộc lòng mà đòi hỏi phải có cách làm bài, có phương pháp tư duy hợp lý mới có thể làm được.

Câu nghị luận xã hội trong đề thi của nhiều tỉnh thường hướng đến những vấn đề xã hội giàu ý nghĩa, gần gũi và cần thiết với tất cả mọi người như: Sự đố kị, sự cần thiết phải thay đổi, áp lực của cha mẹ đối với con cái, “giấc mơ cha đè nát cuộc đời con”… Chính vì vậy mà nhiều đề thi mang tính giáo dục cao, được xã hội quan tâm bàn luận. Cách hỏi cũng cởi mở, sáng tạo, phần nào tạo điều kiện để học sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình chứ không gò ép các em vào khuôn mẫu.

Câu nghị luận văn học chủ yếu vẫn ra trong các tác phẩm trong chương trình lớp 9 nhưng cách hỏi cũng có những thay đổi mới mẻ, sáng tạo hơn, ít nhiều tạo cơ hội để học sinh thể hiện được sức nghĩ, sức viết của mình” - thầy Minh nhận xét.

Còn nhìn nhận về việc có tỉnh “mở" nhiều, tỉnh “mở” ít trong việc ra đề Ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) cho rằng những năm trước người ra đề của các địa phương còn ít nhiều dè dặt vì ngại sự tranh cãi, soi xét. Nhưng năm nay, sự thay đổi trong đề thi diễn ra ở nhiều nơi hơn.

“Theo quan sát của tôi, khi thấy một số tỉnh làm được và được khích lệ thì dần dần các địa phương có sự thay đổi trong cách ra đề Ngữ văn. Sự thay đổi đặc biệt mạnh mẽ ở TP.HCM, đề thi không chỉ đổi mới cách hỏi mà còn yêu cầu thí sinh tư duy, phản biện nhiều hơn, bộc lộ quan điểm của mình nhiều hơn. Tính mở của đề Ngữ văn những năm gần đây rất rộng khi học sinh được quyền nói quan điểm của mình. Môn Văn vì vậy mà bớt điều tiếng học vẹt, học tủ…”.

“Năm nay, tôi đánh giá cao đề thi của Đồng Nai cả cho lớp thường lẫn lớp chuyên. Đề thi của Khánh Hòa cũng rất tốt dù còn băn khoăn một chút về cách dùng từ” - thầy Đức Anh nói.

Thầy giáo này cũng đánh giá học sinh là người được lợi nhất trong việc đổi mới.

“Các đề thi đã cùng hướng tới mục tiêu của giáo dục hiện nay là đào tạo con người có tư duy chứ không phải được đào tạo trong hệ tư tưởng đã định sẵn. Học sinh được tôn trọng sự khác biệt, kể cả những suy nghĩ khác”.

Học sinh Gen Z, giáo viên cũng phải thay đổi

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nhận định sự thay đổi trong cách ra đề thi tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách dạy và học. Bởi lẽ nếu vẫn giữ nguyên cách dạy và học như trước đây, học sinh không thể nào tiếp cận với cách ra đề thi mới được.

Theo thầy Minh, đề thi trước đây chủ yếu dừng lại ở việc kiểm tra học sinh “nhớ gì?” “hiểu gì?” nên giáo viên chỉ cần truyền thụ kiến thức kĩ, học sinh học kĩ, nhớ kĩ là làm bài được. Thế nhưng đề thi hiện nay lại hướng đến việc kiểm tra năng lực. Với cách ra đề ấy, học sinh học tủ, học vẹt, học thuộc lòng không thể làm bài được mà đòi hỏi phải có cách làm bài, có phương pháp tư duy tốt.

“Điều này đòi hỏi thầy cô giáo phải thay đổi cách dạy từ chỗ đơn thuần chỉ truyền đạt kiến thức đến chỗ ngoài dạy kiến thức còn phải hướng dẫn cách làm bài, phương pháp tự học, phương pháp tư duy cho học sinh, “cho chiếc cần câu chứ không cho con cá”. Cách học của học sinh cũng phải thay đổi từ chỗ học vẹt, học thuộc lòng sang học một cách sáng tạo để hình thành kĩ năng, phương pháp cho mình”.

