- Cùng ngành giáo dục nhưng đội ngũ quản lý, chuyên viên tại các phòng, sở giáo dục hiện nay có mức lương rất thấp.

Phó giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục lương chưa tới 10 triệu

Ông Nguyễn Văn Đức hiện đang là phó giám đốc một sở giáo dục đào tạo ở phía Nam cho biết, còn vài năm nữa về hưu nhưng lương ông hiện nay vẫn chưa tới 10 triệu/tháng.

{keywords}
Ảnh: Lê Huyền (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan đến bài viết)

Đề cập đến thu nhập mình, ông Đức cho biết, “nghe vị trí phó giám đốc sở thì “to lớn”, nhưng lương của tôi hiện nay không bằng lương của các giáo viên đứng lớp. Với các giáo viên ngoài lương cứng ra còn có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Còn bản thân tôi ngoài lương chính thì chỉ được thêm phụ cấp chức vụ với hệ số 0,8, thêm phụ cấp công vụ, mỗi tháng lại bị trừ trật thêm nhiều khoản nữa”.

Cùng cơ quan với ông Đức, anh Tân là một nhân viên ở bộ phận văn phòng cho rằng khi chuyển công tác từ giáo viên đứng lớp sang làm quản lý, anh sẽ hưởng lương theo quy định nhà nước dành cho bậc công chức.

“Về lý, chúng tôi là những người làm ở cơ quan cao, nhưng trên thực tế thu nhập của chúng tôi thấp hơn các giáo viên rất nhiều. Giáo viên đứng lớp ngoài các khoản lương còn  có ưu đãi, chúng tôi chỉ đúng “ba đồng, ba cọc” theo quy định, lương công chức ngành giáo dục”-  anh Tân cho biết.

Với cô Hoàng Dung, chuyên viên phòng giáo dục quận 4, TP.HCM vừa về hưu cho biết, khi là giáo viên, rồi hiệu trưởng ở một trường học, thu nhập mỗi tháng của cô đủ trang trải cuộc sống. 

“Nhưng khi có “lệnh” về công tác ở phòng giáo dục chỉ được nhận lương theo hệ số ứng vào số năm đã công tác và thêm một ít phụ cấp công vụ”.

“Lương thấp nên lương hưu của tôi cũng thấp. Sau 35 năm gắn bó với giáo dục, hiện nay tôi đã chuyển sang làm một nghề khác và tạm ổn”- cô Dung chia sẻ.

Theo cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4, TP.HCM, ngoài bộ phận chuyên viên, quản lý ở phòng, sở giáo dục lương của bộ phận phục vụ, bảo vệ trường học hiện nay cũng rất bất cập. 

“Riêng bộ phận phục vụ trường lương chỉ được hệ số 1 “chấm”. Nếu trừ các khoản bảo hiểm, thu nhập rất “chua chát”. Trong khi đó, những người này phải tới trường sớm nhất và rời trường trễ nhất”- cô Hà cho biết.

Theo cô Hà “nếu so sánh với ô sin làm một giờ đồng hồ được 50.000 đồng thì lương của những người phục vụ tại trường hiện nay rất thấp. Đã thế khi bước chân vào trường, bản họ cũng phải chấp hành đầy đủ các nội quy, các chuyện liên quan đến thi đua của trường”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cũng cho biết, đối tượng thứ hai có lương thấp không kém là bảo vệ trường học, được hưởng hệ số lương 1,5. 

“Ngoài làm bảo vệ, hiệu trưởng phải kiếm thêm việc này, việc khác cho họ làm, kiếm thêm thu nhập chứ không thì cực khổ lắm”- cô Hà cho biết

Giáo viên không muốn lên “sếp”

Nếu đứng lớp ngoài lương cứng, giáo viên sẽ được thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, nếu kiêm thêm tổ trưởng, tổ phó thì được thêm phụ cấp chức vụ. Nhưng làm quản lý ở các phòng hay sở, phụ cấp ưu đãi, thâm niên sẽ bị cắt hết. Ngoài phụ cấp công vụ, vụ cấp chức vụ cũng rất ít ỏi.

