- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ có thay đổi lớn, với mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh; đặc biệt ở bậc THPT sẽ giảm số môn học bắt buộc và những kiến thức không cần thiết.

Phác thảo diện mạo chương trình mới

Tại buổi gặp mặt báo chí chiều nay, 22/4, ông Đoàn Văn Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: Quy trình xây dựng chương trình, SGK lần này có khác biệt căn bản so với trước là tách rõ việc làm chương trình và viết SGK. Chương trình sẽ làm trước, căn cứ vào đó biên soạn SGK.

{keywords}

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Đoàn Văn Ninh: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi (Ảnh: Văn Chung).


Thứ tự các bước như sau: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; dựa vào đó ban hành các chương trình môn học; rồi mới biên soạn bộ đề cương SGK.
 
Dự kiến đến năm học 2018 - 2019 sẽ có 3 bộ sách của lớp 1, 6 và 10 đưa vào dạy học; sau đó tiếp tục làm cuốn chiếu để đến năm học 2022-2023, toàn bộ chương trình SGK mới được triển khai đại trà trên toàn quốc.
 
Nói rõ hơn về chương trình - SGK mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Chương trình mới nhằm mục tiêu định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
 
Chương trình này sẽ phân hóa rõ giai đoạn cơ bản (tiểu học, THCS) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT).
 
Trong đó, chương trình tiểu học được thiết kế với thời lượng 2 buổi/ngày; chương trình THCS và THPT thiết kế với thời lượng 1 buổi/ngày.

Đáng lưu ý, việc tổ chức học tập ở khối THPT vì vậy cũng sẽ khác rất nhiều so với hiện nay. Chương trình sẽ được xây dựng theo tinh thần "phân hóa bằng hình thức tự chọn". Thời lượng các môn học sẽ giảm, kiến thức chồng chéo ở các môn sẽ giảm; những kiến thức không cần thiết cũng được cắt bỏ. Thay vào đó, sẽ tăng cường tập trung kiến thức theo dạng chuyên đề.  

Ngoài kiến thức cơ bản, trong chương trình đổi mới còn chú trọng các hoạt động trải nghiệm, sự tham gia thực sự của học sinh vào đời sống xã hội.

"Trước đây quan niệm hết 12 năm mới xong giáo dục phổ thông. Còn với chương trình sắp tới, học hết 9 năm sẽ cơ bản kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, học sinh có thể vào đời" - ông Hiển giải thích thêm.

Việc thay đổi chương trình - SGK tiến hành đồng bộ với thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước, sau đó mới phê duyệt các chương trình môn học, dự kiến hoàn thành chậm nhất vào tháng 6-2016 . Bộ GD-ĐT sẽ phát hiện, bổ sung thêm lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa". (Ảnh: Văn Chung).

Kể ra những công việc mà ngành giáo dục đang làm hiện nay như; giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông, thi nghiên cứu khoa học, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học, dạy Tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp Công nghệ giáo dục, áp dụng phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột", thực hiện mô hình "trường học mới"(VNEN), đổi mới đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ...Thứ trưởng Hiển trấn an: "Trong thực tế, việc đổi mới chương trình phổ thông đang diễn ra chứ không phải mới mẻ hoàn toàn".
 
Chưa rõ ai sẽ là Tổng chủ biên sách giáo khoa mới

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay, Bộ đang tích cực xây dựng bộ tiêu chí chọn người viết chương trình, SGK và sẽ mời cả những người ngoài ngành giáo dục tham gia viết sách. Hiện nay, đã có Sở GD-ĐT TP.HCM đăng ký viết sách giáo khoa.

{keywords}
Chương trình phổ thông mới sẽ bắt đầu vào năm học 2018 - 2019 và kết thúc vào năm học 2022 - 2023. Ảnh: Lê Anh Dũng
Việc chọn người làm sách theo sẽ dựa trên 3 tiêu chí cơ bản" phải là người có phẩm chất tốt, giỏi về khoa học và năng lực sư phạm tốt.
 
Về tỷ lệ "giáo viên phổ thông", ông Hiển cho biết sẽ có, nhưng không nhiều giáo viên phổ thông tham gia trong hội đồng thẩm định. Ngành giáo dục sẽ huy động chất xám của giáo viên phổ thông trong quá trình góp ý cho sách mới.

Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết thêm, việc viết sách lần này sẽ có một tổng chủ biên kiểm soát toàn bộ việc biên soạn chương trình từ tổng thể đến các môn học. Bên cạnh đó, sẽ có tổng chủ biên theo chiều ngang (các môn học trong một lớp, cấp học) nhằm tránh việc xây dựng chương trình trùng lặp, quá tải. Với câu hỏi Tổng chủ biên sẽ là lãnh đạo ngành giáo dục hay chuyên gia, Thứ trưởng Hiển cho biết "vẫn đang cân nhắc" chuyện chọn người.

 
Các thông tin như "bao giờ có dự thảo chương trình tổng thể", "bao giờ có tiêu chí cụ thể để chọn người làm chương trình, viết SGK", và một số câu hỏi khác về tiến trình, thao tác làm chương trình, viết sách... đang được lãnh đạo Bộ GD-ĐT "khất" và cho biết sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
 
  • Văn Chung - Hạ Anh