{keywords}
TP.HCM được đánh giá có sự đổi mới mạnh mẽ nhất về đề thi Ngữ văn trong những năm gần đây. Ảnh minh họa: Thanh Tùng

“Học sinh ngày càng năng động, hiện đại, thông minh nên mong muốn của các bạn đối với môn Ngữ văn cũng theo hướng đó. Các bạn thích được khám phá, bày tỏ hơn là việc bị áp đặt ý kiến. Và đây là mong muốn chính đáng, tiến bộ rất cần được tôn trọng và tạo điều kiện phát huy” - Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mia, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Cát Linh (Hà Nội) cũng đồng tình rằng thay đổi ở chương trình, thay đổi cách ra đề kiểm tra, đề thi sẽ kéo theo sự thay đổi về phương pháp dạy và học.

“Học sinh thế hệ Z chủ động, năng động hơn và đang sống trong một xã hội chuyển mình mạnh mẽ, khác rất nhiều so với học sinh trước đây. Các em không còn là những học trò gọi dạ bảo vâng mà đã có tính phản biện rất cao. Không chỉ thầy nói đúng là đúng, mà các em có chính kiến của mình” – thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ quan sát của mình.

Do đó, thầy Đức Anh khẳng định bên cạnh việc phát huy những ưu điểm của cách dạy truyền thống thì giáo viên cũng phải thay đổi.

“Giáo viên không thể dạy Văn cùng một kiểu cho tất cả học sinh. Khi dạy các em, giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn cần hướng dẫn thêm kỹ năng để học sinh có thể tiếp cận văn bản ngoài sách giáo khoa, để các em có sự nhìn nhận, đánh giá đa chiều”.

Hai yếu tố quan trọng tạo sự chuyển biến

Trong sự thay đổi tích cực của các đề thi môn Ngữ văn, đặc biệt ở TP.HCM, theo Th.S Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn "có mặt" hai yếu tố ít được nhắc tới.

"Thứ nhất, chúng ta thường hay khen địa phương triển khai sáng tạo mà quên mất vai trò định hướng đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Không có cơ sở từ Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH (về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng ban hành ngày 8/10/2014), Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khó có thể đi trước, đón đầu.

Sự ra đời của Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH (ban hành kèm thông tư về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT ngày 27/8/2020) càng khẳng định hướng đi mà TP.HCM đã thực hiện.

Những công văn này không chỉ tạo “bước đệm” để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong dạy học ở nước ta chứ không riêng địa phương nào".

Và yếu tố thứ hai, theo Th.S Khôi, có liên quan tới những áp lực trong tuyển sinh.

"Bên cạnh việc trân trọng tinh thần đổi mới mạnh mẽ, những ý tưởng táo bạo và sự quyết đoán trong triển khai, cần nhắc đến áp lực tuyển sinh rất căng thẳng, trình độ học sinh ngày một cao, năng động, sáng tạo hơn đã tạo một động lực mạnh mẽ buộc người ra đề nói riêng và các Sở GD-ĐT phải không ngừng đổi mới" - ông Khôi khẳng định.

Phương Chi - Lê Huyền

Thi lớp 10: Có đề thi Ngữ văn 'thăng hoa' thật sự

Thi lớp 10: Có đề thi Ngữ văn 'thăng hoa' thật sự

Trong mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, có một đề thi nhận được khá nhiều sự tán thưởng. Đó là đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên Văn, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Phấn khích với đề thi học sinh giỏi Văn của TP.HCM

Phấn khích với đề thi học sinh giỏi Văn của TP.HCM

Theo các giáo viên, đề thi văn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của TP.HCM có yếu tố mới, sáng tạo và gây hứng thú thực sự, cho cả người học và người dạy.

Cần đánh giá công bằng với đề thi Ngữ văn 'nếu em ở trong nước sôi'

Cần đánh giá công bằng với đề thi Ngữ văn 'nếu em ở trong nước sôi'

Trong khi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước, đề thi môn Ngữ văn của Khánh Hòa nhận được sự chú ý ở cả đề thi chung và đề thi vào lớp chuyên.