- Tâm sự xúc động của một phụ huynh và con gái đã thuê trọ, ăn nghỉ một tuần nay tại Hà Nội để theo dõi, tính toán phương án nộp hồ sơ đại học đợt 1.

Đến hơn 11h trưa, lượng thí sinh và người nhà vẫn đông nghịt phía bên trong và ngoài hội trường lớn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hồng và con gái Vũ Thị Phương Hạnh sáng nay tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Thảo).

Trong buổi sáng, trong hội trường có gần 300 trường hợp thay đổi nguyện vọng. Số thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT mới khoảng 200.

Phía bên ngoài bà Nguyễn Thị Hồng, 60 tuổi đến từ Hải Phòng chia sẻ qua hai hàng nước mắt: “Một tuần nay mẹ con tôi thuê trọ ở Hà Nội. Mệt mỏi quá mà không biết tương lai con tôi ra sao”.

Em Vũ Thị Phương Hạnh, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng – con bà Hồng là học sinh giỏi 12 năm. Vừa qua ở khối D em được 24,25 điểm. Ban đầu em nộp vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhưng đến 17/8 thấy hết cơ hội nên phải rút ra.

{keywords}
Hội trường lớn Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội sáng 20/8. (Ảnh: Ngân Anh).

Từ ngày 17/8 đến nay, bà Hồng và con thuê phòng trọ ở gần Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ngày ngày mẹ con đến trường theo dõi tình hình nhằm nộp hồ sơ. Đến 20/8 tình hình thêm căng thẳng. Hạnh cho biết đã quyết định nộp vào Học viện Tài chính.

“Em mệt mỏi lắm rồi, không muốn tính toán nữa, chấp nhận nộp khoa Tài chính ngân hàng là khoa thấp nhất của Học viện Tài chính và đành để đó thôi”- Phương Hạnh cho biết.

Theo bà Hồng trong khi hai mẹ con lên Hà Nội trọ thì ở nhà 3 chị gái của Hạnh túc trực cả ngày bên máy tính để theo dõi tình hình các trường, tính toán cơ hội, sau đó liên lạc với hai mẹ con ở trên Hà Nội để quyết định rút, nộp hồ sơ.

Bức xúc với phương thức xét tuyển năm nay, bà Hồng cho biết: “Không chỉ mình con tôi khổ sở mà cả gia đình cùng khổ. Con tôi thi vậy là điểm cũng cao, mọi năm là có thể chắc chắn đỗ đại học, nhưng giờ thì ăn chực nằm chờ để tìm cơ hội, tốn kém, mệt mỏi lắm”.

Bà Hồng cho rằng đại học muốn có học sinh tốt thì kỳ thi phải đủ khó, đủ nghiêm, em nào đủ năng lực thì vào đại học, nếu trượt thì cũng chỉ đau một lần rồi thôi.

Thi như năm nay nhiều em điểm cao từ 21 đến 24 điểm không biết tính toán thế nào cho phù hợp.

Người mẹ già chia sẻ: “Vợ chồng tôi cả mấy tuần nay không làm ăn gì, chỉ biết nấu ăn phục vụ cho các con tôi ngồi tính toán điểm chác. Quá căng thẳng. Đến hôm nay thì không thiết tính toán gì nữa, cho cháu nộp vào Học viện Tài chính. Tôi xem thấy Bộ trưởng nói đây cũng là cơ hội để thí sinh biết lo lắng, trưởng thành lên. Nhưng tôi cho rằng, tuổi các cháu chưa đến lúc phải chịu đựng cảnh tính toán như chơi chứng khoán này”.

Nhìn cảnh phụ huynh đang chen lấn để rút-nộp hồ sơ năm nay, bà Hồng so sánh “không khác gì chợ hoa ngày 30 Tết. Nhưng ngày Tết hồ hởi còn ở đây chỉ có những gương mặt âu lo và cả nước mắt”.

Tại Trường ĐH Tài nguyên-Môi trường lúc 16h chiều nay một bà mẹ nước mắt ngược xuôi khi hay tin điểm chuẩn dự kiến vào một ngành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã hạ nhiệt. Với 23 điểm khối A, 21 điểm khối B bà mẹ này sau khi tính toán đến chiều mới quyết định chạy sang Trường ĐH Tài nguyên-Môi trường nộp hồ sơ. Vừa sang thì nghe con báo tin trên, bà lại tất tưởi phi về trường cũ.

Tại Trường ĐH Thủy lợi (cơ sở Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hùng người nhà của thí sinh Nguyễn Văn Long có điểm số 17,5 ở khối A sau khi tính toán đến 16h30 anh mới quyết định rút hồ sơ, chuyển cho em trai sang Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải. Ra đến bưu điện gần đó lúc 16h50, anh Hùng cuống cuồng đến nỗi viết sai hồ sơ chuyển qua đường bưu điện đến 3 lần. May mắn khi đúng 17h, giờ "khóa sổ" tuyển sinh anh hoàn thành thủ tục gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

  • Văn Chung