Ở một khu đất bỏ hoang bên rìa ĐH Yale hiện đang tràn ngập các loại rau và cây gia vị được chăm sóc cẩn thận bởi một cộng đồng những người già Trung Quốc. Họ sang đây để chăm cháu khi con cái đang mải mê gây dựng sự nghiệp tại các trường Ivy League.

{keywords}

Ông Wang Nairu mang nước ra vườn tưới rau. Con gái ông đang là nghiên cứu sinh ở ĐH Yale. Khu vườn thuộc sở hữu của ĐH Yale, được gây dựng lên bởi những người già Trung Quốc sang Mỹ để chăm con cháu. Ảnh: AP

Công việc làm vườn giúp những cụ ông, cụ bà ở đây tìm thấy bạn bè và một công việc để làm hằng ngày trong môi trường mới. Họ còn được thu hoạch những loại rau quen thuộc, tươi ngon hơn bất cứ loại rau nào mua trong siêu thị địa phương.

“Trời nắng quá. Tôi ướt đẫm mồ hôi nhưng việc này rất tốt” – bà Zhang Zaixian, 63 tuổi tới từ Bắc Kinh chia sẻ khi đang tưới nước cho những cây hẹ trong khi cháu trai bà đi học mầm non. “Tôi rất vui”.

Khu vườn nằm ngay trong thành phố này được gây dựng cách đây khoảng 10 năm – một sản phẩm của cộng đồng người nước ngoài khi số sinh viên Trung Quốc sang Mỹ học tập ngày càng tăng.

Những người nông dân làm vườn này tới từ cả khu vực thành thị và nông thôn của Trung Quốc, và họ tuân theo những quy định bất thành văn trong việc chăm sóc khu vườn. Họ được phép bón phân nhưng không được sử dụng thuốc trừ sâu. Dọn dẹp bình nước tưới khi làm xong và dọn dẹp vườn tược vào mùa thu. Tìm một gia đình khác chăm sóc khu vườn của mình khi chuyển khỏi New Haven.

Bà Zhang có con gái từng nhận bằng Tiến sĩ ở Trung Quốc, sau đó sang làm nghiên cứu tại Trường Y ĐH Yale. Bà cho biết khi ở Bắc Kinh, bà chưa từng làm vườn. Ở Trung Quốc, bà từng làm kế toán cho doanh nghiệp và trong ngành hải quân. Sức khỏe của bà Zhang đang yếu đi trước khi bà sang Connecticut lần đầu tiên vào năm 2009, nhưng công việc chăm sóc vườn tược trong môi trường không khói bụi như ở Bắc Kinh đã giúp sức khỏe bà khá lên rất nhiều.

{keywords}

Bà nói rằng khu vườn được chăm sóc tốt là nhờ những người làm vườn đã già và có tính kiên nhẫn.

“Bọn trẻ không muốn lao động chân tay” – bà cho hay.

“Tất cả những cây trồng ở đây đều ăn được, có các loại đậu, hành lá, cà chua và rau mùi”.

Hạt giống của những loại rau này được lấy từ khu Chinatown ở New York hoặc mua ở một số chợ châu Á. Các gia đình người Trung Quốc đang sống ở khu chung cư 2 tầng dọc con đường này thường chia rau cho nhau, kể cả cho những người không tham gia làm vườn.

“Tôi chưa từng làm nông khi ở Trung Quốc. Tại sao khi sang đây tôi lại nên làm công việc đó?” – ông Wang Lunji, 65 tuổi tới từ tỉnh An Huy, Trung Quốc nói. Con trai ông Wang hiện đang học sinh học tại Yale. Ông nói rằng mặc dù không làm vườn nhưng ông vẫn rất quý những loại rau được hàng xóm biếu tặng.

Khu đất trồng rau này thuộc sở hữu của ĐH Yale và những người phụ trách việc chăm sóc cây cối cho trường thường cung cấp phân bón cho những nông dân nghiệp dư này. Vấn đề duy nhất họ không hài lòng là vườn rau thường xuyên bị ăn trộm hoặc phá hoại.

Trong một số trường hợp, họ nghi ngờ lẫn nhau khi rau bị mất tích. Ông Guo Zhirong cho biết khi bị mất rau, họ chẳng thể khiến cơ quan luật pháp của Mỹ quan tâm.

“Một số người ở thành phố. Họ không biết trồng rau. Có thể họ sẽ nói ‘Chà, tuyệt quá!’, rồi cứ thế mang rau đi”.

Ông Guo năm nay 71 tuổi. Ông là một nông dân đích thực khi ở Trung Quốc. Ông là người dạy mọi người ở đây cách tưới nước, bón phân, thu hoạch.

“Dễ thôi. Họ chỉ cần nhìn tôi làm và làm theo. Một số người làm không thể gọi là xuất sắc, nhưng tạm được” – ông Guo chia sẻ.

  • Nguyễn Thảo (Theo AP)