{keywords}
Bảng thu nhập của hiệu trưởng, giáo viên bậc  tiểu học một quận ở TP.HCM

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TP.HCM cho biết, dù sắp về hưu nhưng thu nhập của ông hiện tại là một chuyện “cười ra nước mắt”.

“Trước khi về phòng giáo dục với chức vụ trưởng phòng, tôi là hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở. Lúc ấy ngoài lương, tôi được nhận phụ cấp chức vụ dành cho hiệu trưởng với hệ số 0,5. Nhưng oái ăm thay, khi làm trưởng phòng thì phụ cấp chức vụ của tôi lại là 0,4 – thấp hơn cả hiệu trưởng. Ngoài phụ cấp ưu đãi bị cắt, phụ cấp thâm niên mấy chục năm đi dạy (mỗi năm 1%) cũng bị cắt hết. Tính ra mỗi tháng thu nhập của tôi là lương cứng, phụ cấp công vụ 25% và phụ cấp chức vụ 0,4, toàn bộ chỉ được hơn 8 triệu đồng/tháng”- ông Tuấn cho biết. 

Ông Tuấn cho rằng, trường hợp của ông cũng là tình hình chung của những người làm quản lý ngành giáo dục.

“Nhiều người không dám nói thẳng, nhưng nếu được lựa chọn “lên sếp” và giáo viên đứng lớp, ai cũng thích làm giáo viên hơn. Chẳng ai muốn lên “trên” công tác nhưng nhận lương thấp hơn. Nếu chúng tôi lên công tác ở phòng, sở vẫn được hưởng các chế độ như cũ, kiêm thêm phụ cấp chức vụ mới thì sẽ tốt hơn, vì công việc ở phòng và sở rất cực” – ông Tuấn đề nghị.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện tại phòng ông có khoảng 20 cán bộ công chức. Mức lương cao nhất hơn 8 triệu, thấp nhất từ 4 đến 5 triệu. “ Sở dĩ thấp nhất từ 4- 5 triệu mà không có lương khởi điểm vì những cá nhânchuyển qua phòng làm việc đều có nhiều năm công tác ở trường nên hệ số đã cao”.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay để tìm người giỏi về làm quản lý rất khó.

“Nếu muốn người giỏi về làm quản lý, chỉ có cách động viên họ, hoặc tìm người trẻ vì còn nhiều thời gian phấn đấu. Những người đã lớn, sự cống hiến “chững” lại chỉ làm vì trách nhiệm, tự trọng. Thậm chí nhiều người “lên trên” phòng rồi muốn quay về trường làm giáo viên – ông nói.

Cũng theo vị này, một lý do nữa khiến nhiều giáo viên không muốn lên công tác cao hơn vì mang “cơ chế công chức”. Tức là khi làm việc sẽ bị đòi hòi về mặt chuyên môn, bằng cấp, cập nhật kiến thức…

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, hiện nay có nhiều giáo viên giỏi, có khả năng quản lý nhưng những giáo viên này không muốn chuyển công tác về sở và phòng. 

Lý do là cán bộ quản lý, chuyên viên sở và phòng đã bị cắt các khoản phụ cấp dành cho nhà giáo, thu nhập sẽ thấp hơn giáo viên.

“Có nhiều giáo viên giỏi, chúng tôi muốn họ về làm quản lý ở Sở nhưng khi đề cập tới thì họ từ chối. Muốn họ nhận nhiệm vụ chúng tôi chỉ còn cách nài nỉ hoặc bắt ép”- ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cho rằng, để thay đổi công việc đầu tiên phải là thu nhập hấp dẫn, nhưng giáo viên từ chối lên phòng, sở làm quản lý vì thu nhập thua thiệt đủ đường.

“Ngay bản thân tôi, với trình độ của tôi nếu giảng dạy ở dưới trường sẽ thu nhập khác, khi về làm quản lý ở sở thu nhập khác” – ông Hiếu chia sẻ.

 

Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68 năm 2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB- XH hướng dẫn một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã quy định,  đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động .

Theo khoản 3 Điều 1 Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.  Cụ thể: Các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15). Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này.

Tuệ Minh (Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)